Đại tá Phan Gia Liên: Tôi viết những gì ám ảnh mình

27-09-2009 06:26 | Văn hóa – Giải trí
google news

Alô cho bà để xin cuộc gặp sau khi xem vở mới của bà dàn dựng trên sân khấu nhà hát Tuổi trẻ, sau chút ngập ngừng bà "chốt" lịch hẹn vào sáng hôm sau tại nhà.

Alô cho bà để xin cuộc gặp sau khi xem vở mới của bà dàn dựng trên sân khấu nhà hát Tuổi trẻ, sau chút ngập ngừng bà "chốt" lịch hẹn vào sáng hôm sau tại nhà. Tôi ngỡ ngàng khi tới ngôi nhà lớn trên phố Yết Kiêu và được biết bà là phu nhân của vị Thứ trưởng thường trực Bộ Công an. Mọi thứ trong nhà, từ bộ sa lông cỡ lớn đến bộ ấm trà nhiều ly tách xếp ngay hàng thẳng lối trên bàn cùng sự bài trí hai pho tượng của hai vị tướng nhà Trần trong tư thế oai phong khiến căn phòng trở nên trang nghiêm. Chủ nhân ngôi nhà dù đã tuổi lục tuần nhưng vẫn còn mang dáng vẻ sắc sảo, linh lợi của một người vốn là cán bộ trinh sát.

Vẫn mang tác phong của cán bộ công an, phút gặp mặt ban đầu, bà đề nghị tôi cho xem thẻ nhà báo. Khi đã yên tâm là nhà báo "xịn" thì "ngài" đại tá cởi mở vô cùng. Vì những lý do khác nhau, không ít người đã biết đến đại tá Phan Gia Liên. Cha bà là Phan Trọng Tuệ, từng là Tư lệnh trưởng đầu tiên của binh đoàn Trường Sơn 559, Thứ trưởng Bộ Công an, rồi sau đó là Phó thủ tướng. Trở thành cán bộ của lực lượng công an nhân dân như là cái nghiệp của bà. Bố bà trước khi quyết định vào Nam tham gia chiến đấu, ông đã gửi người chị gái của bà vào quân đội, còn cô gái út vào ngành công an. Từ tuổi 17 đã gắn bó với ngành công an, mặc dù chưa hiểu gì, nhưng ngay từ khi đó bà đã xác định phải đi theo con đường của bố.

Là một trong 300 cán bộ  được tuyển chọn trong lực lượng công an các tỉnh phía Bắc, cùng 150 học sinh tham dự khóa đại học an ninh đầu tiên ở trường C500 - nơi mà ngày đó địch gọi là trường đào tạo biệt kích. Sau khóa học, bà được phân công về làm trinh sát kỹ thuật, cùng đồng đội tham gia phá nhiều chuyên án: chuyên án CM12, chuyên án về liên đảng của Hoàng Việt Cương, chuyên án phá vụ đưa tiền giả vào Việt Nam, rồi cả những chuyên án lớn như Tân Trường Sanh, Năm Cam... Hơn ai hết, bà hiểu rằng trong cuộc đấu tranh chống tội phạm để bảo vệ an ninh quốc gia, ổn định đời sống nhân dân, công an luôn là lực lượng tiên phong, thực hiện những nhiệm vụ cụ thể, có những nhiệm vụ không chỉ bản thân mà cả vợ con, người thân, bạn bè cùng phải gánh chịu hậu quả.

  Mấy chục năm trong ngành công an, vốn liếng nghề nghiệp, kinh nghiệm cuộc sống và cả nỗi ám ảnh về sự hy sinh thầm lặng của đồng đội thôi thúc bà cầm bút. Theo bà, việc bà viết không phải ngẫu hứng mà từ ý thức, từ sở nguyện chứ không bị chi phối bởi bất kỳ mục đích nào khác. Bà muốn nói được phần nào đó sự đóng góp của lực lượng công an, đặc biệt về nghề tình báo để không những nhân dân, mà cả cán bộ trong ngành hiểu được và tự hào về những chiến công mà chính mình  và đồng đội đã làm nên.

  4 - 5 năm trở lại đây, ngành sân khấu xuất hiện một cây bút mới liên tục cho ra đời những kịch bản viết về lực lượng công an, được nhiều đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp đưa lên sàn diễn. Bắt đầu là Đối đầu, sau đó là Quyết định sinh tử, Tình xưa, Đối diện, Quân bài định mệnh, Những trái tim thầm lặng... Phan Gia Liên được coi là "tác giả trẻ" mặc dù tuổi đời không còn trẻ. Sứ mạng của một cán bộ công an bà đã hoàn thành xuất sắc và giờ đây bà có quyền nghỉ. Nhưng xuất phát từ tình cảm đối với ngành gắn bó cả cuộc đời mình đã khiến bà phải cầm bút, chỉ với mong muốn xã hội hiểu về lực lượng công an hơn, có sự đồng cảm và từ đó giúp đồng đội bà hoàn thành tốt công việc.

Tự bảo: Tôi chưa học viết kịch, chỉ viết một cách chân thật những chuyện về đồng chí của mình với ngồn ngộn tư liệu thực tế. Nhưng người phụ nữ sắc sảo và cá tính mạnh mẽ này đã đến với nghề viết một cách tự tin và đầy quyết tâm. Không giống như bao người phụ nữ khác viên  mãn với công việc, với nền tảng gia đình và có người chồng thành đạt, khi có thời gian cầm bút thường ghi lại chuyện nhân tình thế thái như một thứ hồi ký. Nhưng với đại tá Phan Gia Liên - nguyên cớ để bà cầm bút có ý định rõ ràng và đề tài mà bà lựa chọn cũng rất riêng khác - những câu chuyện mà bà đã lưu vào ký ức mình suốt gần 40 năm hoạt động. Trải qua nhiều công việc như  trinh sát, tổ chức, công tác Đảng nên bà may mắn có điều kiện tiếp cận với các hồ sơ, tiếp cận với những người trực tiếp tham gia vụ án, vì thế mà cả những chuyện ngoài vụ án, những điều không được ghi trong báo cáo bà cũng có điều kiện biết được.

Có một điều lạ là, dù trước đó chưa hề có duyên nợ với văn chương, nhưng với một người đàn bà hơn 50 tuổi mới bắt đầu cầm bút, mọi chuyện với bà lại không mấy khó khăn. Hết vở kịch này rồi vở kịch khác ra đời, tới nay bà đã có tới 11 kịch bản - một con số không nhỏ với một tác giả không chuyên  trong thời gian chỉ 4 - 5 năm. Bà lý giải về những nội dung mà mình đề cập trong các kịch bản rằng: Tôi chỉ viết những điều mình biết, những gì mình trải nghiệm và những gì ám ảnh mình. Vì thế trong các vở kịch viết về ngành công an, bà chỉ viết về số phận của những con người tham gia vụ án chứ không tường thuật vụ án. Cái cách lựa chọn đi vào khai thác số phận nhân vật làm cho câu chuyện kịch xúc động và hấp dẫn hơn.

Cảnh trong vở kịch Những quân bài định mệnh.

Nhà hát Tuổi trẻ hiện đang diễn vở Những trái tim thầm lặng của bà. Câu chuyện trong kịch được xây dựng trong bối cảnh đất nước chiến tranh cho đến ngày giải phóng 30/4/1975. Nhân vật chính là giáo sư Hà - một chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch. Là chiến sĩ tình báo hoạt động đơn tuyến, ông tự nguyện rời xa gia đình hạnh phúc ở Pari, về miền Nam Việt Nam hoạt động.

Viết về công an đã khó, nhưng viết về ngành tình báo lại càng khó hơn bởi có nhiều điều không khai thác được. Có lẽ vì thế mà nó còn là khoảng trống đối với các tác giả biên kịch chuyên nghiệp. Bà bảo: nhân vật tình báo thật của ngành chúng tôi không hiếm, nhưng tình báo công an có đặc thù riêng, không có chiến tuyến, hoạt động âm thầm lặng lẽ. Vụ án có thể kết thúc nhưng những nhánh của nó vẫn phải tiếp tục. Bà kể: như vụ CM12, đối phương đưa tới 18 tuyến xâm nhập vào Việt Nam, sau khi phá vụ án trong vòng 7 năm, ta đã phát hiện hơn 100 tổ chức gián điệp cài lại. Đến khi phá được các tổ chức trong nước thì lại phải phá tiếp các tổ chức  dính líu ở nước ngoài. Vì thế có những đồng chí hoạt động tình báo, đến khi hy sinh vẫn chưa được nhắc tới hoặc có những người phải âm thầm chịu đựng điều tiếng vì người hoạt động cùng đã hy sinh... Đau đáu với những điều đó, nhưng không phải lúc nào cũng được phép nói ra tất cả. Năm nay, nhân dịp ngày thành lập ngành (19/8), lực lượng tình báo là đơn vị được phong anh hùng, được phép của Bộ Công an, bà đã kịp thời có vở kịch mới để ca ngợi, tôn vinh sự hy sinh lớn lao của họ.

  Vở kịch mang ý nghĩa tôn vinh nhưng hoàn toàn dựa trên thực tế. Nguyên mẫu trong kịch 70 % là sự thật, là người trong ngành nên bà hiểu dù hư cấu thì vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đúng nghiệp vụ và pháp luật. Vở Những trái tim thầm lặng ra mắt, được anh em trong ngành đón nhận bà rất vui vì đã phần nào giúp nhân dân chia sẻ và cảm thông với công việc của đồng đội.

  Trong cuộc sống, ai rồi cũng muốn tự tìm cho mình ý nghĩa về sự tồn tại  trên đời để sống thanh thản. Đại tá Phan Gia Liên sau quãng đời binh nghiệp lại dấn thân vào công việc không mấy an nhàn, nhất là đối với phụ nữ. Nhưng bà lại  bảo cầm bút bà thấy vui và hạnh phúc. Dường như "tác giả trẻ" này chưa muốn dừng ở đây. Không chỉ viết kịch, bà còn làm thơ và nhiều bài thơ của bà  đã được phổ nhạc. Không hiểu sao tôi tin rằng, một người đàn bà năng động, nhạy cảm và tự tin như bà, đã từng trải nghiệm trong cuộc sống sẽ còn nhiều thành công ở cuộc dấn thân mới mẻ này.

Tố Lan


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn