Diễn biến ca ghép gan đầu tiên ở Bệnh viện Chợ Rẫy

13-10-2012 10:55 | Tin nóng y tế
google news

Sáng ngày 12/10, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ca ghép gan người lớn đầu tiên ở phía Nam đã được thực hiện. Bệnh nhân được ghép là bà C.T.K.Đ. (52 tuổi, ngụ tại Đắk Nông, bị suy gan đã gần 10 năm). Người hiến gan là con trai ruột (22 tuổi) của bà Đ - hiện đang học đại học năm thứ tư tại TP.HCM.

(SKDS) - Sáng ngày 12/10, tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ca ghép gan người lớn đầu tiên ở phía Nam đã được thực hiện. Bệnh nhân được ghép là bà C.T.K.Đ. (52 tuổi, ngụ tại Đắk Nông, bị suy gan đã gần 10 năm). Người hiến gan là con trai ruột (22 tuổi) của bà Đ - hiện đang học đại học năm thứ tư tại TP.HCM.

Theo TS.BS. Nguyễn Trường Sơn - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, tham gia êkíp ghép gan có 37 người, trong đó có 4 bác sĩ gây mê, 6 kỹ thuật viên, 11 phẫu thuật viên Việt Nam và 4 phẫu thuật viên Hàn Quốc; êkíp gây mê hồi sức gồm 6 người và 6 điều dưỡng săn sóc. Ca đại phẫu được tiến hành lúc 6 giờ 30 sáng khi cả hai mẹ con được đưa vào phòng mổ. TS. BS. Nguyễn Trường Sơn cũng vào phòng mổ để trực tiếp theo dõi, chỉ đạo. Các chuyên gia đến từ Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc) cũng có mặt tại phòng mổ để hỗ trợ.
 
 
Các bác sĩ phẫu thuật cắt gan của người hiến là con trai ruột của bệnh nhân.
7 giờ, các bác sĩ tiến hành gây mê cho 2 người để cắt bỏ gan hư ở người mẹ và chuẩn bị lấy gan từ người con. 8 giờ 30, các bác sĩ rạch đường dao đầu tiên, cuộc phẫu thuật diễn ra song song ở 2 phòng mổ, một bên cắt gan của người cho để ghép cho người nhận và một bên cắt bỏ gan hư của bệnh nhân. PGS.TS.BS. Trần Minh Trường - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, để cho ca ghép đạt kết quả tốt nhất, trong ca phẫu thuật này, các bác sĩ đã sử dụng dao Cusa để phẫu thuật. Theo PGS. Trần Minh Trường, thiết bị này có nguyên lý hoạt động vừa là dao mổ điện, vừa là dụng cụ để hút mô. Ưu điểm nổi bật của dao là ít gây chảy máu, ít làm tổn thương mô lành xung quanh và rút ngắn thời gian phẫu thuật. Việc sử dụng thiết bị mổ hiện đại cộng với sự cẩn trọng tuyệt đối của bác sĩ trong quá trình cho và nhận gan đã diễn ra rất tốt.
 
Bên ngoài hội trường, rất nhiều bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và các sinh viên Trường đại học Y Dược TP.HCM cũng đang chăm chú theo dõi ca phẫu thuật qua màn ảnh truyền hình. Để tiến hành được ca ghép gan người lớn đầu tiên này, trong suốt hơn 10 năm qua, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có sự chuẩn bị dài hơi rất kỹ càng và chu đáo từ vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đến việc trang bị những thiết bị máy móc hiện đại cho việc ghép. Năm 1999, Bộ Y tế giao chương trình ghép tạng cho Học viện Quân y (Hà Nội) chủ trì. Thời gian này, Bệnh viện Chợ Rẫy đã đăng ký tham gia một đề tài với Bệnh viện Quân y.
 
Để thực hiện đề tài này, từ năm 1999-2003, Bệnh viện Chợ Rẫy đã thực nghiệm phẫu thuật ghép gan trên 60 cặp heo. Bắt đầu từ năm 2010, Bệnh viện Chợ Rẫy lần lượt cử phẫu thuật viên, bác sĩ gây mê, bác sĩ hồi sức, bác sĩ giải phẫu bệnh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, điều dưỡng, dụng cụ phòng mổ... sang Bệnh viện ASAN để được tập huấn về ghép gan. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng gửi các bác sĩ sang Mỹ và các nước châu Âu học hỏi về kinh nghiệm ghép gan. Kế hoạch ghép gan được tiến hành ngay sau khi nguồn nhân lực và trang thiết bị máy móc đáp ứng yêu cầu. Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Trường Sơn, công việc chọn bệnh nhân để ghép cũng gặp khá nhiều khó khăn.
 
 Êkíp ghép gan đang tiến hành ghép gan cho người bệnh.
Bởi có thể tiến hành ghép gan thì cả người cho và người nhận phải đáp ứng được các tiêu chuẩn như: bệnh nhân bị bệnh lý có chỉ định ghép gan; phải có sự tương hợp về thể trạng, hệ miễn dịch... giữa người cho và người nhận; với người cho gan phải đủ thể tích để có thể cho và không mắc bệnh lý gì... Sau rất nhiều lần tư vấn, làm các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, nhiều cặp muốn cho gan và cần ghép gan, cuối cùng êkíp ghép gan Bệnh viện Chợ Rẫy cùng đoàn ghép gan của Bệnh viện ASAN Medical Center (Hàn Quốc) đã chọn được ca ghép đáp ứng đầy đủ các tiêu chí nêu trên. Đó là một người con trai hiếu thảo đã hiến một phần thân thể để cứu đấng sinh thành.
 
 Bệnh nhân được cắt bỏ phần gan hư.
Ca ghép gan này sẽ được Bộ Y tế và bệnh viện hỗ trợ kinh phí, ước tính hơn 1 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã thực hiện 17 ca ghép gan ở trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 2) và 7 ca ghép gan ở người lớn (6 ca ở Bệnh viện 103 và Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội). Ca ghép gan tại Bệnh viện Chợ Rẫy là ca thứ 7 và là ca ghép gan người lớn đầu tiên ở phía Nam. Diễn biến của ca ghép gan và tình hình sức khỏe của bệnh nhân chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhập trên SK&ĐS điện tử www.suckhoedoisong.vn. Mời bạn đọc theo dõi. 

 

  Bài và ảnh: Nguyễn Huyền
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn