"Phản ứng nhanh" của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ
Liên quan đến loạt bài viết: Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược, phản ánh về việc những người giới thiệu là cán bộ tuyển dụng và giảng viên Trường Cao đẳng Dược Hà Nội thu tiền học phí, phát đề thi và đáp án cuối kỳ cho học viên mang về chép; sau đó chèo kéo học viên nộp thêm tiền để chuyển sang Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ thi tốt nghiệp sớm và cuối cùng thí sinh nhận được bằng của Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn, nhiều bộ/ngành và các đơn vị chức năng đã vào cuộc để xác minh, làm rõ.
Đầu tiên là lãnh đạo Viện Y học Dự phòng Quân đội (địa chỉ 21 Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội), nơi diễn ra kỳ thi tốt nghiệp với sự tham gia của cả trăm thí sinh cho biết, Viện không có hợp tác, liên kết hay cho các Trường Cao đẳng Dược Hà Nội, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ và Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn sử dụng giảng đường, văn phòng tổ chức các hoạt động chiêu sinh, thu tiền học phí, thi tốt nghiệp, cấp bằng…
Đơn vị này chỉ cho duy nhất Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội được thực hành tại 3 giảng đường và 1 phòng để phục vụ công tác quản lý sinh viên. Phía Trường Cao đẳng Y dược Tuệ Tĩnh Hà Nội cũng khẳng định không biết và không liên quan đến 3 trường nói trên.
Trong khi phía Trường Cao đẳng Dược Hà Nội và Trường Cao đẳng Lê Quý Đôn đang khẩn trương rà soát công tác đào tạo, cấp bằng, đặc biệt là mối liên quan đến những nhân viên tuyển sinh ngành y dược để có giải pháp ngăn chặn, xử lý thì Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ nhanh chóng khẳng định không liên quan.
Cụ thể, chiều 24/8, chỉ hơn một giờ sau khi Báo Sức khoẻ & Đời sống đăng tải bài viết: Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược (1): Xe ôm thi hộ tốt nghiệp, cán bộ đưa tài liệu cho thí sinh chép và Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược (2): Tìm đủ cách "vợt" học viên, cả khoá không cần đến lớp, ông Nguyễn Quang Ân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ đã có đơn khiếu nại cho rằng thông tin trong bài báo liên quan đến Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ là không đúng.
Khi được mời trực tiếp lên toà soạn báo để phối hợp, trao đổi thông tin, vị hiệu trưởng đồng ý tuy nhiên đến hẹn thì thông báo vắng mặt do trường phải làm việc với Công an tỉnh Phú Thọ và Thanh tra Sở Y tế tỉnh Phú Thọ.
Những ngày sau, ông Nguyễn Quang Ân - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ ký nhiều văn bản cho biết: Phiếu thu tiền như bài báo không phải là phiếu thu của trường Cao đăng Y tế Phú Thọ; Nhà trường không tổ chức kỳ thi nào với trường Cao đẳng Dược Hà Nội; Mẫu đề thi trên báo cũng không phải mẫu đề thi hiện hành của Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ; Nhà trường chưa từng tổ chức thi tại địa điểm Viện Y học Dự phòng quân đội…
Dù Báo Sức khoẻ & Đời sống tiếp tục đề nghị cung cấp hồ sơ trong 3 năm 2019-2020-2021 nhà trường đã tổ chức thi tốt nghiệp bao nhiêu đợt và cấp bằng cho bao nhiêu thí sinh để làm rõ có hay không việc mạo danh nhưng đơn vị này chưa phản hồi.
Được biết, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ có 7 chuyên ngành hệ cao đẳng và 8 chuyên ngành hệ trung cấp thuộc các lĩnh vực Y, Dược, Điều dưỡng, Xét nghiệm, Kỹ thuật Y học...
Hiện tại, Thanh tra Sở Y tế Phú Thọ đang tiến hành thanh tra tại trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ theo quyết định ngày 24/8/2022 của Giám đốc Sở Y tế tỉnh Phú Thọ về việc thanh tra công tác đào tạo chuyên ngành y - dược tại trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ.
Đề nghị cơ quan công an vào cuộc
Theo dõi thông tin loạt bài viết Dối trá trong đào tạo cao đẳng y - dược trên Báo Sức khoẻ & Đời sống, Thượng tá Đào Trung Hiếu (Bộ Công an) cho biết, trong vụ việc nêu trên sẽ có 2 nghi vấn: Thu tiền học phí, giả mạo kỳ thi tốt nghiệp hoặc đường dây cấp bằng không qua đào tạo quy mô lớn. Do vậy để xác minh căn cứ thì đầu tiên công an các tỉnh thành sẽ vào cuộc điều tra, nếu xét thấy cần thiết Bộ Công an sẽ chỉ đạo các đơn vị tham gia, làm rõ.
Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp Trị thì đặt ra giả thiết có sự liên kết giữa nhân viên tuyển sinh, cán bộ đào tạo của các trường trong việc tiếp nhận hồ sơ học viên, thu tiền học phí, tổ chức thi tốt nghiệp và cấp bằng cao đẳng y - dược.
Tuy nhiên cũng không loại trừ việc một số đối tượng mượn danh trường Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ tuyển sinh, giả mạo con dấu để thu tiền học phí và mạo danh nhà trường tổ chức kỳ thi tốt nghiệp nhằm trục lợi trái pháp luật. Đây là hành vi vi phạm pháp luật và đủ căn cứ để cơ quan công an vào cuộc điều tra, khởi tố vụ án hình sự.
Theo luật sư Lực, việc một kỳ thi tốt nghiệp với cả trăm thí sinh diễn ra thuận lợi ngay tại giảng đường của Viện Y học Dự phòng Quân đội - nơi mọi hoạt động ra vào đều phải đăng ký, kiểm soát nghiêm ngặt - dẫn đến một nghi vấn có hay không sự liên quan giữa Viện Y học Dự phòng Quân đội - Trường Cao đẳng Y Dược Tuệ Tĩnh (đơn vị thuê giảng đường) với nhóm người được cho là giảng viên, cán bộ tuyển sinh của trường Cao đẳng Dược Hà Nội và Cao đẳng Y tế Phú Thọ.
"Bản chất vấn đề ở đây là việc cấp bằng không qua đào tạo tại một số trường như Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh là có thật. Trong các bài báo, toà soạn cũng nêu rõ những tài liệu phóng viên thu thập trong nhiều năm cần đưa ra công luận với mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc ngăn chặn, xử lý. Như vậy thay vì những phản ứng vội vàng, Trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ nên chủ động phối hợp bởi nếu trường bị mạo danh thật thì nhờ có báo chí mà sự việc kéo dài nhiều năm được phanh phui, ngăn chặn.
Còn nếu lãnh đạo trường muốn làm rõ có hay không sự liên đới với "đường dây" nói trên thì nên cung cấp danh sách học viên được cấp bằng tốt nghiệp trong các năm như Báo Sức khoẻ & Đời sống kiến nghị để hai bên có sự đối chiếu với các tài liệu, văn bằng liên quan", luật sư Quách Thành Lực nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế đánh giá, việc dối trá trong cấp bằng cao đẳng y - dược không qua đào tạo như Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh nghiêm trọng hơn việc cấp văn bằng 2 tiếng Anh không qua đào tạo tại trường Đại học Đông Đô. Trong vụ việc này, Hiệu trưởng và nhiều cán bộ của trường Đại học Đông Đô đã bị xử lý hình sự.
Gần đây nhất, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y - Dược ASEAN cũng bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc đào tạo và cấp bằng cao đẳng điều dưỡng.
"Tình trạng tuyển sinh, thu học phí, thi tốt nghiệp và cấp bằng không qua đào tạo diễn ra tại nhiều trường Cao đẳng Y dược như Báo Sức khoẻ & Đời sống phản ánh có quy mô rộng, liên quan nhiều đơn vị, gây bức xúc dư luận. Dù là "đường dây" hay trường nào đó bị mạo danh thì sự thật những tấm bằng không qua đào tạo cũng đã được cấp ra, tiềm ẩn nhiều hệ luỵ. Vì vậy cơ quan công an và thanh tra ngành cần sớm vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm, mức độ vi phạm để có hình thức xử lý thích đáng", PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.
VIDEO: Sự thật trần trụi đằng sau tấm bằng cao đẳng y - dược chính quy
Bí mật "động trời" đằng sau tấm bằng cao đẳng chính quy ngành dược không qua đào tạo
Báo Sức khoẻ & Đời sống tiếp tục thông tin đến bạn đọc.