Day bấm huyệt phục hồi di chứng tai biến mạch máu não

SKĐS - Tai biến mạch máu não (TBMMN) là một hội chứng trong phạm vi chứng "trúng phong" của y học cổ truyền, biểu hiện là bệnh nhân đột nhiên chóng mặt, ngã, một nửa người không cử động được, méo mồm, nói ngọng; nếu nặng thì bất tỉnh hôn mê. Bệnh cũng thường xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh nên gọi là “Trúng phong” hay “Thốt trúng”.

Trong y học hiện đại, TBMMN là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 sau ung thư và bệnh tim mạch. Các triệu chứng thần kinh khu trú hay gặp bao gồm liệt vận động, liệt cảm giác nửa người, thất ngôn… Tỷ lệ tử vong của TBMMN chiếm khoảng 25%, hậu quả của TBMMN để lại di chứng nặng và nhẹ là 50%, khả năng phục hồi làm việc lại bình thường khoảng 25%.

Y học cổ truyền chia thành 2 thể: Trúng phong kinh lạc và trúng phong tạng phủ.

Vị trí các huyệt.

Vị trí các huyệt.

Trúng phong kinh lạc

Thường gặp trong co thắt mạch não, nhồi máu não và xuất huyết não mức độ nhẹ: Liệt nửa người không có hôn mê, liệt mặt, thoáng mất ý thức, hoa mắt, chóng mặt, mạch huyền tế sác thuộc âm hư hỏa vượng. Nếu chân tay co quắp, miệng sùi bọt, cử động lưỡi khó khăn, rêu lưỡi trắng dày, mạch phù hoạt hoặc huyền hoạt thuộc chứng phong đàm.

Trúng phong tạng phủ: có thể gặp chứng bế hoặc chứng thoát.

Thường gặp trong xuất huyết não, nhồi máu não ổ lớn, có hôn mê. Chứng bế thể liệt cứng do dương khí thịnh, bệnh ở tại tạng tâm và can, hai tay nắm chặt, co quắp, hàm răng nghiến chặt, thở khò khè, mắt đỏ, người nóng, chất lưỡi vàng, không ra mồ hôi, rêu lưỡi vàng dày, mạch hoạt sác hữu lực.

Chứng thoát thể liệt mềm: hôn mê, mồm há, chân tay mềm duỗi, đái dầm dề, ra mồ hôi nhiều, sắc mặt trắng bệch, chân tay lạnh, lưỡi nhạt, mạch tế sác, trầm tế muốn mất.

Sau khi bị trúng phong, bệnh nhân còn lại di chứng trúng phong: chủ yếu là bán thân bất toại biểu hiện thượng hạ chi của bán thân bên trái hoặc bên phải tê dại, giảm hoặc mất cử động, giảm cảm giác đau, nóng, lạnh, tay không còn cầm nắm được, chân không đi lại được. Các phương pháp không dùng thuốc của y học cổ truyền  phục hồi di chứng tai biến mạch mão não cụ thể như sau:

Phương pháp châm cứu

Huyệt ở tay: Kiên ngung, Kiên tỉnh, Tý nhu, Khúc trì, Hợp cốc, Bát tà, Nội quan...

Huyệt ở chân: Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Âm lăng tuyền, Huyết hải, Túc tam lý, Phong long, Tam âm giao, Giải khê, Thái xung, Hành gian, Bát phong...

Huyệt ở vùng đầu mặt cổ: Bách hội, Hạ quan, Giáp xa, Địa thương, Thượng liêm tuyền, Thiên đột...

Phương pháp điện châm

Tư thế bệnh nhân nằm ngửa hoặc nằm nghiêng.

Mỗi ngày châm một lần, thời gian lưu kim: 25 - 30 phút.

Liệu trình điều trị: từ 30 - 45 lần châm, tuỳ theo mức độ bệnh, sau đó có thể nhắc lại một số liệu trình tiếp theo.

Phương pháp thủy châm

Thường dùng các huyệt như: Giáp tích tương ứng với chi liệt, Kiên ngung, Thủ tam lý, Phong thị, Túc tam lý, Thừa sơn, Dương lăng tuyền, Giải khê.

Thường sử dụng vitamin B1, B6, B12 liều cao, các thuốc tăng cường tuần hoàn não, tăng cường dinh dưỡng thần kinh để thủy châm vào một số huyệt.

Xoa bóp bấm huyệt và tập luyện là biện pháp không thể thiếu khi chữa di chứng trúng phong, đặc biệt đối với tình trạng bán thân bất toại trong giai đoạn phục hồi di chứng.

Xoa bóp vùng đầu mặt, lưng và tay chân, trọng tâm là bên liệt.

Tập luyện là một nội dung rất quan trọng trong phục hồi chức năng. Tiến hành cho bệnh nhân tập sớm từ thụ động đến chủ động tùy theo tình trạng của bệnh nhân.

Phòng bệnh

Tuân thủ điều trị, theo dõi sức khỏe định kỳ để đề phòng tai biến tái phát; Kiểm soát yếu tố nguy cơ; Có chế độ sinh hoạt, làm việc và tập luyện đều đặn; Phòng tránh các yếu tố bất lợi: gắng sức, stress,...


TS. Trần Thái Hà
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn