Độc quyền nhà nước và độc quyền doanh nghiệp

27-10-2010 10:02 | Thời sự
google news

Khi thực hiện kinh tế thị trường có rất nhiều cái đáng mừng nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều cái đáng lo. Cái lo nhất của Nhà nước, của xã hội và người dân là cái lo "độc quyền không lành mạnh",

Khi thực hiện kinh tế thị trường có rất nhiều cái đáng mừng nhưng bên cạnh đó cũng có rất nhiều cái đáng lo. Cái lo nhất của Nhà nước, của xã hội và người dân là cái lo "độc quyền không lành mạnh", xin để cụm từ này trong ngoặc kép vì quan điểm đúng đắn của Đảng ta là xây dựng nền kinh tế nước ta theo hướng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, không thể tồn tại độc quyền không lành mạnh, mà chỉ có một số ngành, nghề do Nhà nước nắm quyền chi phối, độc quyền mục đích là nhằm đảm bảo cho hoạt động của đất nước được ổn định, thống nhất, đảm bảo tốt hơn nhu cầu thiết yếu của người dân, tránh manh mún, lũng đoạn của tư nhân, tư bản. Người ta gọi đó là độc quyền nhà nước như ở một số ngành như điện, xăng dầu, ngân hàng, cấp nước... Việc áp dụng độc quyền nhà nước ở một số lĩnh vực trong giai đoạn quá độ hiện nay là rất đúng đắn, hợp lý và cần thiết.

Tuy nhiên, nó cũng có mặt trái nếu chúng ta không sớm có biện pháp khắc phục thì hậu quả rất khôn lường. Đó là sự độc quyền nhà nước đã bị biến tướng thành độc quyền doanh nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người dân trong sinh hoạt và cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh đó, nó còn tạo tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự bao cấp, bảo hộ, bù lỗ của Nhà nước mà không tăng cường đầu tư, cải tiến trang thiết bị, cơ sở vật chất và đổi mới phương pháp làm việc để nâng cao hiệu quả hoạt động để cạnh tranh và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đồng thời cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa thị trường và gia nhập WTO.

 Độc quyền nếu áp dụng không đúng khiến nhiều tập đoàn chưa làm tốt nhiệm vụ chính dẫn tới tình trạng thiếu điện nghiêm trọng như vừa qua.

Có thể nói sức cạnh tranh của các doanh nghiệp độc quyền, được Nhà nước bảo hộ là yếu kém, do các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này chậm đổi mới, cải tiến phương pháp làm việc quản lý... Ngoài ra, nó còn chứa đựng nguy cơ tiềm ẩn là tạo ra khoảng cách giàu - nghèo ngày càng lớn không những trong các tầng lớp nhân dân mà ngay giữa những người làm công ăn lương, giữa hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước trong hệ thống công chức, viên chức và người lao động... hưởng lương theo ngạch, bậc do Nhà nước quy định. Việc thu nhập bình quân của những người lao động trong khối doanh nghiệp nhà nước cao gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần so với những người làm trong khối hệ thống cơ quan hành chính sự nghiệp là điều rất dễ thấy, mặc dù đôi khi doanh nghiệp đó đang trong thời kỳ thua lỗ nặng có thể bị phá sản trong nay mai. Ta có thể thấy rõ một công nhân bình thường ngày làm 8 tiếng theo giờ hành chính ở ngành hàng không, điện lực, bưu chính viễn thông, ngân hàng... lương và thưởng hàng tháng cao gấp từ 5 đến 7 lần một công chức làm việc ở cơ quan hành chính sự nghiệp, ngoài ra họ còn được thưởng quý, ngày lễ, cuối năm (lương tháng 13)... hàng chục triệu đồng trong khi ở cơ quan hành chính sự nghiệp thì không, nếu có cũng chỉ vài trăm ngàn đồng mà thôi. Đây là một trong những bất cập trong hệ thống tiền lương và phân phối lợi ích ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề không công bằng về thu nhập là do có sự độc quyền doanh nghiệp, sự độc quyền này không chỉ tạo ra thu nhập không đồng đều mà còn gây ra nhiều phiền toái, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của công dân đã được pháp luật quy định.

Có thể thấy rõ qua ví dụ sau: Quan hệ giữa Công ty Điện lực với người sử dụng điện là quan hệ thị trường, là quan hệ dân sự giữa người bán và người mua, có hợp đồng hẳn hoi nhưng thực chất đó là quan hệ hành chính theo cơ chế bao cấp, xin - cho. Đây là quan hệ bất bình đẳng giữa người mua và người bán. Người bán có quyền đề ra các quy định và toàn quyền trong việc bán hay không, còn người mua thì nhất thiết phải mua mà không có sự lựa chọn khác? Gia đình anh bạn tôi sống ở một thị xã tỉnh lỵ, hai vợ chồng đều là công chức nhà nước, hằng ngày đi làm theo giờ hành chính, cuối ngày thường còn phải đi chợ, đón con đến 6-7 giờ tối mới về đến nhà nên nhân viên điện lực mỗi khi đưa giấy báo tiền điện hằng tháng đến nhà thường nhét bừa vào khe cửa. Vì nhà anh ở gần đường cái, nên trẻ con thường nghịch phá lấy giấy báo vứt đi, hoặc do các lý do khác mà nhiều lần gia đình anh không nhận được giấy báo tiền điện. Và như vậy, gia đình anh nhiều lần bị cắt điện và bị phạt do không nộp tiền điện mà không biết kêu ai. Việc không nộp tiền điện nên bị cắt là hoàn toàn đúng, tuy nhiên lý do chậm nộp ở đây là do nhân viên thu ngân làm việc không có trách nhiệm với khách hàng, đáng ra phải đưa đến tận tay khách hàng, có ký nhận hẳn hoi thì đằng này chỉ nhét vào khe cửa, mặc khách hàng có nhận được hay không và chờ hết thời hạn quy định thì... cắt điện, muốn có điện lại thì phải nộp phí đóng điện. Lý do mà họ thường đưa ra là đến nhà mà không gặp ai... Tại sao cơ quan điện lực không chịu nghiên cứu đặc thù của từng gia đình để cải tiến phương pháp làm việc như một số doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực không độc quyền hoặc các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực tư nhân thường làm?

Từ các nguyên nhân và các ví dụ cụ thể trên, ta có thể khẳng định rằng việc độc quyền nhà nước bị biến tướng thành độc quyền doanh nghiệp như hiện nay là không hợp lý, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng nhằm điều chỉnh và đưa các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được Nhà nước nắm quyền chi phối hoạt động theo đúng vai trò, vị trí và mục đích hoạt động của nó và tạo sự công bằng trong thu nhập giữa những người cùng phục vụ trong các cơ quan lĩnh vực của Nhà nước khác nhau, dù chỉ là tương đối. Đồng thời xử lý nghiêm minh, kịp thời các cơ quan, đơn vị và cá nhân lợi dụng việc Nhà nước ủy quyền hoạt động trong các lĩnh vực thiết yếu của đất nước mà nhũng nhiễu nhân dân, làm trái các quy định của pháp luật để trục lợi.

Phạm Văn Chung (Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn