Dầu cá là loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng (TPCN) có dạng viên nang mềm chứa vitamin tan trong dầu hoặc chất bổ dưỡng gọi là dầu gan cá được dùng nhằm bồi dưỡng sức khỏe. Dầu cá thông dụng hiện nay chia là 2 loại: “dầu cá chứa vitamin tan trong dầu là vitamin A, D” và “dầu cá chứa acid béo omega-3, omega-6”. Hai loại dầu cá này hiện nay được nhiều người mua, đặc biệt mua dùng cho trẻ, nhưng sự hiểu biết về chúng có nhiều hạn chế.
Dầu cá chứa vitamin A, D
Đây là loại dầu cá bổ sung vitamin tan trong dầu. Có 4 vitamin tan trong dầu phải được bổ sung cho cơ thể hằng ngày là vitamin A, D, E, K. Riêng loại dầu cá bổ sung vitamin A, D đáng nói nhất vì đây liên quan đến hai vitamin trẻ con thường bị thiếu hụt và vitamin A và D dùng không đúng dễ bị quá liều gây ngộ độc.
Trong thiên nhiên, vitamin A có nhiều trong trứng, sữa, bơ, gan, thịt động vật. Vitamin A còn được tìm trong thực vật, dưới dạng tiền sinh tố A (còn gọi là bêta-caroten) có nhiều trong các loại rau có màu đỏ, vàng hoặc xanh lục đậm. Đây có thể được xem là các nguồn thiên nhiên bổ sung vitamin A rất tốt cho trẻ và sử dụng các nguồn này thì không bao giờ sợ quá liều. Vitamin A tham gia vào sự tạo ra các mô, da, võng mạc ở mắt giúp thị giác hoạt động tốt, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng. Nếu thiếu vitamin A, trẻ sẽ bị quáng gà, khô mắt đưa đến mù mắt, dễ bị bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt nhiễm khuẩn đường hô hấp, chậm lớn…
Có thể dùng các loại dầu cá nhưng phải dùng với ý thức thận trọng như dùng thuốc
Còn Vitamin D có tên khoa học là calciferol, được cung cấp từ thực phẩm có hai dạng: vitamin D2 hay ergocalciferol hiện diện trong thực vật (trong nấm men và một số loại nấm) và vitamin D3 hay cholecalciferol có trong động vật (nhiều nhất là dầu gan cá biển sâu). Đặc biệt, ở vùng thượng bì của da chúng ta có chứa hợp chất 7-dehydrocholesterol cũng được xem là tiền vitamin D. Khi có tia cực tím của ánh nắng (đặc biệt là UVB có bước sóng 290 - 325nm) chiếu vào da sẽ biến tiền vitamin D thành cholecalciferol tức vitamin D3. Các nhà khoa học ghi nhận, chỉ cần 10 phút để cho hai tay và khuôn mặt lộ ra dưới nắng mặt trời không cần gắt lắm là đủ cho việc tổng hợp vitamin D với lượng cần thiết cho cả một ngày. Vai trò chính của vitamin D là tạo xương bằng cách duy trì lượng canxi và phospho có sẵn trong cơ thể để hóa xương. Nếu thiếu vitamin D, sẽ thiếu chất khoáng cho xương và răng đưa đến còi xương ở trẻ con và nhuyễn xương, loãng xương ở người lớn.
Vitamin A và D là hai vitamin tan trong chất béo và cùng có mặt trong gan một số cá như gan cá thu, cá nhám… nên thông thường bổ sung 2 vitamin này có chế phẩm gọi là thuốc viên dầu gan cá (Cods Liver Oil) cung cấp cùng lúc vitamin A và vitamin D hay thuốc viên vitamin A-D. Người lớn và các bậc cha mẹ muốn cho trẻ uống bổ sung vitamin A, D xin lưu ý mấy điều sau đây để sử dụng thuốc cho hiệu quả tốt nhất:
- Nếu có điều kiện nên tham khảo thầy thuốc khi cho trẻ dùng thuốc, mặc dù là dùng chế phẩm chứa vitamin.
- Nếu dùng quá liều đưa đến thừa vitamin A, có thể gây quái thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ sơ sinh thì bị tăng áp lực sọ não đưa đến lồi thóp, viêm teo dây thần kinh thị giác. Dùng quá liều vitamin D sẽ gây vôi hóa nhau (rau) thai ở phụ nữ có thai, còn trẻ thì bị chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Ở nước ta, đã có nhiều trường hợp trẻ con do uống quá liều vitamin A, D bị tác dụng phụ có hại gây tăng áp lực sọ não, bị lồi thóp phải đưa đến bệnh viện cấp cứu.
- Hằng ngày, trẻ chỉ nên uống lượng dầu gan cá hoặc vitamin A-D tương ứng với 2.500 đơn vị quốc tế (IU) vitamin A và 400 IU vitamin D. Còn người lớn thì không được dùng quá 5.000 IU vitamin A/ngày và 400 IU vitamin D/ngày. Để không quá liều, nên uống theo từng đợt cách quãng, nghĩa là sau khi uống 3 tuần phải ngưng uống 1 - 2 tuần nếu muốn tiếp tục.
- Vẫn phải cho trẻ ăn đầy đủ chất béo (mỡ, dầu thực vật) và cho uống thuốc vitamin A, D ngay sau khi ăn để thuốc dễ hấp thu hơn.
- Không cho trẻ dùng chế phẩm vitamin A, D khi trẻ đã được cơ sở y tế cho uống vitamin A liều cao theo chương trình chống mù lòa ở trẻ do thiếu vitamin A.
Dầu cá chứa acid béo omega-3, omega-6
Omega-3 và omega-6 là 2 loại acid béo được cho là tốt cho tim mạch do người ta nhận thấy người Eskimo hiếm bị bệnh động mạch vành (động mạch vành bị hẹp bít do cặn mỡ) và dân tộc này ăn rất nhiều cá có chứa acid béo omega-3, omega-6. Nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ DHA (viết tắt của docosahexaenoic acid là chất mà acid omega-3 tạo thành trong cơ thể) được bổ sung có thể làm giảm lượng triglycerid máu, làm giảm tỉ lệ bệnh động mạch vành, giảm tỉ lệ bị nhồi máu cơ tim.
Nếu có chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn quá thừa năng lượng như ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia rượu, hoặc người đó đã nhuốm bệnh gọi là rối loạn lipid huyết thì dù uống bao nhiêu dầu cá người đó vẫn bị tăng lipid huyết. |
Dầu cá chứa omega-3, omega-6 hiện nay được lưu hành dưới dạng TPCN. Dùng dầu cá được ghi là TPCN, ta vẫn phải dùng đúng liều lượng theo hướng dẫn thì mới an toàn. Hiện nay có tình trạng nhờ quảng cáo, tiếp thị rầm rộ nên nhiều người cả tin, cứ tưởng TPCN là “thần dược” chữa bá bệnh. Như có người uống “dầu cá” trong suốt cả một năm với hy vọng là giúp “mỡ trong máu” tốt nhưng không ngờ khi khám sức khỏe thì bị rối loạn lipid huyết, tức mỡ trong máu, trong đó có cholesterol tăng cao. Ở đây, đương sự không biết “dầu cá” chỉ có tác dụng hỗ trợ, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu có chế độ dinh dưỡng không tốt, ăn quá thừa năng lượng như ăn nhiều dầu mỡ, uống nhiều bia rượu, hoặc người đó đã nhuốm bệnh gọi là rối loạn lipid huyết thì dù uống bao nhiêu dầu cá người đó vẫn bị tăng lipid huyết.
Tóm lại, để phòng chống bệnh tật ta nên góp phần chống ô nhiễm môi trường, vệ sinh cá nhân thật tốt, dinh dưỡng đầy đủ và đúng cách (tránh ăn uống quá thừa năng lượng, ăn nhiều rau quả, trái cây…), vận động hợp lý và nghỉ ngơi đầy đủ, tránh nghiện rượu, thuốc lá, phòng các bệnh viêm nhiễm, có cuộc sống lành mạnh giúp thư thái, lạc quan, yêu đời. Nếu có điều kiện, có thể dùng các loại dầu cá nhưng phải dùng với ý thức thận trọng như dùng thuốc (dùng đúng cách, dùng đúng liều lượng) cũng như không nên gán tác dụng gọi là “thần kỳ” cho dầu cá hay bất cứ loại TPCN nào.