“Cuộc đời ANNA AKHMATOVA”: Giải cuốn sách lớn của văn học Nga

31-07-2009 13:08 | Văn hóa – Giải trí
google news

23/6/2009 là ngày sinh lần thứ 120 của nữ thi sĩ Nga nổi tiếng Anna Akhmatova, nhân dịp này phóng viên Báo Nga đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Alla Marchenko - tác giả cuốn sách "Cuộc đời Akhmatova"

23/6/2009 là ngày sinh lần thứ 120 của nữ thi sĩ Nga nổi tiếng Anna Akhmatova, nhân dịp này phóng viên Báo Nga đã có cuộc trò chuyện với nhà phê bình văn học Alla Marchenko - tác giả cuốn sách "Cuộc đời Akhmatova" - cuốn tiểu sử duy nhất đã lọt vào vòng chung khảo giải thưởng văn học quốc gia Nga "Cuốn sách lớn" năm nay. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 Anna Akhmatova.

- Bà đã viết tiểu sử các nhà thơ như Mikhail Lermontov, Sergey Esenin. Tại sao tiếp theo họ lại  là Akhmatova, chứ không phải một người nào khác?

- Ở Nga người ta quen thế này: nếu như ai đó nghiên cứu Thế kỷ bạc thì đầu tiên anh ta viết về Akhmatova, sau đó về Tsvetaeva, rồi đến Mandelshtam... còn tôi chỉ viết về những thi sĩ mà tôi thích. Sở thích này có từ nhỏ. Một thời gian tôi đọc nhiều thơ Blok, sau đó không hiểu sao mất hứng thú. Ở trường đại học tôi nghiên cứu Mayakovsky và... thậm chí không thể viết luận văn tốt nghiệp về ông. Trong trường hợp các thi sĩ mà tôi viết, không phải là vì tôi không thôi yêu mến họ, mà vì không đánh mất hứng thú. Những bài thơ của họ vẫn giữ nguyên sự tươi trẻ  như năm tôi 14 tuổi. Mandelshtam nói về Akhmatova: chỉ có thể xoá thơ của chị ra khỏi đầu tôi bằng con đường phẫu thuật. Cũng như vậy, thơ của Esenin, Lermontov và Akhmatova chỉ có thể bị xóa khỏi đầu  tôi bằng phẫu thuật. Những người khác thì không hiểu sao đến rồi lại đi.

- Cuốn sách của bà có nhan đề "Cuộc đời Akhmatova". Bà có cảm thấy rằng nó sẽ phù hợp hơn với nhan đề "Thơ Akhmatova" không, bởi trong đó bà phân tích lịch sử những bài thơ của Anna Akhmatova - chúng xuất hiện như thế nào?

- Bạn đã nhận xét chính xác rằng tư liệu chủ yếu để nghiên cứu hay truy tìm trong cuốn sách là những bài thơ. Nếu không, có thể đọc cuốn sách như một tác phẩm trinh thám về Akhmatova và những tình nhân của bà. Tôi viết và phân tích cuộc đời  Anna Akhmatova bên cạnh những con người có duyên nợ với bà về thơ ca. Cuộc đời của bà là ở trong thơ và bằng thơ ca.

- Nhiều người thích những bài thơ của Akhmatova về tình yêu, những cảm xúc đầy nữ tính. Và bỗng nhiên bà lại viết một bài thơ như "Khúc tưởng niệm". Cũng về phụ nữ, nhưng ở đây thơ ca mang tính xã hội... Tóm lại là loại thơ ca khác. Thơ trữ tình và thơ xã hội của Akhmatova tác động lẫn nhau như thế nào?

- Ở  Akhmatova không thể tách bạch được gì hết. Bà sống trong một thời đại khi mà lịch sử bước vào mỗi căn nhà. Chỉ bây giờ chúng ta mới có thể nói: tôi không quan tâm chính trị. Akhmatova nói rằng những ấn tượng mạnh mẽ nhất của bà trong tuổi thơ là: thứ nhất, Tsusima (trong chiến tranh Nga-Nhật Hải đoàn Thái Bình Dương thứ hai của Nga đã bị tiêu diệt ở đảo Tsusima - một thất bại nặng nề của quân đội Nga);  thứ hai là khi bà nghe thông báo về vụ tàn sát những người công nhân ngày 9 tháng Giêng. Đối với Anna, cái tin đó như một cú sét đánh ngang tai vì lần đầu tiên bà được biết. Các nhà tâm lý học nói rằng những sự kiện lớn của cuộc đời chúng ta được in dấu trong tuổi thơ chúng ta. Những gì gây cho chúng ta ấn tượng mạnh sẽ được ghi nhớ mãi.

Tuổi thơ của Akhmatova rất vất vả, bà phải trải qua sự nghèo khổ, cái chết của những người thân, bỏ nhà, sống tá túc ở những người quen. Bà không có bạn bè, vì họ thường xuyên chuyển chỗ ở. Thế rồi bà lấy chồng sớm và chồng dẫn bà vào con đường văn học. 

Vào thời điểm đó, Anna từ một cô gái ngốc nghếch biến thành một trong những phụ nữ duyên dáng nhất của Peterburg. Bà không chỉ biết kể về số phận và những mối tình của người phụ nữ mà cả về việc người phụ nữ nhìn nhận thế giới như thế nào. Bà kể về phụ nữ nhiều hơn Lev Tolstoy trong "Anna Karenina".

- Những sự kiện đời sống nào có ảnh hưởng mạnh nhất đối với tác phẩm của Akhmatova?

- Nếu như Lermontov bỗng trở nên nổi tiếng sau khi viết bài thơ về cái chết của Pushkin thì trong cuộc đời Akhmatova mọi thứ cứ đến dần dần. Hồi nhỏ bà làm thơ, rồi huỷ đi. Sau đó chồng bà Gumilyov bỏ đi, bà trở thành người cô phụ, và trong một thời điểm nào đó thơ của bà hoàn toàn thay đổi. Giống như cây hoa nhài: vốn giản dị, bỗng nhiên một ngày trở nên sặc sỡ, lại còn toả hương. Tất nhiên, điều đó được thể hiện trong tác phẩm: cùng với những thay đổi mạnh mẽ trong cuộc đời là nỗi hờn giận vì chồng bỏ đi mà không dám nói ra. Sau đó chính bà nói rằng cần một bước ngoặt thẩm mỹ nào đấy. Thế rồi xuất hiện bài thơ của Innokenty Annensky, người mà về sau bà nói: "Tôi coi ông là thầy của mình".

Về sau tôi đã đọc kỹ thơ của I. Annensky,  cố tìm hiểu xem Akhmatova đã học được gì ở ông. Trong thơ Anna cái chủ yếu, như bà nói, là khả  năng nói rất nhiều điều bằng một vài từ hay một thành ngữ, tôi nghĩ rằng đó là điều bà học được ở Annensky.

Trần Hậu (Theo rg.ru)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn