TAND TP Hà Nội vừa ra quyết định mở phiên sơ thẩm xét xử Nguyễn Lộc An, cựu Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, về tội "Nhận hối lộ".
Trong vụ án này, Nguyễn Tuấn Quỳnh, nguyên Chủ tịch Công ty Long Hưng, bị truy tố tội "Đưa hối lộ". Các bị can Trần Trác Việt Đức, Giám đốc Công ty Bách Khoa Việt và Kế toán trưởng doanh nghiệp này là Đỗ Thị Tuyết Nga bị cáo buộc tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Phiên tòa dự kiến diễn ra vào ngày 6/5, kéo dài nhiều ngày. Hội đồng xét xử gồm 5 người do thẩm phán Đặng Mạnh Cẩm Yến làm chủ tọa.

Ông Nguyễn Lộc An bị cáo buộc nhận hối lộ để cấp phép kinh doanh xăng dầu cho doanh nghiệp. Ảnh: Bộ CA
Trước đó, ông Nguyễn Lộc An đã bị phạt 4 năm tù cũng về hành vi này trong phiên xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ liên quan vụ án xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (Công ty Xuyên Việt Oil).
Theo hồ sơ vụ án, ông Nguyễn Lộc An, cựu Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) bị cáo buộc đã nhận hối lộ số tiền 14,2 tỷ đồng từ Công ty Bách khoa Việt và Công ty Long Hưng để "giúp đỡ" 2 doanh nghiệp này.
Đối với Công ty Bách khoa Việt, bà Trần Thị Loan Phương, Chủ tịch Công ty đã chi 9,2 tỷ sau lời "gợi ý" mua biệt thự của ông An. Sau đó, bà Phương đã nhận thức được sai phạm và chủ động làm đơn tố giác hành vi phạm tội của ông Nguyễn Lộc An.
Tương tự với Công ty Thương mại Dịch vụ Long Hưng, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, Chủ tịch Công ty này nhận được lời "gợi ý" mua nhà và đồng ý chi 10 tỷ cho ông Nguyễn Lộc An. Tuy nhiên, sau đó ông Quỳnh chỉ chi 5 tỷ đồng và đòi lại 5 tỷ từ Nguyễn Lộc An.
Cụ thể, Công ty Long Hưng là doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng dầu FO cho các nhà máy nhiệt điện, tuy nhiên do là thương nhân phân phối nên không thể chủ động trong việc nhập khẩu.
Đến năm 2014, Nguyễn Tuấn Quỳnh nhận thấy, để được chủ động trong việc nhập khẩu, kinh doanh dầu FO, cần được Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu nên đã liên hệ và nhờ Nguyễn Lộc An hướng dẫn thủ tục.
Bị can An trao đổi lại đang tham mưu, đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ ban hành Nghị định quy định về kinh doanh xăng dầu. Sau khi Nghị định được ban hành, Công ty Long Hưng nộp hồ sơ đề nghị đến Bộ Công Thương, sẽ được An giúp đỡ, tạo điều kiện.
Sau khi Nghị định 83/2014 được ban hành, Quỳnh đã trực tiếp liên hệ với các cửa hàng, đại lý để nhờ ký các hợp đồng đại lý với Công ty Long Hưng dưới sự tư vấn, hướng dẫn của An.
Về việc này, Bộ Công Thương cũng lập đoàn kiểm tra doanh nghiệp này, do Nguyễn Lộc An phụ trách. Đoàn chỉ kiểm tra hồ sơ và xác suất một số cửa hàng, đại lý xăng dầu của Công ty Long Hưng nhưng vẫn ký biển bản kiểm tra thực tế đủ điều kiện cấp phép kinh doanh xăng dầu.
Bị can Quỳnh gặp Nguyễn Lộc An tại Hà Nội và được An gợi ý là đang có nhu cầu mua nhà tại khu đấu giá Vườn Đào (quận Tây Hồ) và đề nghị Quỳnh hỗ trợ 10 tỷ đồng để thực hiện việc này.
Bị can Quỳnh thấy An đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty Long Hưng và có quyền hạn kiểm tra điều kiện, để nghị thu hồi giấy phép bất kỳ lúc nào nên đồng ý và chuyển 10 tỷ đồng vào tài khoản của vợ bị can An.
Sau đó Quỳnh tâm sự với vợ việc này và bị phản đối nên trao đổi lại, nói chỉ cho An 5 tỷ còn 5 tỷ cho vay. Do vậy, Nguyễn Lộc An đã trả lại 5 tỷ đồng cho bị can Quỳnh.
Trong vụ án này, ông Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch HĐTV Công ty Long Hưng) bị đề nghị truy tố về tội Đưa hối lộ.
Xem thêm video được quan tâm:
Hình phạt mới trong Bộ luật Hình sự: Tù chung thân không xét giảm án | SKĐS