Dấu chân ai trên chiến trường Thành cổ

26-07-2008 09:48 | Thời sự

Trên gác hai Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện nay có căn phòng giản dị được gắn tấm biển gồm năm chữ: "Kho di vật liệt sĩ".

Phóng sự của Lê Minh Thắng

Trên gác hai Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị hiện nay có căn phòng giản dị được gắn tấm biển gồm năm chữ: "Kho di vật liệt sĩ". Hằng ngày đằng sau cánh cửa căn phòng ấy có hai cô gái miệt mài gỡ những lớp gỉ sét, bùn đất rồi lau chùi, đánh số hiệu, ghi chép, gói ghém cẩn thận từng di vật với hy vọng có thể xác định được tên tuổi, địa chỉ của một người nào đó trong số hơn 10.000 chiến sĩ đã chiến đấu và ngã xuống trong 81 ngày đêm mùa hè lửa năm 1972 tại chiến trường Thành cổ.
Du khách hằng ngày dâng hoa, dâng hương tại Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị.

Một chiếc dép nối quai...

Chị Nguyễn Thị Sáu học chuyên ngành bảo tồn bảo tàng là một trong hai cô gái làm việc tại kho di vật liệt sĩ. Sáu đeo kính cận, ngồi quay lưng lại với bạn. Hai mái tóc con gái cúi đăm đăm về hai phía, thi thoảng mới lắc lư nhè nhẹ như thể hai người đang giận dỗi nhau. Bỗng mái tóc cắt ngắn của Sáu chao nghiêng sang một bên cùng với tiếng nói như reo: "Anh này giỏi. Khéo tay quá. Coi đây!" Trên tay chị là một chiếc dép cao su vừa rã hết đất, hai quai chéo đằng trước, có một quai bị đứt ở chỗ mài được nối với nhau bằng cách chập hai đầu lại rồi đột chỉ khâu thành hình chữ nhật. Chị Trần Thị Ly chuyên ngành lịch sử lật đi lật lại chiếc dép và tinh nghịch: "Cỡ chân... con gái nhá! Tiết kiệm gớm, đi mòn vẹt má ngoài lòi cả bố. Nhưng, ơ hay, dép phát đâu nhỉ?". Sáu buông tiếng thở dài... Có lẽ quà kỷ niệm!

Chị Sáu, chị Ly cùng phỏng đoán chiếc dép cao su cắt từ lốp xe này có thể được mang đi từ quê nhà... 36 năm trước, trong 81 ngày đêm (từ 28/6 - 16/9/1972), với 2.244 lần máy bay oanh kích, Mỹ - ngụy đã dội xuống Thành cổ Quảng Trị 328.000 tấn bom, trên 615.000 viên đạn pháo mặt đất và trên 600.000 quả hải pháo. Các chuyên gia quân sự tính sức công phá số bom đạn đó bằng 7 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản. Một tòa thành thị xã mà chu vi lên tới 2.160m ngày ấy chỉ sót lại Trường tiểu học Bồ Đề là không đổ sụp, còn tất cả đều tan theo vô vàn nghi ngút khói bom. Khốc liệt là thế, hoang tàn là thế và cũng bi hùng là thế... Để rồi 36 năm sau, hai cô gái làm công việc bảo tồn bảo tàng ngay trên mảnh đất thấm đẫm sự kiện này sững sờ vì một chiếc dép nối quai mà bom đạn đã không giật đứt nổi mấy đường kim mũi chỉ! Sáu mân mê chiếc dép trên tay, miệng mấp máy như chỉ nói với chính mình: "Chiếc dép nguyên vẹn ở đây, còn chiếc nữa ở đâu?". Chị bộc bạch với bạn, rằng ước chi có người nhận mình chính là người đã xe chỉ luồn kim, cũng là người đã tặng dép nối quai cho người mang theo ra trận... Trong số hơn 10.000 người trai trẻ năm xưa, ai từng mang đôi dép nối quai nặng trĩu ân tình quê hương trong hành trang ra trận rồi để lại trong lòng đất Thành cổ?

"Những nắm cơm tiếp sức hằng ngày cho bộ đội giữ thành Quảng Trị".Ảnh: Đoàn Công Tính

Và hàng trăm di vật liệt sĩ

Kho di vật liệt sĩ Bảo tàng Thành cổ hiện có hàng trăm di vật, hầu hết đều được tìm thấy trong quá trình xây dựng các công trình công cộng hoặc người dân đào xới đất đai, xây dựng nhà cửa trên địa bàn thị xã Quảng Trị. Do bị vùi lấp dưới lòng đất quá lâu nên việc bảo quản, phân loại, xác minh, tìm kiếm thông tin và ghi lý lịch chi tiết cho từng hiện vật gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài việc phục vụ trưng bày, những người làm công tác bảo tàng hy vọng du khách tham quan, nhất là đồng đội và thân nhân liệt sĩ sẽ tình cờ "nhận mặt" được di vật nào đó để có thể lần tìm, xác định tên tuổi, địa chỉ của các anh hùng liệt sĩ. Anh Nguyễn Quang Chức, Phó Ban quản lý di tích và danh thắng Quảng Trị vui mừng nói: "Kho di vật liệt sĩ mặc dù mới hình thành nhưng trong năm vừa qua đã may mắn tìm được tên cho một phần mộ liệt sĩ nhờ vào nét chữ và tên của liệt sĩ khắc trên bi đông nước".

Cứ mỗi ngày trôi qua, hai cô gái Sáu và Ly lại cần mẫn với công việc của mình trong kho di vật liệt sĩ. Để rồi từng khắc thời gian, từng ngày, từng tháng lại có thêm những phút suy tư thầm lặng, những day dứt, nỗi đau, niềm vui, niềm hy vọng đan xen với ký ức vang rền về một thời máu lửa... Thành cổ thiêng liêng trước hết bởi những sự tích anh hùng của bao chiến sĩ vô danh và nụ cười, xương máu tuổi đôi mươi đã vĩnh viễn hóa thân vào sông nước, cỏ cây Thành cổ. Đã trăm ngàn lần trong đầu chị Sáu, chị Ly tái diễn một câu hỏi chờ lời giải đáp: Di vật này của ai, và ai đã để lại di vật ấy khi ngã xuống trên chiến trường Thành cổ?

Chiến tranh đi qua 81 ngày đêm mùa hè năm 1972 như một cơn bão lửa. Sông Thạch Hãn và Thành cổ Quảng Trị đã trở thành những tượng đài liệt sĩ thiêng liêng và vĩnh viễn trường tồn trong tâm khảm đồng bào cả nước. Nơi đây mãi mãi là cội nguồn cho những cuộc hành hương ngược dòng lịch sử, cho hết thảy những ai muốn chiêm nghiệm về lẽ sống - chết; về sự hiến dâng và sự bất tử. Trong câu chuyện dài của cuộc chiến tranh và cho mãi đến hôm nay, người Quảng Trị vẫn miệt mài tìm kiếm từng hiện vật, từng di vật vốn đã là hành trang cuộc đời của người chiến sĩ. Những cuộc tìm kiếm ấy, trước là sự tri ân với máu xương, hương hồn những liệt sĩ đã vì độc lập tự do của dân tộc ngã xuống trên mảnh đất này, sau nữa là sự thôi thúc về nguồn cội của chủ nhân những di vật ấy, về nơi di vật đã cùng các anh, các chị lên đường và mãi mãi chẳng trở về. Tìm tòi, cố gắng làm sao để những di vật ấy "lên tiếng" là nhiệm vụ và cũng là mệnh lệnh từ trái tim thôi thúc những người như Ly, như Sáu. Thế hệ đi sau như các chị, bằng tất cả tấm lòng, lặng lẽ và tận tụy làm những công việc ấy như những nén tâm hương, vọng lời thành kính dâng lên hương hồn các liệt sĩ.

 Chiếc dép cao su nối quai trong kho di vật liệt sĩ Bảo tàng Thành cổ.

Chiếc dép nối quai vùi trong lòng đất mấy chục năm bây giờ đã nằm cạnh những khẩu súng AK, băng đạn, gỗ ván hầm công sự, băng ca, cuốc chim, xẻng cá nhân, võng bạt, xoong nhôm, thắt lưng da, dép đúc Trung Quốc, bi đông nước, bát sắt, bút máy, dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ y tế... Tất cả, tất cả đều thuộc về 81 ngày đêm ấy! Mỗi lần nhìn tấm ảnh anh chiến sĩ nuôi quân tay nách rổ, tay phát từng nắm cơm nắm cho đồng đội trên miệng chiến hào của nghệ sĩ Đoàn Công Tính tại phòng trưng bày Bảo tàng Thành cổ, tôi chợt nôn nao nghĩ đến cái bát sắt nằm trong kho di vật liệt sĩ... Hạt gạo nắm cơm quê nhà lam lũ đã kịp chuyền qua những bàn tay bụi bặm và chứng kiến một phút sống cuối cùng của người cầm súng trước lúc ngã xuống trên chiến trường Thành cổ...


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn