Trong 24 giờ qua, 3 quốc gia Đông Nam Á rơi vào top 10 nước có số ca mắc mới cao nhất thế giới, gồm Philippines ở hạng 7 với 7.228 ca mới ; Malaysia hạng 9 là 6.241 ca mới và Indonesia với 5.832 ca COVID-19 mới.
Philippines gấp rút tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân
Philippines, quốc gia đang phải đối phó với một trong những làn sóng dịch COVID-19 tồi tệ nhất bùng phát ở châu Á, đã ghi nhận 1,27 triệu ca mắc và gần 22.000 ca tử vong.
Trong nỗ lực ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan và từng bước mở cửa nền kinh tế, trong tuần này, Philippines sẽ mở đợt tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 cho khoảng 35 triệu người lao động làm việc ngoài nơi cư trú như nhân viên giao thông công cộng, tiến tới mở cửa nền kinh tế.
Xét nghiệm COVID-19
Kế hoạch trên là giai đoạn tiếp theo của chiến dịch tiêm chủng được Philippines triển khai hồi tháng 3 năm nay với các đối tượng ưu tiên được tiêm đầu tiên là các nhân viên chăm sóc y tế, người cao tuổi và có bệnh lý nền.
Người phát ngôn của Tổng thống Harry Roque cho biết những người đủ điều kiện tiêm chủng trong giai đoạn mới này, bao gồm cả người lao động trong khu vực phi chính thức, sẽ có thể đăng ký tiêm chủng từ ngày 9/6 tới, Philippines dự kiến sẽ có nhiều vắc xin hơn trong nửa cuối năm nay.
Bộ trưởng Thương mại Ramon Lopez cho biết, việc mở chiến dịch tiêm chủng cho phép khôi phục nền kinh tế của Philippines. Nhằm khuyến khích người dân tự nguyện đi tiêm chủng, quốc gia này tổ chức những sự kiện mà ở đó người nổi tiếng được chích ngừa vắc xin.
Indonesia củng cố hệ thống y tế chuẩn bị đối phó với diễn biến xấu của dịch
Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết, các nhà chức trách Indonesia đã điều động thêm bác sĩ và y tá đến hai khu vực trên đảo Java và Madura sau khi các bệnh viện ở đó cho biết đã hết công suất trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến.
Một nhân viên y tế Indonesia tiễn đưa một người đồng nghiệp tử vong vì COVID-19
Các chuyên gia và quan chức y tế lo lắng về nguy cơ gia tăng số ca nhiễm vi rút do các biến thể gây ra. Nguyên nhân một phần là do sự gia tăng du lịch vào tháng trước trong dịp nghỉ lễ tháng Ramadan, Philippines là quốc gia có đông cộng đồng người Hồi giáo sinh sống.
Tại quận Kudus ở Java và Bangkalan ở đảo Madura, công suất bệnh viện ở đây đã đạt tới 90%. Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin phát biểu trong một cuộc họp báo: “Có những khu vực hoặc cụm đang trải qua mức tăng rất cao số người nhập viện”. Người đứng đầu ngành y tế cũng lưu ý rằng, để giảm tải cho các cơ sở, một số bệnh nhân đã được chuyển đến các thành phố khác để điều trị.
Truyền thông địa phương đưa tin, tại Kudus, khoảng 300 nhân viên y tế đã mắc bệnh. Trong khi đó ở Bandung, thủ phủ của tỉnh Tây Java đông dân nhất của đất nước, công suất bệnh viện đạt mức 79%, Ahyani Raksanagara, người đứng đầu cơ quan y tế của thành phố cho biết.
Trong số 72.000 giường cách ly của Indonesia, 31.000 giường hiện đang được sử dụng, tăng từ 22.000 người vào tháng trước. Bộ trưởng Y tế Indonesia cho biết: “Bộ y tế chúng tôi đang chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất là tất cả bệnh nhân phải nhập viện”.
Một số cơ sở y tế của Indonesia đã gần đạt công suất tối đa
Phát biểu tại cuộc họp báo, cảnh sát trưởng quốc gia Listyo Sigit Prabowo cho biết các hạn chế di chuyển đã được thắt chặt ở Kudus và Bangkalan.
Trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở châu Á, Indonesia đã báo cáo khoảng 1,86 triệu ca nhiễm COVID-19 và hơn 51.000 ca tử vong, với 6.993 ca nhiễm bệnh trong 24h qua, đây là mức tăng cao nhất hàng ngày kể từ ngày 4/3.
Nhà dịch tễ học Tri Yunis Miko Wahyono của Đại học Indonesia cho biết: "Chúng tôi cho rằng dịch bệnh sẽ bùng phát và điều này đã xảy ra tại Kudus và Bangkalan".
Malaysia dịch bệnh phức tạp nhưng vấp phải sự phản đối của người dân về tình trạng khẩn cấp
Tình hình dịch bệnh tại Malaysia vô cùng đáng quan ngại. Malaysia được cho là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 7/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc, một bước đi hết sức cứng rắn và khó khăn.
Ngày càng nhiều lời kêu gọi chấm dứt tình trạng khẩn cấp , từ cuộc khủng hoảng sức khỏe, có nguy cơ đẩy Malaysia vào một cuộc khủng hoảng khác phức tạp hơn. Malaysia hiện đang phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc để phòng chống dịch bệnh, dự kiến sẽ kéo dài hai tuần sẽ kết thúc vào ngày 14/6. Đây là lần thứ 3 Malaysia phong tỏa toàn quốc phòng chống dịch.
Trong một động thái quyết liệt, cảnh sát tại bang Terengganu mới đây còn sử dụng thêm máy bay không người lái (UAV) để phát hiện người có thân nhiệt cao trong cộng đồng. Những UAV này có thể phát hiện thân nhiệt từ độ cao 20 m – cảnh sát trưởng Rohaimi Md Isa của bang cho biết. “Nếu UAV phát hiện cá nhân có thân nhiệt cao như 37,5 độ C, nó sẽ phát đèn đỏ và cảnh sát sẽ tới địa điểm để tìm cá nhân có triệu chứng đó” – ông Rohaimi cho biết.
Tại Malaysia mặc dù số ca lây nhiễm đang có xu hướng giảm, nhưng số ca mắc hàng ngày vẫn ở mức cao, với tổng số ca nhiễm là 600.000 ca trong những ngày gần đây. Số người chết cũng tăng đột biến, với hơn 3.000 người tử vong kể từ khi đại dịch bắt đầu vào năm ngoái.