Hà Nội

Doanh nghiệp sáng kiến vượt khó trong dịch COVID-19

17-09-2021 18:58 | Thị trường
google news

SKĐS - Trong gần 2 năm qua, dịch bệnh khiến các doanh nghiệp đứng trước những khó khăn chưa từng có. Dù vậy, trong "nguy" vẫn có "cơ", doanh nghiệp nào nắm bắt được "thời cơ" vẫn có những điểm sáng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Doanh nghiệp sáng kiến vượt khó mùa dịch

Doanh nghiệp sáng kiến vượt khó trong dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Tìm hướng đi để tồn tại trong khó khăn sẽ giúp các doanh nghiệp đứng vững. Ảnh minh họa: Báo Đầu tư

Ưu tiên số một hiện nay trên phạm vi cả nước là ngăn chặn dịch bệnh, chỗ nào an toàn mới sản xuất; chỗ nào đã khống chế được dịch hoặc vùng xanh thì cố gắng đẩy mạnh sản xuất để kinh tế không bị đứt gãy. Tinh thần vượt khó này đang được các doanh nghiệp đồng lòng thực hiện.

Công ty Cổ phần Excook không may đầu tư xây dựng nhà máy đúng vào thời điểm COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam. Mục tiêu của doanh nghiệp là xuất khẩu được hàng nghìn tấn mì ăn liền chất lượng cao mỗi năm. Tuy nhiên vì dịch, đến nay doanh nghiệp vẫn chưa ký được đơn hàng nào. Doanh nghiệp đành tập trung vào thị trường trong nước, nhưng cũng không dễ dàng.

"Rất khó khăn trong giai đoạn hiện nay vì chúng tôi cũng không thể đưa những sản phẩm như thế này vào siêu thị phân phối một cách đại trà ngay lập tức cho người tiêu dùng trong nước được", Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Excook Trần Văn Trọng chia sẻ.

"Đây là một loại mì làm từ tinh bột Konjac, rất phổ biến ở Nhật Bản, Hàn Quốc và cũng thịnh hành ở các nước châu Âu, tuy nhiên ở trong nước, phần lớn người dân lại chưa biết nó là gì", ông Trọng cho biết thêm.

Thay đổi chiến lược, doanh nghiệp đưa hàng lên bán online và hướng tới đối tượng khách hàng là các hội nhóm chăm sóc sức khỏe, những người có hiểu biết nhất định về sản phẩm. Doanh số bán hàng hàng tháng vì thế cũng tăng ở mức 2 con số.

Làn sóng COVID-19 lần thứ tư bùng phát hồi cuối tháng 4, đầu tháng 5, tỉnh Bắc Giang từng là tâm dịch khi nhiều khu công nghiệp trên địa bàn xuất hiện các ổ dịch, tác động mạnh đến các doanh nghiệp và ảnh hướng lớn đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện, chỉ sau hơn 2 tháng, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát. Đến cuối tháng 7, hầu hết các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang đã hoạt động trở lại.

Đến nay, dịch bệnh đã lắng xuống, nhưng các doanh nghiệp vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định 5K và nhiều biện pháp để vừa chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Dù phải thực hiện hoạt động giãn cách, làm việc luân phiên, nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang đã có nhiều tín hiệu lạc quan. Doanh nghiệp đảm bảo cung ứng dịch vụ cho khách hàng và thực hiện đúng tiến độ hợp đồng với các đối tác. Việc làm và thu nhập của công nhân được đảm bảo.

Trên thực tế, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự linh hoạt, nhạy bén của doanh nghiệp, cùng với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, nhiều doanh nghiệp đang tìm cho mình những hướng đi phù hợp. Vẫn có những doanh nghiệp được sinh ra trong thời kỳ COVID-19. Đây là những tín hiệu lạc quan, vì hiện nay nhận thức của doanh nghiệp đã được nâng cao, nhất là tâm thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn, dù tình hình trong nước và khu vực có nhiều biến động.

Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19

Doanh nghiệp sáng kiến vượt khó trong dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19

Trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Miễn, giảm lãi vay đến 30/6/2022

Theo Khoản 2 Điều 1 Thông tư số 14/2021/TT-NHNN, việc miễn, giảm lãi, phí sẽ được thực hiện đến ngày 30.6.2022 .

Trong đó, khách hàng sẽ được miễn, giảm lãi, phí khi đáp ứng đồng thời các điều kiện như sau:

Áp dụng với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 1/8/2021 từ hoạt động cấp tín dụng nhưng không bao gồm các khoản nợ phát sinh từ việc mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.

Nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán phải nằm trong khoảng thời gian từ 23/1/2021 - 30/6/2022.

Khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến doanh thu, thu nhập của khách hàng bị giảm.

Việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cũng được tiếp tục áp dụng đến ngày 30/6/2022.

Ưu tiên tiêm vaccine để doanh nghiệp sớm hoạt động trở lại

Theo Nghị Quyết 105/NQ-CP, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phân bổ hợp lý, hiệu quả nguồn vaccine phòng COVID-19. Trong đó, bổ sung các đối tượng ưu tiên tiêm, bao gồm người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp…

Trong tháng 9/2021, ban hành văn bản hướng dẫn việc doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mua sinh phẩm, thiết bị xét nghiệm, thực hiện việc tự xét nghiệm và việc công nhận kết quả xét nghiệm.

Căn cứ vào tình hình kiểm soát dịch và mức độ bao phủ vắc xin trên địa bàn, hướng dẫn các địa phương thực hiện Chỉ thị 16 có lộ trình, kế hoạch cụ thể để các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể hoạt động trở lại.

Giảm thiểu thủ tục, giấy phép cản trở lưu thông hàng hóa

Tại Nghị quyết 105, Chính phủ có một số chỉ đạo, cụ thể:

Thực hiện thống nhất "luồng xanh" vận tải đường bộ và đường thủy toàn quốc, liên tỉnh, liên vùng để vận chuyển hàng hóa an toàn, thông suốt trên nguyên tắc đơn giản hóa thủ tục, nhanh chóng, thuận lợi.

Không quy định thêm các điều kiện, giấy phép cản trở lưu thông hàng hoá, đặc biệt đối với hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân và vật tư, nguyên liệu sản xuất. Không để xảy ra tiêu cực, làm tăng chi phí của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Cho phép doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được nộp bản sao scan có xác nhận bằng chữ ký số đối với các chứng từ phải nộp bản giấy là bản chính dưới dạng giấy/bản sao y công chứng/chứng thực để giải quyết ách tắc khi thông quan hàng hoá. Sau đó, thực hiện nộp bổ sung sau khi hàng hoá được thông quan để hậu kiểm.

Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính

Cũng tại Nghị quyết 105, Chính phủ đặt ra một số giải pháp giúp doanh nghiệp miễn, giảm chi phí như:

Sẽ ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn nhằm kịp thời hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các đối tượng sử dụng lao động;

Nghiên cứu miễn tiền phạt chậm nộp bảo hiểm xã hội phát sinh trong năm 2020 và năm 2021;

Tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp vận tải biển, chống tình trạng lợi dụng tình hình dịch để tăng giá cước vận tải bất hợp lý, tăng gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp;

Triển khai phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5);

Triển khai các chính sách về giãn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; triển khai chính sách thuế ưu đãi đối với hàng hóa nhập khẩu để tài trợ phục vụ phòng, chống dịch sau khi được Chính phủ thông qua;

Xem xét, nghiên cứu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết năm 2021; nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo thời gian phù hợp với tình hình dịch.

Sớm cho phép doanh nghiệp dịch vụ lữ hành được giảm 80% tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành đến hết năm 2023, giảm thời gian giải quyết hoàn trả tiền ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành từ 60 ngày xuống còn 30 ngày…


Lê Na
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn