Hà Nội

“Dị nhân” võ thuật đất Kinh Bắc

08-01-2009 15:59 | Thời sự
google news

Chỉ vì "nhỡ tay" mà hơn một lần Tô Văn Hồng làm đối thủ bị thương. Chàng trai 8X nặng hơn 60kg từng đứng trên 4 quả bóng bay hơn 5 phút,

Chỉ vì "nhỡ tay" mà hơn một lần Tô Văn Hồng làm đối thủ bị thương. Chàng trai 8X nặng hơn 60kg từng đứng trên 4 quả bóng bay hơn 5 phút, và nếu tung quả dừa lên không trung và giơ đầu ra đỡ, người thường thì vỡ đầu, còn Tô Văn Hồng làm vỡ... quả dừa.

Cơ thể "đao thương bất nhập"

Tô Văn Hồng được xem là một kỳ nhân võ thuật đất Kinh Bắc (thôn Đức Lân - xã Yên Phụ - Yên Phong - Bắc Ninh), nhưng kỳ nhân này, lại chưa một lần đăng quang ở các giải đấu. Và lý do của những thất bại ấy, rất đặc biệt.

 20 tuổi, Tô Văn Hồng đã là trưởng võ đường với hàng chục nghìn môn sinh.
 
Hồng cho biết đã luyện 6 môn võ khác nhau: Thiếu lâm, Nam Hồng Sơn, Wushu, Cổ truyền, Nhất Nam, Vịnh Xuân quyền. Do học nhiều môn võ khác nhau, nên khi thi đấu ở môn này, đôi khi Hồng hạ đối thủ bằng một ngón đòn của một... môn võ khác. Thế là bị loại vì phạm quy. Công lực thượng thừa khiến mỗi khi lên sàn đấu Hồng thường phải "kìm nén", nhưng không phải lúc nào cũng kìm nén để ra đòn nhẹ tay được, và khi "nhỡ tay" thì lại... phạm quy. Một trong những lần phạm quy khiến Hồng ân hận mãi, chỉ vì quá tay mà Hồng làm đối thủ... vỡ quai hàm.

Nhưng tất cả những chuyện đó, chỉ xảy ra ở lứa tuổi "teen". Sang tuổi "20 khỏe nhất làng", cuộc đời luyện võ của Hồng đã sang một trang mới, khi Hồng được Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam cấp bằng huấn luyện viên môn võ Thiếu lâm. Và điều đặc biệt, có 18 cấp huấn luyện viên, thì ở tuổi 20, Tô Văn Hồng đã gần đạt đến mức cao nhất - cấp 16.

Người ta vẫn nói "đao thương bất nhập", tức gươm đao không thể phạm vào cơ thể, khi nói về những cao thủ võ lâm. Điều ấy cũng đúng ở dị nhân võ thuật đất Kinh Bắc này. Một trong những màn biểu diễn kinh hồn của Tô Văn Hồng là việc anh cởi trần nằm trên 3 lưỡi dao, sau đó, người ta dùng hòn đá nặng 30kg đặt lên trên người và dùng búa đập xuống. Để 3 lưỡi dao ở 3 nơi cách xa nhau của cơ thể, rồi đập vật nặng là một màn biểu diễn mà chính những cao thủ võ lâm thừa nhận là rất khó. Khá nhiều người thót tim khi Hồng nằm trên những lưỡi dao to, sắc lẹm. Nhưng rồi hòn đá vỡ, trong khi lưng Tô Văn Hồng chẳng hề có vết sứt sẹo nào cả. Kỷ lục này, cùng hai kỉ lục khác là dùng nội công phá vỏ chai và đứng trên bóng bay, đều được Hồng xác lập tại chương trình Chuyện lạ Việt Nam trong năm 2006.

Kỷ lục dùng nội công phá vỏ chai, tuy không làm thót tim người xem, nhưng cũng là một tuyệt kỹ công phu. Hồng chỉ dùng tay vỗ nhẹ vào miệng những chiếc chai thủy tinh, toàn bộ thân chai gần như còn nguyên vẹn, chỉ riêng có đáy chai bị bung ra. Hồng đăng ký biểu diễn công phá 60 vỏ chai trong vòng 2 phút, nhưng chỉ mất 1 phút 25 giây thì anh đã vỗ hết số vỏ chai, do không chuẩn bị kịp vỏ chai nên màn biểu diễn dừng lại ở 61 chiếc bị phá. Theo Tô Văn Hồng, đây là sự thành công một phần trong bộ công phu Thiết xa chưởng Thiếu lâm mà anh khổ luyện nhiều năm.

Việc đứng trên 4 quả bóng bay, cũng là một màn biểu diễn đáng kinh ngạc. Hồng đứng trên quả bóng bay mỏng manh trong thời gian 5 phút 38 giây. Chỉ có những người tập khinh công ở mức thượng thừa mới có thể làm được.

Suýt "rẽ lối giang hồ" làm... thợ may!

Sau khi được chính thức công nhận là huấn luyện viên một thời gian, Tô Văn Hồng mở Võ đường Tô Gia (Võ đường nhà họ Tô). 20 tuổi, khi các võ sĩ còn lo tranh giành giải nọ giải kia, thì Hồng chính thức trở thành chủ võ đường. Nhưng cuộc đời luyện võ của Tô Văn Hồng không suôn sẻ như người ta nghĩ.

Chuyện võ thuật được khởi nguồn từ việc cha anh - ông Tô Văn Hải mấy chục năm về trước. Ông Hải vốn nghề buôn bán, trong một lần bị đối thủ cạnh tranh thuê đám du côn bắt nạt, ông được một võ sư ra tay cứu nạn. Ông Hải lại được người này truyền cho mấy thế võ để phòng thân. Về nhà, sáng sáng ông Hải ra sân đứng tấn và tập luyện. Một buổi sáng, khi đang đi mấy đường quyền, ông Hải giật thót mình khi thấy thằng cu con 6 tuổi cũng... múa theo! Ông Hải theo dõi con trong suốt một thời gian, thấy Hồng trầm tính, không ngỗ ngược mới quyết định truyền cho con những "miếng" võ mình học được.

Theo học võ của bố chưa lâu, Hồng đã thấy chán, vì... không còn gì để học nữa! Ông Hải không phải không muốn con mình phát triển võ thuật, nhưng ông muốn cậu con trai phải chăm lo vào học văn hóa đã. Còn cậu con trai ương bướng thì không muốn thế...

Khi nghe tin Trung tâm văn hóa huyện Yên Phong mở lớp dạy võ Thiếu lâm - Nam Hồng Sơn, cậu bé Hồng đến đó ngồi chực cả ngày chờ đến giờ để xem lớp võ tập luyện mà thèm... rỏ dãi. Nhưng cậu đành ngậm ngùi đợi hôm sau... xem tiếp bởi bố mẹ lo con học sút về văn hóa, khó mà đồng tình cho cậu theo học. Cuối cùng, cậu nói dối hai vị phụ huynh khả kính là cậu đi học thêm. Có tiền, và có thời gian, Hồng lao vào võ...

Học một thời gian, Tô Văn Hồng lại chán, lí do cũng giống như Hồng chán mấy thế võ của ông bố. Thời ấy, Hồng lóc cóc đạp xe tầm sư học đạo. Có nhiều khi, con ngựa sắt đạp từ sáng mà mãi tận chiều mới đến nơi, lại đợi đến tối mịt mới gặp được thầy để học võ. Thế nhưng không hiếm bậc sư phụ võ thuật "ngứa mắt" khi một thằng nhóc cứ nằng nặc đòi học võ như đòi nợ là chuyện khác thường. Song cũng nhiều bậc sư phụ, mừng ra mặt, vì ở thời buổi nhiều kẻ coi võ thuật là cái mồi câu cơm, lại có những "kỳ nhân" ham mê võ thuật nên sẵn lòng truyền dạy những bí kíp võ công.

Cuối cùng thì chiêu thức "dối trên lừa dưới" cũng không giấu được mãi. Nhưng việc Hồng trốn học đi luyện võ, không gây "sốc" cho ông bố bằng việc khi phát hiện ra chuyện nói dối của con mình, thì cậu con trai đã là... trợ giảng cho thầy khi dạy Thiếu lâm Nam Hồng Sơn tại nhà văn hóa huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Khi ấy, Hồng mới 15 tuổi! Tức là khi còn tuổi “teen”, Hồng đã sớm được nhiều người gọi bằng sư phụ!

19 tuổi, sau nhiều lần lỡ dở thi cử, Tô Văn Hồng quyết định dừng việc luyện và dạy võ tại các lò võ để trở về theo ước muốn của bố mẹ: Lấy tấm bằng đại học. Tay cầm cây bút mà lòng dạ cứ nghĩ đến những đường quyền cước, trượt vỏ chuối là điều dễ hiểu. Trượt đại học, Hồng đột ngột rẽ lối sang ngang khi xin vào Công ty Việt Đức làm... thợ may!

Nhưng niềm đam mê võ thuật không dứt khỏi con người này, trong một ngày nghỉ, Hồng đi xem giải thi đấu võ thuật của tỉnh Bắc Ninh. Thấy các võ sĩ thiếu căn bản, Hồng tiếc rẻ, về lập... võ đường. Tuy sư phụ chưa lần nào đoạt giải cao tại các cuộc thi đấu chính thức, nhưng môn đệ của Võ đường Tô Gia nhiều lần bước lên bục vinh quang cả các giải đấu. Hiện tại, sau 6 năm tồn tại, người đứng đầu lò võ Tô Gia đã được "thăng cấp" thành chuẩn võ sư (tương đương với cấp thứ 17).

 
Tổ sư của một môn phái mới?

26 tuổi, và số năm học võ là ngót 20. Đó là một kỉ lục. "Võ đường Tô Gia" cũng có thể coi là một kỉ lục khác. Ở tuổi 8X, chắc chắn không mấy ai dám nghĩ mình có thể trở thành chủ nhân của võ đường, có thể coi là khổng lồ, với tổng cộng trên 15.000 môn sinh. Võ đường Tô Gia thiết lập "chi nhánh" ở nhiều tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hà Nội, Hà Giang, Quảng Ninh...

Võ đường Tô Gia hình thành chưa lâu, nhưng đã hình thành một phong cách riêng biệt. Không phải ai xin học, võ sư họ Tô cũng nhận lời. Để được nhập môn, môn sinh phải trải qua kỳ sát hạch về đạo đức, bất luận người đăng ký là ai. "Học võ để làm gì? Tại sao lại đến đây? Học võ, anh thích học gì nhất?..." Nếu trả lời những câu hỏi hợp ý võ sư họ Tô này, môn sinh mới được phép "bái sư". Vị sư phụ trẻ tuổi này, không muốn bất cứ một môn đệ nào, dùng võ thuật vào mục đích không tốt, làm ảnh hưởng đến tinh thần võ thuật.

Phương châm võ thuật của Tô Văn Hồng là kết hợp, phát huy võ thuật Trung Hoa với những tinh túy của võ thuật cổ truyền. Điều này có được là nhờ việc gia nhập môn phái Ngũ Châu quyền. Môn phái này do lão võ sư Nguyễn Trọng Mật sáng lập và được võ sư Mai Long kế nhiệm. Võ sư Mai Long là người tận lực giúp Hồng khai thông kinh mạch, ngộ được sự tinh túy của những thế võ huyền ảo của môn phái. Với cương vị chưởng môn, Hồng đang cố gắng phát huy những ưu việt của bộ quyền mang tính tổng hợp của võ thuật Thiếu lâm Trung Hoa, võ Cổ truyền Việt Nam và võ thuật hiện đại mà sư tổ đã dày công nghiên cứu ra một lối đánh riêng biệt. Khí công tâm pháp của Ngũ Châu thái cực trường quyền chính là sự chắt lọc tinh hoa võ thuật của nhiều môn phái khác.

Nhưng Tô Văn Hồng không muốn dừng lại ở đó, luyện tập nhiều môn phái khác nhau, tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu của từng môn, tiếp đó, việc lập Võ đường Tô Gia, là một trong những bước đi, để vị sư phụ 8X này, tiến tới việc lập ra một môn phái riêng. Môn phái mà anh dự định đặt tên là Hòa Bình. Võ thuật là chiến đấu, nhưng sở dĩ, Tô Văn Hồng mong muốn võ phái của mình mang tên Hòa Bình, vì cái tên đó, chính là phương châm, là mục đích của người luyện võ.

Lam Sơn


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn