ĐBQH phân tích ‘kẽ hở’ của luật pháp khiến 600 loại sữa giả lừa người tiêu dùng

10-05-2025 14:30 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo một số ĐBQH, với quy định công bố hợp quy như hiện nay, doanh nghiệp sẽ "đối phó" bằng cách lấy mẫu tốt nhất đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà với nguyên liệu và quy trình không được kiểm soát chặt chẽ.

Ngày 10/5, thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số ý kiến còn khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, một số ĐBQH nêu quan điểm, đối với việc thử nghiệm, chứng nhận, công bố hợp quy chuẩn với hàng hóa, sản phẩm gây tốn kém chi phí, cản trở, chậm trễ xuất khẩu; đồng thời chưa phù hợp với tinh thần, chủ trương trong Nghị quyết số 68-NQ/TƯ.

ĐBQH phân tích ‘kẽ hở’ của luật pháp khiến 600 loại sữa giả lừa người tiêu dùng- Ảnh 1.

ĐBQH tham dự Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 10/5.

Các đại biểu cho rằng, quy định công bố hợp quy gây lãng phí về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa Việt Nam, gây ra gánh nặng cho người tiêu dùng trong nước; chưa phù hợp với chủ trương chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm"; khiến các đối tác thương mại nhìn nhận đây là "hàng rào thuế quan", gây khó khăn cho việc mở rộng thị trường.

"Doanh nghiệp sẽ "đối phó" bằng cách lấy mẫu tốt nhất đi kiểm nghiệm nhưng sản xuất đại trà với nguyên liệu và quy trình không được kiểm soát chặt chẽ. Hậu quả là dù đã có chứng nhận hợp quy nhưng chất lượng lại không bảo đảm khi đến tay người tiêu dùng", ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nói và liên hệ đến sự việc 600 loại sữa "giả" bị phát hiện vừa qua.

ĐBQH phân tích ‘kẽ hở’ của luật pháp khiến 600 loại sữa giả lừa người tiêu dùng- Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Bé - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang.

Cùng chia sẻ quan điểm, ĐBQH Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh thông tin, hiện nay có khoảng 20 hiệp hội đại diện cho hàng trăm doanh nghiệp thành viên; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã tổ chức nhiều hội thảo khoa học phân tích, đánh giá, làm rõ tác động của quy định về công bố hợp quy với sản phẩm hàng hóa.

"Họ có chung kiến nghị là bãi bỏ quy định về công bố hợp quy với sản phẩm hàng hóa", bà Vân nói và tiếp tục đề nghị bãi bỏ hẳn quy định về công bố hợp quy, chứ không giữ lại một phần như trong báo cáo thẩm tra.

ĐBQH phân tích ‘kẽ hở’ của luật pháp khiến 600 loại sữa giả lừa người tiêu dùng- Ảnh 3.

ĐBQH Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Lý giải cho đề xuất này, theo bà Vân, quy định về công bố hợp quy chỉ là quy định mang tính hình thức, chồng chéo và không cần thiết. Các sản phẩm nhóm 2 vốn là hàng hóa sản xuất kinh doanh có điều kiện đã được đánh giá và cấp giấy chứng nhận đầy đủ theo quy định của pháp luật và quốc tế. Khi đã đạt tiêu chuẩn này, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp đã đảm bảo các điều kiện về quy trình sản xuất chất lượng, đại biểu nói thêm.

"Việc một doanh nghiệp lặp lại toàn bộ quy trình kiểm tra, lấy mẫu, đánh giá để công bố hợp quy chỉ nhằm xác nhận lại những gì đã được xác nhận là vô lý và lãng phí", đại biểu Bắc Ninh nhấn mạnh.

Hơn nữa, những quy định công bố hợp quy hiện nay chỉ tập trung vào kiểm soát các hoạt động đơn lẻ, thông qua một mẫu mà doanh nghiệp đi kiểm nghiệm. Theo đại biểu, điều này dẫn đến doanh nghiệp có thể đối phó bằng cách làm mẫu tốt mang đi kiểm nghiệm, nhưng sản xuất đại trà mẫu không tốt. Đây là kẽ hở để một bộ phận doanh nghiệp gian dối đưa ra thị trường hàng hóa dưới chuẩn công bố như vụ việc gần 600 nhãn sữa giả vừa qua.

Cùng với đó, công bố hợp quy sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, gia tăng chi phí, thời gian chờ đợi, giảm mức độ cạnh tranh của hàng hóa doanh nghiệp trong nước.

Tăng mức xử phạt, quy trách nhiệm bồi thường nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thậtTăng mức xử phạt, quy trách nhiệm bồi thường nếu người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật

SKĐS - Sáng 10/5, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Một số ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính; quy trách nhiệm bồi thường nếu quảng cáo sai sự thật.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Gần 600 loại sữa giả tuồn ra thị trường: Người dùng đối mặt với nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng | SKĐS


Lê Bảo - Dương Tú
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn