Đối tượng vi phạm Chỉ thị 16 làm một cảnh sát thiệt mạng có thể bị xử lý thế nào?

06-08-2021 15:15 | Pháp luật

SKĐS - Với việc vi phạm Chỉ thị 16, ra đường sau 18h, bỏ chạy và có hành vi ép xe khiến một chiến sĩ công an truy đuổi tử vong, đối tượng có thể đối diện cáo mức cao hơn hành vi "chống người thi hành công vụ".

Liên quan đến vụ chiến sĩ công an Quận 6 (TPHCM) - Thượng úy Phan Tấn Tài hy sinh trong quá trình truy đuổi đối tượng vi phạm quy định phòng dịch COVID-19 của thành phố, theo thông tin từ cơ quan điều tra, nghi phạm được xác định là Hứa Hán Võ (sinh năm 1994, ngụ quận 6, TP.HCM).

Khi tổ tuần tra tiến hành kiểm tra giấy tờ, phát hiện nghi vấn Võ sử dụng trái phép chất ma túy nên đã yêu cầu Võ về trụ sở Công an phường 11. Đến trước trụ sở công an phường, Võ không chấp hành mệnh lệnh mà phóng xe máy bỏ chạy, nên tổ tuần tra đuổi theo.

Đáng nói, trong quá trình truy đuổi, Võ có dấu hiệu ép xe làm cho Thượng úy Phan Tấn Tài bị mất lái, lao lên vỉa hè, va đập vào tường nhà dân và bị thương nặng. Dù được đồng đội đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy nhưng do chấn thương quá nặng nên thượng úy Tài qua đời lúc 21h30 cùng ngày.

Vụ công an quận 6 hy sinh: Đối tượng có thể chịu trách nhiệm tội giết người ? - Ảnh 1.

Hứa Hán Võ bị khởi tố về tội Chống người thi hành công vụ.

Hứa Hán Võ đã bỏ trốn, đến 21h40 cùng ngày thì Võ đã đến trình diện tại Công an phường 11, quận 6. Qua test nhanh của cơ quan chức năng, Võ dương tính với chất ma túy.

Được biết, ngày 5/8, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Hứa Hán Võ (27 tuổi, ngụ quận 6) về tội Chống người thi hành công vụ.

Hiện vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra và cho dù Võ không trực tiếp nhưng cũng là tác nhân, gián tiếp gây ra hậu quả nghiêm trọng nên Võ sẽ phải đối mặt với sự nghiêm trị của pháp luật. Trao đổi với Báo SK & ĐS, Luật sư Trần Viết Hà – thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn – Đoàn Luật sư TPHCM, phân tích: Hiện chưa thể kết luận việc Võ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không bởi việc đó phụ thuộc vào việc trên thực tế Võ có hành vi tác động vào phương tiện xe mô tô của Thượng úy Tài điều khiển hay không.

Vụ công an quận 6 hy sinh: Đối tượng có thể chịu trách nhiệm tội giết người ? - Ảnh 2.

Luật sư Trần Viết Hà - Thành viên Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn – Đoàn Luật sư TPHCM.

Tuy nhiên, nếu trong quá trình điều tra, trích xuất camera xung quanh và có căn cứ xác định đối tượng điều khiển xe mô tô chạy với tốc độ cao có hành vi tác động trực tiếp (Dùng chân đạp, ép xe…) vào Thượng úy Tài đang điều khiển xe mô tô là hành vi nguy hiểm đến tính mạng người truy đuổi thì lỗi vi phạm của đối tượng là lỗi cố ý gián tiếp quy định tại Khoản 2 Điều 10 BLHS. 

Cụ thể: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".

Khi thực hiện hành vi pháp luật buộc đối tượng phải hoàn toàn ý thức được việc tác động đó gây nguy hiểm đến tính mạng của Thượng úy Tài. Hậu quả làm cho Thượng úy Tài mất lái ngã khỏi xe, văng lên lề đường, chấn thương nặng và tử vong là có mối quan hệ nhân quả. Do đó, đối tượng sẽ phải chịu trách nhiệm về tội Giết người theo qui định tại điểm d, Khoản 1 Điều 123 BLHS.

Phú Linh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn