Kỳ 1: “Lao động chính” giờ thành “gánh nặng”
Điện thoại công cộng (ĐTCC) thời hoàng kim 2001 - 2003, từng là một trong những "lao động chính" mang về đều đặn cả trăm tỷ đồng cho ngành kinh doanh viễn thông và tiện ích cho cư dân trong thành phố. Còn bây giờ, người ta lại hối vì xưa kia trót trồng "cây" ĐTCC nhiều quá, lan man quá, để mấy anh "gia sư, vệ sĩ, dọn vệ sinh" thỏa sức dán chằng dán chịt quảng cáo, mấy bác vô gia cư tận dụng làm lều trú thân, làm chạn đựng xoong nồi, còn kẻ vãng lai thì dấm dấm dúi dúi... giải quyết những cơn "buồn" bất thình lình. Khốn khổ thay những cái bốt ĐTCC từng "vang bóng một thời".
Trong ánh mắt của đám xe ôm và mấy ông bà trung niên đang xúm quanh quán chè chén trên phố Nguyễn Thái Học, hẳn tôi không phải ở "mạn ngược" mới xuống, thì đích thị "thằng dán quảng cáo vặt" đang ngong ngóng làm liều. Là bởi sát giờ "xổ số", tự nhiên có người ra ngồi chẳng bàn "con lô con đề", cứ lần mần hỏi về cái bốt điện thoại bẩn thỉu trước mặt, và còn "cả gan" đến ngó nghiêng, nhấc máy ra đặt máy vào. Là bởi bà chủ quán móm mém, mắt không ngừng ra ý canh chừng, chẳng nén nổi đã độp luôn một câu: "Chú đừng có dán "khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt" nhé, tôi không có rỗi hơi mà đi bóc đâu".
Nhiều trạm điện thoại công cộng bị bỏ không.Ảnh: PV |
Không định trình bày dài dòng, tôi mau miệng bảo có anh bạn cho cái thẻ ĐTCC ba chục bạc, tiếc của vào bốt gọi đường dài đỡ tốn tiền. Giải tỏa được bức xúc, bà lão bán nước mới vui chuyện. Bà kể ngày nào cũng ngồi đây từ sáng tới tối muộn. Chuyện cái bốt này có cách đây bao năm, ai gọi hay không, gọi nhiều hay ít cũng đập vào mắt bà cả.
Bà muốn giận cái... bốt ĐTCC này lắm: "Cái bốt này bây giờ nó... giống tôi rồi. Vô duyên vô dạng. Có ma nào thèm ngó đâu. Thi thoảng mấy tay thanh niên vờ vịt ngồi uống nước, nhìn trước ngó sau rồi ghé vào... dán quảng cáo, xong thì vù xe đi mất. Tôi lại bị tổ dân phố giao trách nhiệm để mắt canh chừng. Mất công mất việc".
Tôi kiểm lại lời bà bằng cách đi xe chầm chậm nhiều lần từ đầu đến cuối phố Nguyễn Thái Học dài từ Kim Mã ra tận Cửa Nam, thêm cả vài phố xung quanh như Văn Miếu, Tôn Đức Thắng, Trần Phú, Kim Mã.... Nhẩm ra hàng chục cái "cây" vẹo vọ, xộc xệch, nhem nhuốc và đáng chú ý nhất là không một bóng người dừng lại để gọi điện bao giờ.
Mò lên tận đường Giải Phóng, trong cái bốt ĐTCC chất đầy... nồi niêu xoong chảo, bà hàng nước sát đó ngại ngại đưa mắt nhìn tôi khi thấy xưng danh: "Em là người của bưu điện, đi thống kê lại các bốt ĐTCC đang bị xâm hại, hỏng hóc. Để bưu điện họ có cách giải quyết".
Bà thật thà kể: "Ra chú là người bưu điện. Thôi chú cứ cho chị để nhờ mấy cái đồ này. Chẳng có ai gọi đâu mà sợ bị ảnh hưởng. Chị bán ở đây lâu lắm rồi, có độc một sinh viên thi thoảng buổi tối ra gọi. Chị hỏi nó mày khoái đồ cổ à. Nó nói trót đem "cắm" máy di động, nên mới dùng tạm gọi về nhà xin tiền thôi".
Từ hồi Hà Nội ra phong trào xóa quảng cáo rao vặt, các bốt điện thoại được các bác làm trật tự khu phố mang sơn mang chổi ra tô cho một bộ mặt "sáng sủa" hơn. Phải cái tội làm việc công ích hay ẩu, lại triệt để tiết kiệm, người ta chỉ quết sơn đúng vào những chỗ nào tờ rơi dính chặt quá không bóc được. Hoặc họ bóc cả mảng giấy quảng cáo xung quanh, rồi cứ để nguyên cái hòm kính trơ khấc giống con gà bị trụi lông. Nên là sau một cuộc chỉnh trang triệt để trên diện rộng, những cái "cây" nửa xanh nửa trắng nhem nhuốc nhan nhản khắp các ngõ phố. "Ông bưu điện" xưa kia khéo trồng bao nhiêu, thì giờ bấy nhiêu cái lếch thếch nó phơi bày ra cả.
Dù được coi là giá cước rẻ, nhưng vì sao ĐTCC vẫn không được ngó ngàng? Doanh thu sụt nghiêm trọng, tình trạng xuống cấp, nhếch nhác diễn ra "trăm phần trăm", nhưng lý do gì để cơ quan chủ quản chưa có ý định "khai tử" mà ngược lại, thành phố còn ủng hộ quyết định "khai sinh" lần hai cho ĐTCC?
Hoàng Dương