Cuộc sống mến thương

04-10-2018 14:39 | Y tế

SKĐS - Lấy hết can đảm và nghị lực còn sót lại của một thanh niên mười bảy tuổi nhưng đã nghiện ngập ma túy từ hơn ba năm nay, hắn mới dám bước vào một nơi mà người ta gọi là "Nhà Thương", hắn không biết có nhận được chút ít tình thương nào ở nơi này không, chứ ngay tại nhà mình hắn đã bị bố mẹ và các anh chị em hất hủi xa lánh. Cũng không thể trách gì họ vì hắn đã khiến mọi người tậu mới tivi tủ lạnh đến vài lần trong năm để hắn được "phê" vút tận trời xanh.

Thật ra hắn cũng nghe theo lời bà bán xôi đầu ngõ không dám vào các bệnh viện lớn vì ở đó luôn đông đúc người bệnh, cỡ bệnh như hắn chắc gì đã đến lượt khám, do đó hắn quyết định đến một cơ sở Y tế khiêm tốn nhưng được nhiều người khen ngợi, thậm chí đám bạn bè nghiện ngập của hắn cũng nhắc đến với lời khẳng định “chỗ đó được đấy, tao đánh lộn chảy máu giữa đêm khuya mà họ còn khâu vá nữa là mày chỉ muốn truyền một chai nước khỏe". Thế là hắn đã đến bệnh viện đa khoa quận.

Người hướng dẫn chỉ hắn vào phòng Cấp Cứu. Tuy hắn chỉ xin truyền nước biển nhưng các nhân viên Y tế ở đây khám hắn đủ thứ: nào là quấn cái bao vải gì đó ở cánh tay nói để đo huyết áp, nào là nghe nghe cái gì đó ở trước ngực, thậm chí họ còn vạch tay áo hắn lên để xem hắn chích choác như thế nào nữa. Nói về đẳng cấp thì chắc hắn "chích" siêu đẳng không thua gì mấy cô điều dưỡng chích thuốc. Quả thật, nhìn theo nét mặt của chị điều dưỡng tìm mạch máu mà thấy thật khổ sở bởi vì chúng nó xẹp lép dần dần theo thời gian chích choác đến nỗi hắn ta phải chích thẳng vào háng mới được.

Nhân viên y tế luôn hết lòng vì người bệnh.

Những giọt nước biển chảy chầm chậm, nhỏ từng giọt chậm rãi trong bầu nhựa, hắn nghĩ rồi đây cuộc đời mình chắc cũng sẽ chấm dứt ở những giọt nước biển cuối cùng, như truyện "chiếc lá cuối cùng" mà bà nội hắn đã kể từ lâu lắm rồi. Dân xì ke như hắn thường chỉ thích nơi yên tĩnh vắng vẻ để thả hồn nhưng chỗ này thì kẻ ra người vào liên tục, sao người ta bệnh hoạn gì mà lắm thế.

"..C..Ấ..P..C..Ứ..U.. có người ngưng tim ngưng thở", tiếng của chị điều dưỡng vang lên lanh lảnh khiến hắn giật mình, một người đàn ông xấu số nào đó được đẩy băng ca vào nằm yên bất động, mặt và tay đã tím ngắt trông giống những lúc bọn hắn chích xì ke quá liều vậy. Hắn nghe bà vợ ông ta nói với bác sĩ: ổng bị bệnh thiếu máu cơ tim từ nhiều năm nay, đang ngồi ăn cơm tự nhiên té ngă xuống đất.

Các nhân viên y tế làm việc thật khẩn trương và nhịp nhàng, không ai nói với ai tiếng nào, thỉnh thoảng chỉ nghe ông bác sỹ nói: đặt ống thở, tiêm thuốc gì đó mỗi 3-5 phút một ống, người bóp bóng, người nhấn tim, người chuẩn bị sẵn sàng máy hút và sốc điện... Cứ 15 lần nhấn lại 2 lần bóp bóng, họ làm nhuần nhuyễn như một phản xạ tự nhiên, nhìn những giọt mồ hôi nhỏ dài trên khuôn mặt căng thẳng của họ cũng đủ biết tình hình bệnh nhân tồi tệ đến mức nào rồi 10 phút ... 20 phút ... 30 phút… thời gian trôi qua thật nặng nề và khủng khiếp.

Bà vợ khóc than luôn miệng "Bác sĩ ơi, cứu chồng tôi với". Bỗng nhiên hắn thấy nạn nhân thở hắt co giật lên một cái, không khí trong phòng cấp cứu như bị đốt nóng lên. Thế rồi: "mạch cảnh có lại rồi 120 lần/phút", nụ cười thật tương phản với những gì trước đó trên gương mặt các nhân viên Y tế. Bà vợ cũng ngưng khóc lóc, chạy qua chạy lại, không ngớt miệng cảm ơn Trời Phật phù hộ nhưng không thấy cảm ơn những ân nhân vừa cứu sống chồng mình dù chỉ nửa lời. Lại nghe tiếng còi xe cứu thương chuyển người đàn ông vừa được cứu sống lên tuyến bệnh viện chuyên khoa.

Còi hụ nghe lanh lảnh và xa dần. Các nhân viên Y tế dọn dẹp dụng cụ và lại tiếp tục đón tiếp những người bệnh nhân khác. Những bệnh nhân mới này đâu có biết rằng những nhân viên Y tế đang ân cần khám bệnh cho họ chỉ mới cách đó ít phút đã toát mồ hôi trong cuộc chiến chống lại thần chết. Mãi quan sát các nhân viên cấp cứu làm việc, chai nước biển treo trên đầu giường của hắn nhỏ gần hết những giọt cuối cùng lúc nào hắn cũng không hay.

Khi chị điều dưỡng lại gần rút kim ra khỏi tay hắn mới chợt nhớ đến chiếc lá cuối cùng của mình, nó rơi từ lúc nào hắn cũng chẳng biết, nhưng kể từ lúc này đây khái niệm "cuối cùng" không còn trong suy nghĩ của hắn nữa. Hắn còn có cả một cuộc đời trước mắt, còn có bao nhiêu người thân xung quanh và nhất là những người áo trắng xa lạ này.

Tại sao trong khi họ cố gắng giành giật lại từng hơi thở cuộc sống, từng phút từng giây, truyền cho hắn từng giọt từng giọt một, chẳng lẽ hắn lại phung phí sức khoẻ và tương lai chính bản thân mình?


BS Huỳnh Bá Tản, Trung tâm Cấp cứu 115, TPHCM
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn