Dịch COVID-19: Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn quyết liệt, mạnh mẽ hơn các nguồn lây nhiễm

13-03-2020 15:30 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - "Nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa"- đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 sáng ngày 13/3.

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19, mở đầu cuộc họp, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển lời khen ngợi tới Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, các bộ, ngành, địa phương, các cán bộ trực tiếp thực hiện công tác phòng chống, chăm sóc, điều trị người bệnh, các nhà tài trợ, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tổ chức 2 hội nghị trực tuyến toàn quốc để phổ biến trong hệ thống Mặt trận về phòng chống dịch và nhiều tổ chức, cá nhân khác mà “chúng ta không thể nói hết, chúng ta phải nhân ngọn lửa này trong từng đơn vị, cơ sở, khu dân cư, coi đó là những tấm gương quý”.

Nhấn mạnh tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng cho biết, Chính phủ luôn sẵn sàng đáp ứng mọi hàng hóa dồi dào nhất để phục vụ nhân dân trong mọi tình huống. Biện pháp trước mắt là tiếp tục ngăn chặn mạnh mẽ, quyết liệt hơn các nguồn lây, chống lây lan ra cộng đồng; tăng cường công tác khai báo y tế, nhất là khi thế giới đã xuất hiện một số ổ dịch mới.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19  Ảnh Chinhphu.vn

Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng dịch

Sau khi lắng nghe các ý kiến thảo luận tại phiên họp liên quan đến phòng chống dịch COVID-19, phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, chúng ta đã tập trung chỉ đạo chống dịch COVID-19 đạt kết quả tốt trong phạm vi quốc gia, được người dân và quốc tế đánh giá cao, tạo niềm tin mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Kể từ khi ca số 17 xuất hiện, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch và diễn biến dịch tại Việt Nam thay đổi nhanh. Đến nay, có 44 ca nhiễm, trong đó 16 ca khỏi hoàn toàn, ra viện. Trong những ngày tới, số ca nhiễm có thể tăng lên nhưng Việt Nam có đủ năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm và ý chí để phòng dịch.

Chính phủ luôn đặt vấn đề sức khỏe của người dân là quan trọng nhất, là ưu tiên hàng đầu trong hoạt động của mình. Chúng ta chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế trước mắt, ngắn hạn để bảo vệ tốt nhất sức khỏe người dân. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đặt mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội, giữ ổn định xã hội, không để thất nghiệp xảy ra.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là "pháo đài" phòng chống dịch

Thú tướng cũng nêu rõ: Khó khăn gấp đôi thì chúng ta phải cố gắng gấp ba là phương châm hành động, là quyết tâm của chúng ta. Cần chuẩn bị khẩn trương các điều kiện chống dịch, cần phản ứng nhanh và có hiệu quả, hành động kịp thời, bình tĩnh và đúng đắn, đặc biệt, các cấp, các ngành và toàn dân không được chủ quan, không để dịch bệnh lây lan, thiếu kiểm soát.

“Chúng ta phải đưa ra mục tiêu và cam kết đẩy lùi dịch bệnh và làm mọi việc để người dân yên tâm, an toàn. Vì thế, chúng ta đã có kịch bản cụ thể và nâng tầm kịch bản lên, sát với thực tế, kể cả việc bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong mọi tình huống”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng nêu rõ, nếu chúng ta chậm trễ, dịch bệnh sẽ hạ knock-out chúng ta; nếu chúng ta không kịp thời, không nhanh chóng thì dịch bệnh sẽ lây lan cấp số nhân, lũy thừa.

Vì vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm. Phải khoanh vùng dịch bệnh, khử trùng đúng quy trình khẩn cấp, kịp thời. Mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân, mỗi khu dân cư phải là "pháo đài" phòng chống dịch. Phải tuyên truyền đến từng người dân hiểu được phương pháp phòng chống cho cá nhân, cho gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất.

Chính vì vậy, phải tìm mọi biện pháp hạn chế nguồn lây lan, hạn chế các chuyến bay từ vùng dịch đến Việt Nam. Tinh thần là “4 tại chỗ”, tập trung năng lực ứng phó tại cơ sở, địa phương. Mỗi doanh nghiệp, người, khu dân cư là pháo đài chống dịch.

Người nước ngoài điều trị COVID-19 phải trả chi phí điều trị

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch bệnh, tập trung phương tiện, bác sĩ giỏi điều trị các ca dương tính, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do COVID-19 có thể xảy ra.

Trong dạy và học, Thủ tướng đề nghị, dù giảm số giờ dạy học nhưng không giảm chất lượng, phải tính toán giải pháp hợp lý cho các trường quốc tế.

Những nơi tập trung đông người như siêu thị, phương tiện vận tải, giao thông công cộng… thì phải đeo khẩu trang. Ngành y tế, công thương phải bảo đảm cung ứng khẩu trang. Các sân bay phát khẩu trang miễn phí và yêu cầu sử dụng khẩu trang khi nhập cảnh vào Việt Nam đối với khách quốc tế.

Quang cảnh cuộc họp   Ảnh Chinhphu.vn

Tiếp tục khẳng định, cách ly tập trung là biện pháp đúng đắn, Thủ tướng cho rằng, nếu có các biện pháp đặc biệt, cụ thể sẽ do Ban chỉ đạo quyết định; tiếp tục duy trì cách ly tập trung. Khai báo y tế tự nguyện tại vùng có dịch, các đô thị lớn, đây không phải là biện pháp bắt buộc. Đây là khác với bắt buộc khai báo y tế khi nhập cảnh Việt Nam.

Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất của Ban Chỉ đạo về vấn đề kinh phí điều trị. Theo đó, đối với người Việt Nam tham gia BHYT sẽ được Quỹ BHYT chi trả; người không tham gia BHYT sẽ được ngân sách nhà nước chi trả.

Còn đối với người nước ngoài, nếu mắc bệnh thì phải trả phí điều trị, không phải trả chi phí cách ly tập trung và xét nghiệm ban đầu.

Thủ tướng cũng khuyến cáo, trong tình hình hiện nay, học sinh sinh viên đang du học ở nước nào thì cố gắng ở lại, trường hợp về nước thi phải cách ly nghiêm túc theo qui định;

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và Thông tin Truyền thông phải thống nhất cung cấp thông tin, đồng thời cho rằng, phải quản lý mạng xã hội thật nghiêm, không để lan toả thông tin tiêu cực, gây hoang mang; Tăng cường diễn tập ở một số ngành, địa phương để có thể ứng phó tốt khi tình huống xảy ra.

 

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 cho biết, từ ngày 6/3/-12/3/2020, Việt Nam ghi nhận thêm 28 trường hợp mắc mới COVID-19 (17 trường hợp người Việt Nam và 11 trường hợp người nước ngoài), nâng tổng số mắc lên 44 người.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 28.979 người, trong đó có 440 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 11.557 người cách ly tập trung tại cơ sở tập trung và 16.982 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Trên thế giới ghi nhận 126.529 trường hợp mắc tại 109 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó những quốc gia có số mắc nhiều nhất là Trung Quốc (80.793), Italy (12.462), Iran (9.000), Hàn Quốc (7.869), Pháp (2.281), Tây Ban Nha (2.277), Đức (1.966), Mỹ (1.336) với 4.635 trường hợp tử vong.

Tại Mỹ, đã có 1.336 trường hợp mắc, phân bố tại 43 tiểu bang, trong đó 23 tiểu bang đã công bố tình trạng khấn cấp liên quan tới COVID-19. Mỹ đã nâng mức khuyến cáo đi lại toàn cầu và yêu cầu công dân Mỹ cân nhắc việc xuất cảnh. Tổng thống Mỹ đã tạm dừng cho nhập cảnh đối với những người đến từ các nước châu Âu trong vòng 30 ngày tới.

Trong vòng 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần.

Trong những ngày tới và những tuần tới, dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa...

Ban Chỉ đạo cũng thông tin, trước mức độ lây lan và sự nghiêm trọng đáng báo động này, cũng như tình trạng thiếu hành động của một số quốc gia, tối 11/3 theo giờ Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Đây là đại dịch đầu tiên do virus Corona gây ra, lần gần đây nhất năm 2009 cúm A/H1N1.

Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn