Triết gia Pascal phân biệt hai loại đầu óc: đầu óc hình học (esprit de géométrie) và đầu óc tế nhị (esprit de finesse). Khi gặp ông Bùi Minh Đức lần đầu tiên tại diễn đàn khoa học về tiếng Huế và văn hóa Huế ở Cố đô, được giới thiệu ông là bác sĩ và thấy con người "chắc nịch" của ông, tôi có cảm giác ông thuộc loại "đầu óc hình học".
GS. Bùi Minh Đức trong buổi lễ trao danh hiệu Vinh danh đất Việt 2005. |
Nhưng sau khi được ông tặng cuốn Từ điển tiếng Huế của ông, sử dụng tra cứu sách qua mấy năm, càng ngày tôi càng thấy tôi nhầm: Bùi Minh Đức vừa có "đầu óc hình học" của tư duy logic khoa học, vừa có "đầu óc tế nhị", gắn tư duy với cảm xúc và tình cảm người nghệ sĩ. Chính điều này mang lại cho tác phẩm của ông một tính chất độc đáo, hấp dẫn, đồng thời cũng khiến cho những nhà từ điển học chuyên nghiệp chưa thật hài lòng. "Chẳng hạn, việc xác định ranh giới giữa ngôn ngữ toàn dân và ngôn ngữ địa phương, sự tương đồng về ngữ nghĩa giữa các ngôn ngữ trên thế giới..." (PGS.TS. Đặng Ngọc Lệ - thay lời tựa - Bùi Minh Đức - Chữ nghĩa tiếng Huế).
Trong thể loại từ điển chung (dictionnaires généreaux) khác với từ điển chuyên đề (dictionnaires spécialisés) người ta phân biệt hai loại: từ điển ngôn ngữ (dictionnaires de langue) và từ điển bách khoa (dictionnaires encyclopédiques). Theo đúng danh nghĩa thì Từ điển tiếng Huế phải thuộc loại từ điển ngôn ngữ. Nhưng rất nhiều khi Bùi Minh Đức vô tình hay hữu ý "lãng du" sang lĩnh vực từ điển bách khoa, mà có lúc văn phong và nội dung chi tiết nghiêng về cảm hứng. Đó là những trường hợp "đầu óc tinh tế" đánh bạt "đầu óc hình học" của nhà nghiên cứu ngôn ngữ, y như nhà thơ, hứng lên, bỏ cả niêm luật mà làm thơ tự do. Dường như nhà văn hóa học trong Bùi Minh Đức tiếc rẻ những viên ngọc văn hóa kiếm được, nên cố giữ lấy, bất cần nhà từ điển học chính thống trong ông: chính đó lại là chất men hấp dẫn của tác phẩm, khiến nó mang dáng dấp một từ điển chuyên ngành về văn hóa Huế. Người ta tìm nghĩa một từ, rồi bị thu hút bởi những từ khác, có liên quan và không liên quan - sự không phân biệt giữa ngôn ngữ toàn dân và tiếng Huế đôi khi làm cuộc dạo chơi ngôn ngữ thêm phong phú. Có lẽ cảm tưởng của ông bạn Philippe Papin (Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp) viết về cuốn Từ điển Văn hóa cổ truyền Việt Nam (NXB Thế giới) cũng có thể áp dụng cho Từ điển tiếng Huế: "Chúng ta có thể dạo chơi trong tác phẩm, lang thang từ mục này sang mục khác, lần giở vài trang rồi lộn lại, nhảy vọt từ trò chơi dân gian sang văn chương bác học, từ nghi lễ đạo giáo sang phẩm phục, từ đền chùa sang ma quỷ, từ đàn sang cây thuốc... Mà có lẽ cũng nên lạc đường, quên lối, nhờ cuốn sách này, trong khu rừng bao la của văn hóa Việt Nam".
|
Dĩ nhiên đây là văn hóa Huế, một thành tố quan trọng của văn hóa Việt Nam. Để giải thích tình trạng khá "ngoại lệ" của Từ điển tiếng Huế cần tìm hiểu tác giả và động cơ soạn sách. Tác phẩm này xuất phát từ nhu cầu tình cảm, một tình yêu tha thiết, hơn là từ nhu cầu nghiên cứu của nhà khoa học. Cơ sở tình cảm sâu lắng trong tiềm thức là đất mẹ, quê hương Huế - động cơ tình cảm là bà mẹ, thể hiện tình cảm là tiếng nói của mẹ qua những con chữ.
Giáo sư bác sĩ Bùi Minh Đức là chuyên gia tai - mũi - họng nổi danh ở trong và ngoài nước. Tuổi đã "cổ lai hy", ông sinh ra và lớn lên ở đất sông Hương núi Ngự. Xa quê hàng chục năm, ông càng gắn bó với mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên trong vòng tay âu yếm của bà mẹ hiền, nơi ông hấp thụ được cái cơ bản của đạo làm người qua sách "Giáo khoa thư" ở trường tiểu học. Ông tự nhận mình ở "thế hệ Giáo khoa thư", tức là thế hệ những người nay đã quá 70 tuổi, từng học bộ sách Quốc văn và Luân lý Giáo khoa thư trước năm 1945, vào thời Pháp thuộc. "Thế hệ đã lên đường đi cứu nước và dựng nước... quyết tâm đem tâm trí và tài học phục vụ cho quê hương, xứ sở".
Để "vơi bớt nỗi đau mất mẹ", Bùi Minh Đức đã ghi lại "những chữ mà mẹ thường dùng" và sau đó, Từ điển tiếng Huế ra đời. Việc báo hiếu này khiến tôi nhớ đến ông bạn Condominas, nhà dân tộc học Pháp. Ông đã tập hợp một số bài của bố viết chơi khi làm việc ở Việt Nam thời Pháp để xuất bản cuốn Săn bắn và một vài tiểu luận khác, trang 2 in một chữ Hán to: “HIẾU”.
Dù sao cũng phải công nhận là trong công trình từ điển, Bùi Minh Đức giữ được "đầu óc hình học". Qua 10 năm trời, ông lao động khoa học một cách nghiêm túc. Và phải có hoàn cảnh của ông (vốn Huế, khả năng kinh tế, giao du rộng, khai thác tài liệu trong và ngoài nước) mới hoàn thành được nghìn trang sách khổ to, chữ nhỏ (nghĩa là 2.000 trang sách bình thường). Đây là một từ điển phương ngữ vào loại đi tiên phong: tác giả cố sưu tầm những từ đặc biệt Huế, kể cả tiếng lóng, những âm đọc chệch do kỵ húy, lối nói chữ "văn hoa"... Tuy không phải là từ nguyên, khi có thể, tác giả cũng liên hệ với tiếng các dân tộc láng giềng như Chàm, Thái Lan... Nguồn sưu tầm tư liệu là ký ức 40 năm sống ở Huế, tiếp xúc với mọi giới, đi điền dã các địa phương, các bệnh nhân gốc Huế, săn lùng tiếng Huế cổ qua các từ điển xưa, tìm hiểu ảnh hưởng phương ngữ các tỉnh lân cận, theo dõi văn học hiện đại, phân biệt phương ngữ (của địa phương Huế Thừa Thiên) và thổ ngữ (ở thôn xã trong địa phương ấy), gắn ngữ với ngôn/người... Mỗi từ có định nghĩa và tùy trường hợp liên hệ với nhiều lĩnh vực khác nhau (địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, văn nghệ, tôn giáo, triết học, xã hội học, văn hóa dân gian...), chi tiết càng nhiều càng tốt, không câu nệ dài ngắn và sự cân đối giữa các mục tít. Cách làm này tuy không đúng quy tắc từ điển học, nhưng lại rất lý thú và sinh động.
Trong ấn bản mới này của Từ điển tiếng Huế, chúng tôi rất mừng khi thấy Bùi Minh Đức vẫn giữ phong cách trước, trong khi tăng số trang gấp đôi, thêm nhiều điểm bổ sung cho chính xác, nhất là tác giả đưa vào văn hóa đối chiếu, so sánh một số nét văn hóa Huế với văn hóa nước ngoài. Đó là điều tăng sự hấp dẫn và rất bổ ích vào thời điểm ta hội nhập quốc tế.
Bùi Minh Đức đã soạn Từ điển tiếng Huế như một bản luận văn về văn hóa. Do đó từ điển không khô khan, mà mang hồn Huế. Đây là một kho báu tha hồ cho các nhà nghiên cứu mọi ngành ai muốn chọn gì thì chọn, hoặc để những người ngoại đạo như tôi khi nhàn rỗi lần giở mua vui mà học hỏi.