Đừng dâng lên thần linh 1 cách đầy xúc phạm!
"Việc đặt tiền lẻ vào tay tượng, thậm chí đút cả vào miệng tượng là một hiện tượng cực kì xúc phạm tín ngưỡng và phản văn hóa" – GS Ngô Đức Thịnh bức xúc.
![]() Hình ảnh một bức tượng tại chùa Bái Đính bị đút tiền lẻ vào miệng. |
Trở lại với truyền thống xưa, việc tiền công đức và tiền giọt dầu là một việc làm đẹp và có văn hóa. Người xưa đến chùa bỏ tiền công đức vào đúng nơi, tiền giọt dầu thì để lên đĩa và trao cho nhà sư của chùa một cách thành kính.
Còn ngày nay tôi thực sự đau lòng khi đến nhiều nơi thấy tiền trải đầy ra đất dày đến chục phân. Sự thành kính với các thần linh ở đâu? Và tại sao họ lại không đưa trực tiếp cho các vị sư ở chùa mà phải nhét tiền trực tiếp vào tượng như vậy?
![]() GS Ngô Đức Thịnh: Lễ hội, đền chùa là nơi để đến học và tìm thấy nét văn hóa của dân tộc. |
Phải để người dân hiểu, không nên cấm ngay
Việc đi chùa là một nét đẹp văn hóa nhưng nay đã xuất hiện nhiều hiện tượng phản văn hóa như vậy theo tôi nằm ở hai vấn để. Đó là ý thức của người dân và chủ thể những nơi thờ tự.
Người dân trong xã hội hiện nay đang thực sự có nhu cầu tâm linh rất lớn nhưng họ đến chùa trong khi tâm thế và sự hiểu biết về tín ngưỡng văn hóa mà họ đang làm là không có. Thời xưa việc đi chùa, đi đền… đều được các cụ quy định rất rõ về việc đi lại, hành động ra sao thì ngày nay người dân hầu như không còn ai được dạy cái đó.
![]() Dâng tiền bằng cách đặt vào tay tượng, nhét vào miệng là một sự xúc phạm ghê gớm tới thần linh, phong tục tín ngưỡng và văn hóa của người Việt. |
Người dân đang đến với lễ hội dường như chỉ để là cầu tài, cầu lộc nhiều hơn là việc đi lễ hội để biết những ý nghĩa văn hóa xâu xa và hướng thiện mà ông cha đã thầm gửi gắm trong đó. Tôi thấy rằng ngày nay các lễ hội lớn đã mất đi phần lớn điều này và chỉ còn giữ lại ở một vài nơi trong các hội làng nhỏ.
Cứ đến mùa lễ hội tôi lại thấy đau lòng khi nhiều người thấy bát hương mà lao đến như con thiêu thân để vái lạy, cầu đủ thứ mà không hiểu họ đang lạy ai.
Tình trạng này có thể giải quyết theo tôi không phải là ở các cơ quan quản lý nhà nước mà chính là chủ thể của lễ hội, mà người quan trọng nhất chính là những vị sư trụ trì các ngôi chùa, những ông chủ đền.
Hãy thử nghĩ khi chính những vị trụ trì chùa và chủ đền yêu cầu người dân không đốt vàng mã và giải thích theo đúng quan niệm Phật giáo thì liệu người dân liệu có không dám tuân theo?
Lâu nay chúng ta quản lý nhưng chưa thực tin và tôn trọng những người làm chủ nơi tín ngưỡng thờ cúng. Tôi đã gặp rất nhiều người và họ đều có chung ý kiến rằng: “Nếu nhà nước quy định và nhờ họ làm, họ đều sẵn sàng làm theo nếu đúng theo tín ngưỡng văn hóa và có lợi cho lợi ích chung của xã hội. Có những điều có lợi cho họ, nhưng không phải cái gì cứ có lợi thì họ làm".
![]() Đến bao giờ những hình ảnh thế này sẽ kết thúc khi chính chủ của những nơi thờ cúng bỏ lỏng không tuyên truyền và nói cho người dân hiểu. |
Còn cấm, tôi cho rằng không cơ quan nhà nước nào có thể cấm một cách triệt để khi người dân chưa hiểu. Có rất nhiều nơi xin nói thẳng là người đến cúng họ nộp luôn tiền cho những ông chủ đền tiền phạt nếu đoàn kiểm tra đến. Tiền nộp sẵn rồi, họ làm thoải mái những gì họ muốn và cho là đúng.
Cứ như vậy pháp luật sẽ ngày càng bị nhờn trong ý thức của người dân và đôi khi chính những lệnh cấm như vậy lại càng tiếp tay cho một số lớp người trục lợi.