
Huyện Ninh Giang có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh: Đ.Tùy.
Hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú
Cùng với các huyện, thị xã, thành phố khác của tỉnh Hải Dương, huyện Ninh Giang là mảnh đất giầu truyền thống lịch sử, văn hoá. Nơi đây có hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú, bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.
Đáng chú ý, huyện Ninh Giang có vị trí thuận lợi để phát triển du lịch, khi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Hải Dương, tiếp giáp với các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ, Gia Lộc (Hải Dương); huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) và huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng).
Theo kiểm kê di tích được UBND tỉnh Hải Dương quyết định phê duyệt danh mục bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, huyện Ninh Giang có tổng số 306 di tích lịch sử - văn hóa.
Trong đó có 43 đình, 26 đền, 91 chùa, 37 miếu, 7 nghè, 60 nhà thờ họ, 1 văn chỉ, 3 mộ cổ, 1 cầu đá, 14 nhà thờ công giáo, 9 công trình kiến trúc dân dụng cổ truyền, 1 di tích địa điểm cách mạng kháng chiến và 13 các loại khác.
Những năm gần đây, bên cạnh việc bảo tồn, tôn tạo các di tích còn lại, nhiều di tích đã được trùng tu, phục dựng, một số di tích cá giá trị tiêu biểu đã được Trung ương và tỉnh xếp hạng di tích.

Pháo đất Nghĩa An được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Thành Chung.
Cùng với đó, huyện hiện có trên 100 lễ hội truyền thống. Một số lễ hội có quy mô lớn, thu hút số lượng lớn du khách và nhân dân địa phương tham gia như: lễ hội đền Tranh (thị trấn Ninh Giang), lễ hội đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An), lễ hội chùa Trông (xã Hưng Long), lễ hội đền thờ anh hùng dân tộc Khúc Thừa Dụ (xã Kiến Phúc), lễ hội đình Cả (xã Tân Hương), đình Phù Cựu (xã Văn Hội), chùa Sùng Ân (xã Bình Xuyên), đình Đỗ Xá (xã Ứng Hòe).
Bên cạnh đó, trên địa bàn còn một số nghề cổ truyền như: Nghề mộc, chạm khắc (thôn Cúc Bồ, xã Kiến Phúc); nghề làm bánh gai chủ yếu ở thị trấn Ninh Giang và rải rác ở một số địa phương như Tân Hương, Đức Phúc, Văn Hội...
Đến nay, toàn huyện có 34 di tích được xếp hạng (trong đó có 10 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, 24 di tích được xếp hạng cấp tỉnh); 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (gồm: lễ hội truyền thống đền Tranh, lễ hội đình Trịnh Xuyên và nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong).
Những năm qua địa phương tập trung tham mưu và triển khai thực hiện "Đề án phát triển Du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch huyện Ninh Giang, giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch tâm linh, làng nghề và trình diễn nghệ thuật múa rối nước... mang đậm bản sắc, đặc trưng của huyện Ninh Giang.
Cùng với đó, cơ quan chức năng phối hợp tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện đề xuất chủ trương xây dựng dự án: "Phát triển du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch nông nghiệp và làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện". Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch được cấp ủy, chính quyền huyện và các địa phương quan tâm...

Độc đáo múa rối nước Hồng Phong. Ảnh: TL.
Đến nay, huyện có 3 điểm du lịch cấp tỉnh (di tích đền Tranh, di tích đình Trịnh Xuyên, phường múa rối nước Hồng Phong); 4 sản phẩm Ocop thuộc lĩnh vực văn hóa, du lịch (lễ hội đền Tranh, lễ hội đình Trịnh Xuyên, pháo đất xã Nghĩa An và nghệ thuật múa rối nước Hồng Phong).
Công tác tuyên truyền, quảng bá về du lịch được quan tâm đẩy mạnh; hoạt động du lịch tâm linh, trải nghiệm có nhiều khởi sắc, hàng năm đón từ 35.000 đến 40.000 lượt nhân dân và du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái tại các di tích lịch sử, tham dự các lễ hội truyền thống.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Theo ông Nguyễn Thành Vạn – Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang, địa phương có tiềm năng du lịch rất lớn khi hiện tại việc kết nối giao thông, kết nối với các vùng xung quanh được thuận tiện. Trong khi đó, du khách ở các nơi, trong tỉnh về Ninh Giang đều có những điểm phục vụ.
Cùng với đó, trên địa bàn huyện có hệ thống sông ngòi thuận tiện (có tuyến sông Luộc ở phía Nam của huyện, tiếp giáp Hải Phòng), nếu khai thác tốt du lịch đường sông để ngắm cảnh và lên một số điểm thì sẽ thu hút được du khách...

Lễ hội truyền thống Đình Trịnh Xuyên (xã Nghĩa An). Ảnh: P. Nguyên.
Theo chính quyền địa phương, tại huyện Ninh Giang việc du lịch kết hợp với tín ngưỡng dân gian đang có tiềm năng phát triển. Bởi ở đây có hệ thống di tích dày đặc, lễ hội ở xã nào cũng có và có những lễ hội lớn mang quy mô vùng (như lễ hội Đền Tranh, lễ hội đền thời Khúc thừa Dụ, lễ hội Chùa Trông, lễ hội Đình Trịnh Xuyên).
Khi du khách đến với lễ hội, ngoài việc du xuân thông thường, thì có thể kết hợp du lịch tâm linh với văn hóa truyền thống (Múa rồi nước Hồng Phong, tham gia trò chơi pháo đất và biểu diễn nghệ thuật cổ truyền), hay có thể xem diễn xướng hầu đồng ở đền Tranh...
Tuy nhiên, quy hoạch du lịch chất lượng cao của tỉnh Hải Dương mới được ban hành xây dựng và đang được triển khai từng bước. Trong khi đó, trên địa bàn có một số nơi được công nhận là điểm du lịch của tỉnh (rối nước Hồng Phong, pháo đất Đình Trịnh Xuyên, lễ hội Đền Tranh), nhưng những điểm du lịch này cần tăng cường cơ sở vật chất để đáp ứng được nhu cầu (nghỉ lại, ăn uống, mua sắm, trò chơi giải trí, mặt bằng rộng)...thì mới níu được du khách.
Vì vậy để phát triển ngành du lịch đưa du lịch thành nghành kinh tế - ngành công nghiệp không khói có thu nhập cho người dân thì người dân, doanh nghiệp phải tham gia vào chuỗi hoạt động của du lịch, cung ứng các dịch vụ (ăn, nghỉ, chơi) – những vấn đề này huyện Ninh Giang chưa có.
Hiện nay khách du lịch về tham quan tại huyện Ninh Giang có thể đi theo nhiều tuyến đường khác nhau (đường bộ, đường thủy). Nếu đi tàu thủy (sông Luộc), du khách lên khu vực thị trấn Ninh Giang, sau đó thăm làng nghề mua sản phẩm bánh Gai. Tiếp đó mọi người đi lễ đền Tranh và di chuyển lên xã Hồng Phong xem Múa rối nước; sau đó có thể di chuyển lên khu vực Đảo cò Chi Lăng Nam (huyện Thanh Miện).
Cũng theo ông Vạn, ở huyện Ninh Giang có những điểm di tích mà nhiều nơi không có. Cụ thể trên địa bàn có 2 địa điểm Bác Hồ về thăm ở xã Hồng Dụ và xã Hiệp Lực. Từ Đền Tranh có thể di chuyển lên tượng đài Bác Hồ (xã Hiệp Lực) để dâng hương, vừa tưởng nhớ công ơn Bác, vừa có thể báo công, tổ chức đi du lịch và cũng thực hiện nhiệm vụ chính trị. Sau đó kết nối với Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở xã Hồng Dụ. Đây là những lợi thế có thể xâu chuỗi được, nhưng làm gì để du khách đến đó thì các địa phươmg hiện chưa làm được trong việc quảng bá, giới thiệu.
Hiện tại, điểm nhấn duy nhất ở huyện Ninh Giang là đền Tranh và Múa rối nước. Đáng chú ý, múa rối nước chủ yếu là khách nước ngoài, còn du lịch ở các di tích phần lớn là khách trong nước.
Trước thực trạng trên, trong thời gian qua, huyện Ninh Giang luôn quan tâm đến việc phát triển vấn đề này. Điều đó thể hiện trong việc hoàn thiện các thủ tục để được công nhận các điểm du lịch. Tuy nhiên, vào thời điểm này chuẩn bị kết thúc hoạt động cấp huyện và những điểm du lịch này sẽ được giao về từng xã.
"Thời gian tới khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện thì sẽ bàn giao về cấp xã, cho nên tôi hi vọng, các chương trình, kế hoạch trước đây của tỉnh Hải Dương đã đặt ra, sẽ tiếp tục được triển khai sau khi Hải Dương sáp nhập với TP Hải Phòng.
Với một sự kết nối tiếp theo với các điểm du lịch khác của Hải Phòng và sự quan tâm của thành phố tới đây, tôi tin sẽ có một diện mạo mới đối với sự phát triển du lịch của đất Ninh Giang và sự kết nối giữa các xã mới có những di tích lớn, có điểm du lịch lớn, danh thắng ...", lãnh đạo huyện Ninh Giang mong muốn.
Đức Tùy