Đố ai đếm được... kẻ phá rừng?

11-08-2008 16:36 | Thời sự
google news

Cho đến bây giờ, rừng Đồng Phúc nơi đầu nguồn của hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn và đẹp nhất hành tinh đang bị tàn phá. Và chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì đều giật mình bởi sự "hợp pháp" về thủ tục của những kẻ phá rừng.

Cho đến bây giờ, rừng Đồng Phúc nơi đầu nguồn của hồ Ba Bể, một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên lớn và đẹp nhất hành tinh đang bị tàn phá. Và chỉ đến khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì đều giật mình bởi sự "hợp pháp" về thủ tục của những kẻ phá rừng. Trong khi các cơ quan chức năng của huyện Ba Bể vẫn còn mải mê tranh cãi với nhau, bằng những cuộc họp và đưa ra cả chục trang quyết định, giấy tờ, vì hai đoàn kiểm tra đã đưa ra những nhận định nặng, nhẹ, khác nhau về sự mượn tay người dân tàn phá rừng thì chúng tôi đã có chuyến lội rừng ở xã Đồng Phúc trong những cơn mưa vắt để ghi nhận một sự thật vô cùng đau đớn là rừng đầu nguồn hồ Ba Bể bị tàn phá tan hoang, vượt xa tất cả những con số đã báo cáo trên giấy tờ.

 Những đống gỗ vô chủ giấu trong rừng.
Đi tìm tang vật

Mặc dù đã được đích thân Bí thư xã Đồng Phúc, ông Dương Văn Trấn đưa đi thuê người dẫn đường, nhưng có đến 3 lần chúng tôi nhận được những cái lắc đầu nguây nguẩy của đám thanh niên tại thôn Bản Chán, mặc dù đã bấm bụng chấp nhận chi cho họ cái giá bằng 5 buổi đi phá rừng, nhưng chẳng ai nhận một lý do "biết hết chỗ người ta chặt gỗ ở đâu vì rừng của bản mình mà, nhưng đưa nhà báo đi thì về người ta oán, sinh ra thù, khó sống ở trong bản lắm". ông bí thư cũng an ủi chúng tôi thêm "ở đây tham gia vào vụ phá rừng vừa qua tất cả đều là anh em họ hàng thân tộc, nên chẳng dễ gì mà họ lại vạch áo cho người xem lưng để tố tội nhau". Thế rồi chúng tôi cũng nhận được cái gật đầu của anh Hoàng Văn Túc với lời mặc cả "công thuê tính riêng đưa tiền cho vợ, các bác phải cho em thêm một chục nghìn, để tối làm chai rượu cho nó giãn xương cốt, thì em mới đưa vì đường lên rừng vừa mưa xong nhọc lắm, lại bị lăn gỗ nhiều dốc và trơn như đổ mỡ". Thế là một chuyến đi rừng của tôi lại bắt đầu và đối mặt với những đặc sản rừng vắt nhiều như sao sa. Cũng chỉ sau vài lần dừng lại gạt lũ vắt no mòng ra khỏi bàn chân, lau sạch máu rịn ra từ các kẽ bàn chân, chúng tôi đã đến được chỗ những đống gỗ nằm ngổn ngang khắp các cánh rừng. Mặc dù là người mở mắt đã thấy rừng nhưng anh Túc dẫn đường cho tôi vẫn bức xúc nói, "dân chúng tôi nhiều đời nay chỉ biết ăn và nghe theo Đảng, Nhà nước mà giữ rừng, người nào muốn đổ một cây về làm nhà, thì còn phải viết đơn ra trình bày với xã, thấy họ nói là có giấy phép tận thu cây khô, chết... Nhưng làm gì phải, toàn cây đứng, sống sờ sờ ra đều gỗ tốt nhất rừng cả đấy, ngày đêm họ thi nhau mua cưa máy về đổ ầm ầm, ngay cả dân đi làm thuê cũng xót, chứ không nói gì đến những người ở nhà thấy họ kéo gỗ ngay trước mắt, cực chẳng đã, người dân phải khiếu kiện ra huyện, lúc đó mới vỡ lở ra là tận thu đa phần là gỗ tốt và cây đứng. Càng đi ngược lên cao thì những đống gỗ càng to hơn, vẫn còn nằm lại, nhiều cây đang bị xẻ dở một nửa phần gốc bị banh đôi ra, cạnh đó là những gốc cây vẫn còn những dòng nhựa đỏ vón vào nhau sền sệt, một số gốc thì đã kịp nảy những mầm xanh to như những ngón tay xung quanh vết cắt như muốn khẳng định rằng cái gốc kia vốn là một cây rất khỏe. Sau một ngày trèo lên tụt xuống trong những cánh rừng đầu nguồn ở xã Đồng Phúc, chúng tôi đã đếm được hàng chục đống gỗ vẫn còn "sót lại" trên rừng, với số lượng cả trăm khối. Thế nhưng theo Bí thư Trấn thì đây mới chỉ là cái đuôi của con voi, bởi phần còn lại thì vẫn được giấu kín trên rừng, khó có cán bộ cấp huyện nào đi đếm được hết gỗ trên rừng bởi tổng diện tích là 3.100 ha, lại đều ở độ cao lưng chừng trời...

Gỗ đang xẻ, vứt giữa rừng. Ảnh: PV
 
Bốn lá bùa tận thu

Ngay đến bây giờ, cả 4 vị tự phong là chủ rừng là ông Hoàng Văn Thảnh - Trưởng thôn Nà Khau, Hoàng Văn Dưỡng - Trưởng thôn Bản Chán, Triệu Văn Hòe - Trưởng thôn Nà Thẩu, Triệu Xuân Tiền - đại diện cho thôn Lủng Mìn, thuộc xã Đồng Phúc huyện Ba Bể, đều không hiểu được là tại sao chính họ lại được cấp 4 giấy phép tận thu, với tổng khối lượng hơn 800m3 một cách dễ dàng như vậy? Bởi nói không ngoa thì trong số họ có người chưa bao giờ đi ra khỏi bản mình, chứ không nói đến việc gõ cửa các cơ quan chức năng từ tỉnh Bắc Kạn đến huyện Ba Bể để xin đủ một rừng thủ tục cho giấy phép tận thu gỗ. Như lời thú thực của vị trưởng thôn là Nà Thẩu, Triệu Văn Hòe "chúng tôi chẳng biết gì cả, các chủ gỗ chỉ bảo chúng tôi viết mỗi cái đơn mang lên xã nhờ bác chủ tịch Triệu Quang Tuế ký vào, còn tất cả đã có họ lo liệu, chúng tôi cứ thế mà mang cưa lên rừng đo đúng kích cỡ rồi hạ cây mang bán thế là xong chứ chẳng biết thủ tục thế nào, sai đúng ra sao".

Bắt đầu từ khi được cấp giấy phép khoảng tháng 7/2007, thì mức độ tàn phá rừng ở Đồng Phúc mỗi ngày lại được đẩy lên chóng mặt, bởi lúc đầu người dân còn dùng cưa tay để xẻ, nhưng chỉ trong vòng 1 tháng đầu tiên họ đã đem vào rừng hơn 30 chiếc cưa máy, làm cho rừng đồng Phúc lúc nào cũng ầm ầm như công trường, ngày một rộng thêm. Con đường gỗ lậu cứ tiếp tục mở ra trước sự bất bình của nhân dân và sự thờ ơ của các cơ quan chức năng.

Gia Tưởng


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn