Đi tìm "quốc tịch” của thần y Hoa Đà

20-02-2018 14:03 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Các nhà khoa học trong và ngoài Trung Quốc hiện nay vẫn chưa thống nhất quan điểm: lịch sử Trung Quốc quả có một vị thần y Hoa Đà chăng? Nếu có thì liệu có phải là người Trung Quốc?

Danh tiếng thần y Hoa Đà (?-208) có thể nói là không ai không biết, đặc biệt giới y học cổ truyền phương đông tôn xưng ông là Y tổ. “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung đã tái hiện một Hoa Đà y thuật siêu quần, tinh thông dưỡng sinh, cứu nhân độ thế không phân biệt ranh giới, đẳng cấp, như cứu thương cho Chu Thái (Đông Ngô), rạch xương lấy tên cho Quan Công (Tây Thục), chữa bệnh đau đầu cho Tào Tháo (Bắc Ngụy)… Sau bị Tháo nghi ngờ đem giam trong ngục mà chết, y thư “Thanh nang” cũng bị vợ đốt mất. Ngoài ra trong những bộ chính sử như “Hậu Hán thư”, “Tam Quốc chí”cũng đều có ghi chép những câu chuyện về vị thần y này.

Hoa Đà là người Iran?

Năm 1980, bác sĩ Tùng Mộc Minh Tri, chuyên khoa nghiên cứu thuốc mê, Đại học y quốc gia Nhật Bản, đã đăng nghiên cứu của ông trên tạp chí chuyên ngành “Thuốc mê” với nhan đề “Hiểu biết mới nhất về lịch sử khoa học thuốc mê: Danh y Hoa Đà đời Hán thực ra là người Iran”. Theo đó thì từ “Hoa Đà” là phiên âm của từ “x. Wadag” trong tiếng Ba Tư xưa (còn gọi là An Tức, nay là Iran), từ “Wadag” có nghĩa là chúa hoặc thần, vì vậy nó không thể là tên người mà có ý nghĩa nhân xưng, tôn xưng như chúa công, các hạ hay ngài, tiên sinh. Nếu người được gọi mà làm nghề thuốc thì “x.Wadag” có nghĩa là “Tiên sinh tinh thông y thuật”. Đồng thời người Ba Tư xưa vào thời Hán đã theo “Con đường tơ lụa” mà qua phía đông, vào Trung Quốc, Hoa Đà hẳn là người Ba Tư theo con đường này mà vào du học ở Từ Châu như nhiều sách đã nói. Người Iran (Ba Tư) theo “Con đường tơ lụa” vào trung nguyên là thuyết đáng tin cậy. Thơ Lý Bạch có câu “Hồ cơ mặt như hoa, bên lò cười gió đông”, “Hồ cơ” là “người con gái Hồ xinh đẹp”, chính là cô gái người Iran. Căn cứ vào đó, bác sĩ Tùng Mộc khẳng định “Hoa Đà mà xưa nay cứ cho là người Trung Quốc, thực ra là người Iran”.

Đi tìm

Hoa Đà là người Ấn Độ?

Đây là thuyết của Trần Diễn Cách, giáo sư sử học nổi tiếng ở Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Trong bài nghiên cứu “Truyện Hoa Đà, Tào Xung trong Tam Quốc chí với truyện cổ Phật giáo”, giáo sư Trần cho rằng những câu chuyện như Tào Xung cân voi, Hoa Đà trị bệnh, thậm chí cả “Trúc Lâm thất hiền” cũng đều mang bóng dáng của thần thoại Ấn Độ. “Tam Quốc chí” là do sử gia Trần Thọ vâng mệnh Tấn Vương viết, bút pháp nghiêm cẩn, cứ liệu chính xác, nhưng chắc chắn ông đã tiếp thu, chịu ảnh hưởng lớn của những câu chuyện Phật giáo Ấn Độ lưu truyền rộng rãi trong dân gian lúc bấy giờ. Sự tiếp thu này được ẩn rất kín đáo, không dễ phát hiện, điều này làm cho việc giám định thật giả trong cổ sử càng khó khăn.

Bí mật của chữ “Đà”

Giáo sư Trần Diễn Cách cho rằng chữ “Hoa Đà” trong tiếng Thiên Trúc (tức tiếng Phạn, Pali của Ấn Độ cổ) là bắt nguồn từ chữ “Agada” có nghĩa là “dược”, Hán văn cổ thường dịch là “A Ca Đà” hoặc “A Kiệt Đà”. “A Ca Đà” lược bớt chữ “A”, đọc thành  như “Hoa Đà”, cũng như “A La Hán” lược đi chữ “A” đọc thành “La Hán”vậy.

Theo “Tam Quốc chí” của Trần Thọ thì Hoa Đà tự là Nguyên Hóa, vốn tên thật là “Phu” chứ không phải “Đà”, giáo sư Trần cho rằng do dân gian đương thời đem Hoa Phu so sánh với danh y trong thần thoại Phật giáo, do đó mới gọi là “Hoa Đà” tức xem như “Dược thần”. Ý của giáo sư Trần rất rõ ràng: “Hoa Đà” là do đọc trại từ “Agada”, lấy từ thần thoại Ấn Độ được lưu truyền rất mạnh vào thời Ngụy Tấn, và đã được Trần Thọ đưa vào trong lịch sử Trung Quốc.

“Ma phất tán”  và morphin

Thuyết của giáo sư Trần được nhiều người ủng hộ. Giáo sư Lâm Mai Thôn trong bài viết “Ma phất tán” và nhân tố ngoại lai trong phương thuật đời Hán” đã mở rộng thuyết của giáo sư Trần. Ông nói: “Agada” trong tiếng Phạn hàm nghĩa chỉ thuốc giải độc, thường chỉ thuốc viên. Theo sử liệu thì Hoa Đà là người chế được “Ma phất tán” có công dụng như morphin, làm cho bệnh nhân mê đi để thực hiện phẫu thuật. “Ma phất tán” thực ra được các cao tăng Thiên Trúc bào chế, thành phần gồm hoa Mạn đà la, xuyên khung, bạch chỉ, ô đầu… Giáo sư Lâm nói: “Cái tên “Hoa Đà” là lấy từ tiếng Phạn, y thuật mang đậm nhân tố Ấn Độ, tình lý rất rõ ràng. Chỉ cần cẩn thận suy xét về hoàn cảnh xã hội mà Hoa Đà hành y thì có thể thấy thuyết của giáo sư Trần không phải là phỏng đoán suông”.

Hoa Đà và thần thoại Ấn Độ

Trần Thọ trong “Tam Quốc chí” đã chép rất nhiều chuyện lạ về thần y Hoa Đà. Giáo sư Trần Diễn Cách cho rằng chuyện Hoa Đà trị bệnh cho Tào Tháo hoàn toàn là sao chép lại, chuyện mổ bụng cắt khối u trong bụng hay làm cho người bệnh mửa ra những con trùng màu đỏ… đều là chuyện sao chép, không đáng tin cậy, vì đó thực ra là chuyện chữa bệnh của thần y Kỳ Vực bên Ấn Độ. Trong “Tam Quốc chí” ghi rằng khi Hoa Đà trị bệnh mà phải dùng đến mổ xẻ thì dùng “Ma phất tán” cho uống để mê đi, sau đó mới mổ ra chữa, xong rồi may lại như cũ, 4 - 5 ngày thì bệnh khỏi, khoảng 1 tháng sau thì vết thương lành hẳn. Giáo sư Trần cho rằng câu chuyện trên hoàn toàn giống chuyện thần y Kỳ Vực chữa bệnh cho con trai trưởng lão Trị Cao Thiểm Di trong thần thoại Phật giáo. Trong chuyện Hoa Đà chữa bệnh cho thái thú Quảng Lăng là Trần Đăng, Hoa Đà cho Trần uống 2 thăng thuốc, Trần nôn ra 3 thăng trùng màu đỏ lúc nhúc… Chuyện này cũng là lấy nguyên trong truyện cổ Phật giáo. Chuyện Hoa Đà chữa bệnh cho Tào Tháo cũng mô phỏng hệt như thần y Kỳ Bá chữa bệnh cho bạo quân.

Có thể có Hoa Đà, nhưng không phải thần y

Theo một số tài liệu thì Hoa Đà sinh vào năm Vĩnh Gia nguyên niên đời Đông Hán (145), chết năm Kiến An thứ 13 (208), thọ 64 tuổi. Thuyết này không đáng tin vì trong “Hậu Hán thư-Hoa Đà truyện” ghi rằng “Đã gần trăm tuổi mà dung mạo như tráng niên, người đương thời gọi là tiên”, có thể thấy Hoa Đà không chỉ sống 64 tuổi. Theo “Tam Quốc chí” thì Hoa Đà “Du học bốn phương, thông hiểu kinh sách, lại giỏi thuật dưỡng sinh, tuy đã trăm tuổi mà như tráng niên. Lại giỏi về phương dược, thuốc hợp thành thang chỉ vài vị, châm cứu chỉ vài lần là bệnh khỏi”.

Giáo sư Trần khẳng định, người gọi là Hoa Đà có thể là người từng tồn tại vào đời Đông Hán, cũng có thể là người huyện Tiều, nước Bái, đồng hương với Tào Tháo (nay là thành phố Hào Châu, tỉnh An Huy), thậm chí người này cũng có am hiểu y thuật và dưỡng sinh ít nhiều. Nhưng về sau người này biến thành “Hoa Đà” thì là do dân gian đã đem chữ “Đà” (Dược vương thần) của Ấn Độ gán lên. Người Trung Quốc này đã gặp may mắn cực lớn, trở thành nhân vật thần bí được mọi người kính ngưỡng.


HÀN PHONG
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn