Sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thầy thuốc, được truyền lửa ngay từ thuở nhỏ nên bác sĩ Hương đã nhanh chóng định hướng cho mình con đường chữa bệnh cứu người. Đến khi lựa chọn chuyên khoa, vốn tính nhanh nhẹn và năng động, cô bác sĩ trẻ nhận thấy có hai lĩnh vực phù hợp với tính cách là cấp cứu và tim mạch. Và cơ duyên đưa cô đến với tim mạch trong một lần được GS.TS. Phạm Gia Khải, Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, tin tưởng chọn là người hỗ trợ làm đề tài về bộ môn này.
Ai cũng biết "trái tim là sự sống". Lĩnh vực tim mạch rất rộng và khó, nhưng vốn tính ham học từ bé khiến bác sĩ Hương càng học càng hăng say, cảm thấy "trái tim thật kỳ diệu". Năm 1995, chỉ vì một câu "kích" của Giáo sư Đặng Hanh Đệ (lúc bấy giờ là Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức): "Này, viện của mày không thể gọi là Viện Tim mạch được mà chỉ là Viện Tim thôi vì làm gì có mạch máu", Thầy Khải đã cử ngay BS. Hương lên đường sang Pháp đào tạo về mạch máu. Bác sĩ Hương chính là một trong những người được đào tạo về siêu âm tim, mạch máu tại Pháp, cũng là người đầu tiên của Viện Tim mạch Việt Nam được cử đi học nước ngoài về bệnh lý mạch máu. Sau khi về nước, bác sĩ Hương đã xây dựng thêm phân môn Mạch máu của Viện Tim mạch và trường Đại học Y Hà Nội.
Say mê học tập, hồi sinh những trái tim đau yếu chính là điều mà BS. Hương luôn trăn trở và mong muốn được cống hiến trong quá trình học tập và làm nghề, và sau này, cũng được PGS.TS Đinh Thị Thu Hương truyền lửa cho nhiều thế hệ học trò trường Y. "Hiểu nhanh, nhớ lâu, nhớ được bài ngay trên lớp" là những điều mà các học trò nói về "bà giáo" nghiêm trang mà hiền hậu này, đã giúp họ nhanh chóng trưởng thành ngay từ trên ghế nhà trường và thành thục khi làm nghề.
Cái tâm của bác sĩ Hương không chỉ đặt ở chuyện khám chữa bệnh, giảng dạy mà còn ở những điều thiện bác sĩ đã và đang làm như tích cực tham gia các hoạt động khám bệnh miễn phí trên vùng cao, xây dựng điểm trường... PGS.TS Hương vẫn còn nhớ mãi về bệnh nhân tim bẩm sinh Nguyễn Thị Thơ nằm tại Viện Tim mạch Việt Nam, nhà nghèo phải sống lay lắt cùng anh trai. Không có tiền ăn và chữa bệnh, anh trai hằng ngày phải đi khuân vác, làm thuê ở các cửa hàng nhôm kính. Hồi đó, PGS Hương đã nhờ nhà báo viết bài để kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay cứu em. Nhờ bài viết "Thơ ơi, em đừng… chết!" chạm đến trái tim của nhiều độc giả và các mạnh thường quân, Thơ đã được sống và tiếp tục được đến trường.
Tuổi trẻ "đâm đầu" vào học, tích cực bồi dưỡng kiến thức cho nghề và hết lòng với nghề, PGS. Thu Hương bùi ngùi cho biết, bản thân cũng có những đánh đổi ít nhiều khi không dành được nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái và bản thân. Cống hiến là thế, "nhưng tôi không bao giờ hối tiếc khi chọn nghề Y, càng không hối tiếc khi chọn Tim mạch. Nhiều người hỏi tại sao về hưu rồi mà vẫn bận bịu thế? Tôi chỉ đáp: Mỗi khi giúp được một người bệnh, tôi thấy mình còn có ích để tiếp tục cố gắng. Với cái nghề của mình, trong tình trạng sức khỏe và trí tuệ cho phép, tôi muốn mang kinh nghiệm được tích lũy trong mấy chục năm để giúp người bệnh, giúp các đồng nghiệp được nhiều hơn nữa, để kiến thức của mình không uổng phí. Được làm việc cũng chính là một cách để luôn làm mới mình, để thấy mình không già, khi mà mình vẫn còn tiếp thu được và chia sẻ được những điều có ích".
Ở tuổi về hưu, PGS. Hương tiếp tục nghề thầy thuốc tại Trung tâm Y khoa Nhật Bản T-Matsuoka (154 Nguyễn Thái Học, Hà Nội). Tại đây, người ta thân tình gọi PGS là "bà Hương" như một người thân trong gia đình. Bà cho biết: Gần một đời chữa trị cho người bệnh, đến nơi này, tôi được tiếp xúc với một đối tượng khác: là người khỏe, ở đây họ gọi là khách hàng. Hướng tiếp cận mới mà không mới: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh". Trước giờ ở nước ta, phòng bệnh là nhiệm vụ của y tế dự phòng, song việc triển khai còn nhiều bất cập, nhiều địa phương gần như "bỏ quên" và chỉ mang tính phòng chống dịch tễ như phòng sốt xuất huyết, sốt rét, tả hay gần đây là Covid-19… (Nguồn: Bộ Y tế). Còn quan điểm "phòng bệnh" ở đây rất khác, đó là tập trung vào tầm soát sức khỏe chủ động và phát hiện bệnh sớm. Với sự hỗ trợ của máy móc công nghệ hiện đại từ Nhật Bản cùng với khả năng chẩn đoán lâm sàng của các bác sĩ chuyên môn, khách hàng sẽ được phát hiện bệnh sớm để điều trị kịp thời, đặc biệt là bệnh ung thư, tim mạch, rối loạn chuyển hóa… ngay khi chưa có biểu hiện bệnh.
Theo chia sẻ của PGS. Thu Hương, rất nhiều ca bệnh tưởng là bình thường nhưng khi đến khám mới phát hiện ra bệnh nguy hiểm đang ở giai đoạn ủ bệnh, chưa biểu hiện thành triệu chứng. Một khách hàng có biểu hiện ho kéo dài, mặt tái xanh. Chị đã đi khám nhiều nơi và được chẩn đoán là viêm dạ dày trào ngược, viêm phế quản mạn tính, được chỉ định thuốc ho và kháng sinh nhưng uống mãi không thuyên giảm. Khi khám với PGS. Hương ở T-Matsuoka, khách hàng được chẩn đoán bệnh về tim: tăng áp động mạch phổi, bệnh cơ tim phình đại, suy tim. Từ khi được chẩn đoán bệnh đúng, chỉ sử dụng đến đơn thuốc thứ hai là sắc hồng đã xuất hiện trên má. Hay cách đây ba tuần, một khách hàng hơn 60 tuổi tìm đến Trung tâm T-Matsuoka vì cảm thấy tê tê ở bên má, ngủ không được ngon giấc. Với chỉ hai biểu hiện như vậy, có lẽ dễ phỏng đoán là do tuổi già, thấy "tê tê bên má" chắc do đau răng, đau lợi hay đau viêm dây thần kinh ngoại vi. Nhưng sau khi nói chuyện và chia sẻ, PGS. Hương cho chỉ định chụp cộng hưởng từ não thì phát hiện ra u não 3cm. Trung tâm đã thực hiện hội chẩn trực tuyến với chuyên gia tại Nhật Bản và hỗ trợ khách hàng đăng ký điều trị tại Nhật Bản. Có lần, khách hàng thấy đau chân nên đi châm cứu, mát-xa trong thời gian dài mà không đỡ, đến T-Matsuoka thì phát hiện bị suy tĩnh mạch… Y học là vậy, có thể chỉ từ những triệu chứng rất bình thường, mà bệnh lý tìm ra lại nguy hiểm, chúng ta không thể tự mình phán đoán. Nhiều người nói rằng thậm chí đã sang vài nước có nền y học tiên tiến để kiểm tra sức khỏe nhưng khi đến đây, nhờ PGS. Hương khám tận tình kỹ lưỡng, giải thích ngọn nguồn căn nguyên dựa trên hình ảnh chụp chiếu rõ nét để tìm ra đúng bệnh, đó mới là thứ họ cần.
"Tôi thấy rất đáng quý khi một Trung tâm lớn như T-Matsuoka, được đầu tư kỹ lưỡng, chất lượng chuyên môn cao lại nêu quan điểm làm "y tế tử tế". Vì thường những nơi như vậy, họ hay gắn với công nghệ cao, quốc tế… nhưng ở đây lại là Y tế tử tế. Rất nhân văn. Dĩ nhiên không ai mở trung tâm y khoa đầu tư chuyên nghiệp như vậy mà không tính đến lợi nhuận, nhưng không phải vì thế mà tận thu. Mục tiêu hàng đầu là phát hiện đúng bệnh từ rất sớm và kịp thời, có kế hoạch chăm sóc và theo dõi tường tận. Từng viên thuốc tôi kê đều có địa chỉ, không lạm dụng" - PGS Hương cho biết.
Nhân dịp Kỷ niệm 69 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi tìm đến T-Matsuoka trò chuyện với PGS Hương khi bác sĩ vừa kết thúc ca khám cuối trong ngày, nhưng không hề thấy nét mệt mỏi trên gương mặt người bác sĩ nhiệt huyết và giàu lòng nhân ái. Khi được hỏi làm thế nào để luôn giữ được năng lượng tích cực và sự ân cần như vậy, PGS. Hương thường động viên các đồng nghiệp: "Mọi người hãy làm bệnh nhân lấy một lần", mới hiểu được khi làm bệnh nhân người ta cần sự ân cần của người bác sĩ đến nhường nào.