"Dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh": Hậu quả khôn lường

26-08-2015 07:55 | Thời sự
google news

SKĐS - Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống phỏng vấn nhanh chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ em về bài học "dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh" trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành.

* Bộ GD&ĐT yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục giải trình về cuốn sách dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh.

Dư luận hiện đang xôn xao về việc cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” của hai tác giả Phan Quốc Việt và Nguyễn Thị Thuỳ Dương do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành có bài học dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh để học về lòng dũng cảm. Không ít các chuyên gia cho biết “không thể đồng tình” với bài học này.

Nội dung bài học Dẫm lên thủy tinh in trong cuốn sách Dạy kỹ năng sống cho trẻ em lớp 1 do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành

Nội dung bài học "Dẫm lên thủy tinh" in trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho trẻ em lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành

TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm:

Cách dạy kỹ năng sống như thế này không sai, nhưng tính giáo dục không cao. Vì có lẽ trong cuộc đời chúng ta, không mấy khi chúng ta phải dẫm lên thủy tinh cả. Thế nhưng, lại có rất nhiều tình huống trong cuộc sống gặp phải như chúng ta tham gia giao thông ở trên đường hay là chúng ta sống một mình ở trong nhà, trẻ con sẽ phải làm gì để an toàn, hiệu quả ngay trong ngôi nhà của mình... Đấy là những kỹ năng sống rất quan trọng.

TS Vũ Thu Hương - giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm

TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm

Thế nên, bài dạy trẻ em đi trên thủy tinh không phải là quá sai nhưng tính ứng dụng không được tốt lắm. Ngoài ra, với trẻ nhỏ có thẻ sáng tạo thêm một số tình huống khác, ngoài khả năng tưởng tượng của người lớn. Bởi tính tưởng tượng, sáng tạo của trẻ rất là cao và điều đấy có thể đem lại nguy hiểm cho trẻ. Ví dụ trẻ có thể đập vỡ một cái cốc và đi lên chiếc cốc vỡ đó vì nghĩ rằng ở trường, thày cô giáo cho đi như vậy là an toàn.

Tuy nhiên, thủy tinh có rất nhiều loại, có những loại gây sát thương, cho dù mảnh vỡ rất là nhỏ vẫn có thể gây sát thương lớn. Do đó, bài học này là hoàn toàn không nên.

Trong khi đó, lòng dũng cảm là một đạo đức, chứ không phải kỹ năng sống như tác giả cuốn sách “Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1” nhận định. Đạo đức thường bị nhầm tưởng là kỹ năng sống bởi trong đạo đức có thái độ và hành vì, mà hành vi của đạo đức lại na ná kỹ năng sống. Nhưng rõ ràng, lòng dũng cảm không phải kỹ năng sống. Trong khi cách dạy cho trẻ em dẫm lên thủy tinh, theo tôi, rất giống việc chúng ta đang dạy trẻ em cách sống “cảm tử”. Tôi có cảm giác điều đó rất rõ, cho dù việc dẫm lên thủy tinh không phải là quá nguy hiểm.

Video clip TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm chia sẻ quan điểm cá nhân về việc dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh để học về lòng dũng cảm:

TS Vũ Thu Hương - Giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm bày tỏ quan điểm cá nhân về bài học dạy trẻ em dẫm lên thủy tinh được in trong cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1" do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam ấn hành.

Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn - Ủy viên BCH Hiệp hội tâm lý học xã hội Việt Nam

“Tôi có đọc trên báo mạng những hình ảnh mô tả dạy kỹ năng sống cho học sinh tiểu học bằng cách dẫm lên mảnh thuỷ tinh. Với vấn đề này tôi có 2 điều cần phải làm rõ: Thứ nhất, cần phải hiểu khái niệm kỹ năng sống (quan điểm cá nhân tôi thích dung là kỹ năng xã hội hơi) là gì? Thứ hai, lòng dũng cảm có phải là kỹ năng sống/xã hội hay không? Trên cơ sở trả lời 2 vấn đề trên thì chúng ta mới cần tìm hiểu rõ hơn bài tập đi trên thuỷ tinh vỡ có phù hợp hay không.

TS Nguyễn Thành Đoàn - Ủy viên BCH Hiệp hội tâm lý học xã hội Việt Nam

Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn - Ủy viên BCH Hiệp hội tâm lý học xã hội Việt Nam

Tôi cho rằng lòng dũng cảm là một phẩm chất nhân cách của con người, chứ không phải là một kỹ năng xã hội như tác giả viết. Theo quan điểm cá nhân tôi thì tôi không ủng hộ khi các thầy cô giáo ở Tiểu học đã áp dụng bài tập này để rèn lòng dũng cảm cho các em. Vì lòng dũng cảm không phải chỉ hình thành khi chúng ta đối diện với sợ hãi. Rất nhiều nhà giáo dục nổi tiếng trên thế giới đều có lời khuyên với các nhà giáo: Khi thiết kế các tình huống thực hành cho học sinh nhà giáo dục cần phải tính đến tính vừa sức và tính phù hợp với độ tuổi của học sinh.

Tôi không ủng hộ việc áp dụng bài tập này để rèn luyện lòng dũng cảm cho các em học sinh tiểu học. Như tôi đã nói, lòng dung cảm của con người không chỉ hình thành từ việc chúng ta đối diện với sợ hãi. Nếu chúng ta đi theo xu hướng này, chúng ta đang cổ vũ cho nhiều thầy cô giáo, những nhà huấn luyện khác sử dụng những đồ vật thật nguy hiểm khác khi dạy các em, và luôn đặt các em vào các tình huống sợ hãi, điều này sẽ gây áp lực rất lớn đến sự phát triển của các em.

Ví dụ, nếu dạy các em sự gan dạ khi đối diện với nguy hiểm, thầy cô sẽ lấy ra con rắn thật và bắt các em đối diện với nó chẳng? Trong giáo dục, việc có các tình huống trải nghiệm là hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng nhà giáo dục hãy biết lựa chọn giáo cụ và tình huống sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý độ tuổi và tính vừa sức để học sinh có trải nghiệm và hình thành được kỹ năng tích cực. Đừng biến những bài học này trở thành một sự “kiêu hãnh” vô giá trị.

Tôi cho rằng sẽ có những hệ luỵ với các em học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở: Thứ nhất, trẻ có thể thực hiện một số hành vi bất chấp nguy hiểm. Rõ ràng khi trẻ thấy ai cũng có thể dẫm lên thuỷ tinh để đi được, thì với những việc nguy hiểm khác trẻ có thể thực hiện theo nguyên lý này. Thứ hai, trẻ sẽ cổ vũ khuyến khích bạn bè mình thực hiện những hành vi theo xu hướng nguy hiểm để tôn vinh lòng dũng cảm. Và nếu người lớn không kiểm soát được thì sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Do các em chưa đủ nhận thức hết được mức độ nguy hiểm của thế giới xung quanh, vì vậy chúng ta cần dạy các em kỹ năng phòng, tránh những nguy hiểm này hơn là dạy trẻ kỹ năng đối đầu với nguy hiểm có tính rủi ro cao theo hình thức này.

* Ngày 25/8, Bộ Giáo dục & Đào tạo có văn bản yêu cầu nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo về việc sách dạy trẻ dẫm lên thủy tinh về Bộ trước ngày 28/8/2015.

Văn bản của Bộ Giáo dục & Đào tạo ghi rõ: Để kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý về những nội dung gây ảnh hưởng không tốt tới tâm sinh lý học sinh, phụ huynh học sinh và toàn xã hội, Bộ Giáo dục & Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương kiểm tra tình hình, kịp thời xử lý và báo cáo về Bộ trước ngày 28/8/2015.

Văn bản do Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo Phạm Mạnh Hùng ký tên.

Hiện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng khẩn trương tổ chức kiểm tra nội dung cuốn sách "Thực hành kỹ năng sống cho học sinh lớp 1" trên. Cùng ngày 25/8, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có công văn trả lời Bộ Giáo dục & Đào tạo về vấn đề này. Công văn cho biết: Cuốn sách được xuất bản lần đầu năm 2014, thuộc loại sách tham khảo, không phải sách giáo khoa. Ngay sau lần xuất bản đầu tiên, được sự góp ý của độc giả về nội dung không phù hợp, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kịp thời chỉnh lí trong lần in tái bản năm 2015 (đã hoàn thành từ tháng 4/2015). Vì vậy, các bản sách được in năm 2015 đã không còn câu chuyện này. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xin gửi Bộ trưởng 01 bản sách in năm 2014 và 01 bản sách in năm 2015 đã được chỉnh lí nội dung.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rất lấy làm tiếc về sơ suất này và xin rút kinh nghiệm. Đây là một bài học sâu sắc đối với công tác biên tập nhằm giữ vững và nâng cao chất lượng sách. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát bộ sách để kịp thời điều các nội dung cho phù hợp. 

Hà Anh

*


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn