(SKDS) - Ngày 14/8/2012, PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, vừa cấp cứu thành công trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nặng, nguy cơ tử vong cao do hít phải phân su từ trong bụng mẹ.
Nguy kịch ngay từ khi chào đời
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng thăm khám lại cho bé Bảo Kim trước khi ra viện. |
Đến 16h30, khi phẫu thuật lấy thai đã thấy trên người bé Bảo Kim dính đầy phân su. Nguy kịch hơn, sau sinh 20 phút, bé xuất hiện tím tái, khóc kém, rơi vào tình trạng suy hô hấp nặng và được chuyển ngay xuống khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai hồi 17h.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết, khoa tiếp nhận cháu Bảo Kim trong tình trạng rất nguy kịch, phản xạ của bé gần như không có, co rút lồng ngực, nhịp tim nhanh 180 lần/phút, tím tái, có biểu hiện suy hô hấp nặng. Các bác sĩ nhanh chóng tiến hành cấp cứu như: hút mũi họng, bóp bóng có oxy và cho thở máy. Điều trị tích cực 24h sau thấy tình trạng của bé Bảo Kim vẫn rất nặng và cần phải thở máy với nồng độ oxy cao trên 90% (trong khi bình thường sau 1 - 2 giờ thở máy, nồng độ oxy phải xuống 60%). Các bác sĩ đã cho bé chụp Xquang phổi, siêu âm tim, thóp và kết quả cho thấy bé bị hội chứng hít phân su từ trong bụng mẹ.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết: mặc dù thở oxy nồng độ cao nhưng nồng độ oxy trong máu bé rất thấp, chỉ đạt 2/3 so với yêu cầu. Đặc biệt, bé bị hở van ba lá nặng và áp lực động mạch phổi rất lớn (65mmHg), tăng gấp 3 lần trong khi chỉ số chức năng thất tim bình thường. Điều này càng chứng tỏ bé hít phải phân su quá nhiều nên trao đổi oxy rất khó khăn, bởi các chất hóa học trong phân su làm giảm hấp thu oxy khiến bệnh nhi thở máy không hiệu quả.
Hạnh phúc khi được đón bé Bảo Kim ra viện. |
Điều kỳ diệu
Để cứu bé, các bác sĩ đã điều chỉnh máy thở theo hướng tăng tối đa các thông số để đưa khí vào, tuy nhiên, vẫn phải cần nồng độ oxy cao hơn 90 - 100%. Sau đó, bé được chỉ định sử dụng surfactant – chất làm giãn nở phổi (thường áp dụng với trẻ sinh non) và điều này vô cùng khó khăn với trẻ đủ tháng như bé Bảo Kim (vì ở trẻ đủ tháng, cơ thể đã tiết ra chất này nhưng bị các chất hóa học trong phân su bất hoạt). Khi bơm chất này vào thì giúp phổi bé giãn, nhưng lại lo vì đây là một loại chất đạm bên ngoài đưa vào, phổi bé lại đang bị tổn thương nên nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Sau khi dùng thuốc 1 - 2 giờ, điều kỳ diệu đã xảy ra, nồng độ oxy thở giảm xuống được 40%.
TS. Dũng cho biết: Ngày 23/7, chụp Xquang phổi kiểm tra lại cho kết quả bình thường chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm, nhưng tiếp theo, chúng tôi phải sử dụng kháng sinh để chống nhiễm khuẩn, tiếp tục cho thở máy và chăm sóc dinh dưỡng cho bé. Các y tá điều dưỡng kiên nhẫn cho Bảo Kim ăn từng 0,5ml sữa loại đặc biệt qua đường tĩnh mạch nhưng vẫn có nguy cơ thiếu dinh dưỡng cao. Cứ như vậy, sau 10 ngày liên tục được chăm sóc, theo dõi, điều trị tích cực, ngày 31/7, bé được cai máy thở và được trở về với mẹ.
Dây rốn (rau) quấn cổ - nguyên nhân gây chèn ép dẫn đến tống xuất phân su khi chuyển dạ. |
Đến ngày 14/8, tình trạng bé Bảo Kim đã ổn định, bé tự bú được, các phản xạ đều bình thường và bé đã được xuất viện. Anh Nguyễn Minh Giang, bố của bé Bảo Kim, xúc động nói: sau gần 3 tuần sinh con, lần đầu tiên được ôm con vào lòng, hạnh phúc của cả gia đình tôi như vỡ òa.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cho biết: Hội chứng hít phân su thường gặp ở trẻ già tháng hoặc đủ tháng bị suy thai cấp trong lúc chuyển dạ, việc chẩn đoán rất khó. Thai nhi bài tiết phân su trước khi sinh không phải là hiếm gặp, nhưng không phải trường hợp nào cũng gây ra tình trạng thiếu oxy trước sinh. Hội chứng hít phân su ở trẻ còn xảy ra trong khi sinh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tống xuất phân su trước sinh như: chuyển dạ sinh khó, suy bánh nhau, dây rốn bị chèn ép (dây rốn quấn cổ), suy thai… gây thiếu oxy cho thai, kích thích thần kinh phó giao cảm làm tăng hoạt động ruột, giãn cơ vòng hậu môn và tống xuất phân su vào dịch ối. Theo nghiên cứu trên thế giới, trẻ sinh đủ tháng ở 37-38 tuần thì tỷ lệ bị hội chứng này là 1/1.000 trẻ đẻ sống. Còn ở tuần 39-41 thì tăng lên 2 trẻ, quá 42 tuần thì đến 5 trẻ. Vì vậy, đây là một trường hợp cực kỳ may mắn vì được cấp cứu và chẩn đoán kịp thời. |
|