"Đi giữa trời rực rỡ" đang là bộ phim hot nhất sóng giờ vàng VTV khi đã cán mốc 1 tỷ view sau 8 tập lên sóng, cùng với đó là độ viral của cặp đôi chính Chải (Long Vũ) và Pu (Thu Hà Ceri) trên các nền tảng mạng xã hội.
Tuy nhiên, một điểm khiến phim nhận được sự quan tâm thời gian qua còn là những tranh cãi liên quan đến việc nhiều khán giả cho rằng phim đang có sự phản ánh sai lệch về văn hóa, tập quán của người Dao đỏ. Vấn đề này vẫn đang "nóng" trên nhiều diễn đàn phim.
Dưới góc độ của người từng làm phim về đồng bào dân tộc, đạo diễn Đức Thịnh chia sẻ với Gia đình & Xã hội. Anh cho biết, thời gian qua anh cũng đọc được khá nhiều bình luận, đánh giá, thậm chí có phần gay gắt của những khán giả về trang phục, văn hoá của người Dao phim "Đi giữa trời rực rỡ".
"Bối cảnh những tập đầu của bộ phim phần lớn được ghi hình ở Nguyên Bình (Cao Bằng), không chỉ khai thác các vấn đề thời đại, phim còn được thổi hồn bởi vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước kết hợp cùng những nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Dao. Tôi nghĩ phim của VTV khi đã xác định mục đích về đồng bào dân tộc Dao thì từ nhà sản xuất đến đạo diễn, diễn viên đã phải nghiên cứu tìm hiểu rất kỹ về đồng bào rồi.
Dù vướng nhiều tranh cãi nhưng "Đi giữa trời rực rỡ" cán mốc tỷ view sau 8 tập lên sóng.
"Đi giữa trời rực rỡ" đang nhận nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận về văn hoá, phong tục của người Dao.
Tôi đọc được nhiều ý kiến khán giả rằng họ là người Dao khi xem "Đi giữa trời rực rỡ" thấy khó chịu vì đoàn phim đang làm sai hết về văn hoá người Dao. Tôi đọc xong và đi tìm hiểu rồi cũng liên hệ với một số anh em trong đoàn phim và mọi người cũng xác nhận đoàn phim luôn có người làm văn hoá địa phương đi cùng, rất sát sao trong quá trình làm phim; chưa kể, trong suốt quá trình quay phim ở Nguyên Bình (Cao Bằng), bà con địa phương tò mò đi theo. Với những sự "giám sát" như thế thì tôi tin chắc rằng những vấn đề cảnh quay, sinh hoạt,... của đồng bào người Dao không thể có chuyện dựng sai đến mức đáng lên án như những bình luận trên mạng xã hội thời gian qua", đạo diễn Đức Thịnh cho biết.
"Nói thật là không có địa phương nào khi ê-kíp đến làm phim mà những người làm văn hoá ở đó lại "ngó lơ", không để ý được. Đồng hành trong suốt quá trình làm phim là điều chắc chắn. Bởi thứ nhất là họ vui mừng vì có đoàn phim về địa phương, làm phim về đồng bào, bản sắc dân tộc mình. Hai nữa là các cơ quan công quyền ở địa phương cũng phải thực hiện trách nhiệm của mình chứ họ không bao giờ để ê-kíp phim tự do muốn làm gì thì làm, nhất là khi phim của VTV thì họ chắc chắn sẽ hỗ trợ đoàn phim hoàn thành tốt công việc, đồng thời họ cũng để ý, giám sát, an ninh trật tự địa phương nữa", nam đạo diễn nói thêm.
Theo đạo diễn Đức Thịnh, hồi tháng 10/2023 anh làm phim "Những đoá hoa trong sương" về đồng bào người Dao, người Mông ở Tuyên Quang (phát sóng VTV5) cũng nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ những người làm văn hoá tại địa phương cũng như đồng bào nơi đây.
Đức Thịnh dẫn chứng từ series "Những đoá hoa trong sương" phát sóng VTV5 do chính mình đạo diễn. "Tôi có 10 ngày cùng ê-kíp thực hiện 25 tập series phim "Những đóa hoa trong sương" (13-15 phút/tập) ở trên Na Hang (Tuyên Quang) - đây là vùng người Dao và người Mông sinh hoạt chung. Phim của tôi nói về phong tục của người Mông mà ở khu vực này người Mông không quá nhiều, chủ yếu là người Dao. Khi thực hiện series đó, những người làm văn hoá địa phương luôn luôn theo sát ê-kíp khiến chính tôi cũng thấy vui. Bởi khi chúng tôi thực hiện phim về đồng bào dân tộc dù có tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thế nào cũng không thể chỉn chu hết được. Khi có người làm văn hoá của địa phương hoặc những người đồng bào tại địa phương tư vấn chi tiết cho ê-kíp và diễn viên chắc chắn sẽ yên tâm hơn.
Trước đó tôi cũng từng nghĩ đến việc có thể tìm người dân tộc gốc để làm diễn viên nhưng thú thật là rất khó vì họ không chuyên, khó hoàn thành được yêu cầu diễn xuất mong muốn nên vẫn phải diễn viên chuyên nghiệp. Quá trình quay phim, chúng tôi được đồng bào đón rất niềm nở và người làm văn hoá địa phương cũng nhiệt tình giúp đỡ, tư vấn trong suốt quá trình làm phim: trang phục, văn hoá, phong tục để diễn viên làm theo".
Tôi nghĩ, dù sao làm nghệ thuật cũng khó tránh khỏi tranh cãi trái chiều nhưng khán giả hãy đưa ý kiến đóng góp để phim tốt hơn, hay hơn, hoàn chỉnh hơn chứ không phải vùi dập phim. Bỏ đi những yếu tố chưa chính xác về văn hoá thì phim đang phản ánh rất tích cực về dân tộc thiểu số mà", đạo diễn Đức Thịnh bày tỏ.
Trang phục của cặp đôi chính trong "Đi giữa trời rực rỡ".
Trong khi đó, đại diện Phòng Nghiệp vụ - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cao Bằng cho biết, khi làm phim, ê-kíp có văn bản yêu cầu Sở hỗ trợ địa điểm và tư vấn khi làm phim. "Chúng tôi cũng tạo điều kiện cho đoàn phim quay ở địa phương. Phim cũng có sự tư vấn của chuyên gia văn hóa ở Nguyên Bình (Cao Bằng). Về những tranh cãi, có thể hỏi phía đoàn phim".
Về phía đạo diễn "Đi giữa trời rực rỡ" - đạo diễn Đỗ Thanh Sơn cũng cho biết: "Ê-kíp đã nhận được những thông tin về phim. Khi làm phim, chúng tôi có xin ý kiến của Sở Văn hóa Cao Bằng và có Phòng Văn hóa huyện Nguyên Bình hỗ trợ tư vấn. Hiện tại, nhà sản xuất đã yêu cầu đạo diễn gửi thông tin cho họ và họ sẽ gửi thông tin đến báo chí trong thời gian sớm nhất".
"Đi giữa trời rực rỡ" xoay quanh cuộc sống của nhân vật Pu, đứng trước lựa chọn xuống Hà Nội học đại học, theo đuổi ước mơ hay lấy chồng, giúp gia đình trả nợ. Cuối cùng cô quyết định xuống thành phố. Phim có sự góp mặt của NSƯT Hoàng Hải và dàn diễn viên trẻ như: Long Vũ, Vương Anh, Võ Hoài Vũ, Hoàng Khánh Ly, Yên Đan, Quỳnh Châu...
Review Đi giữa trời rực rỡ - Tập 8