Cuộc chiến cam go giữ lấy sự sống cho nam phi công: "Thầy thuốc như đi trên dây"

23-06-2020 14:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh viện Chợ Rẫy đã lập nhóm hội chẩn online 24/24 giờ. Khi bệnh nhân nam phi công có bất kỳ dấu hiệu nào, nhóm lập tức được "kích hoạt" bất kể ngày đêm, giờ giấc để đưa ra các phương án tối ưu. Duy trì sự sống cho bệnh nhân như là mệnh lệnh trái tim của tất cả các nhân viên y tế và có lúc "Thầy thuốc như đi trên dây"...

Báo cáo của Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết tình hình bệnh nhân, hiện sức khỏe bệnh nhân tri giác tỉnh hoàn toàn; sức cơ hồi phục tốt, chỉ còn yếu nhẹ hai chân; phổi cải thiện trên 85%, đã ngưng ô xy, thở khí phòng.

Bệnh nhân đã tự ăn uống trên giường bệnh. Theo các chuyên gia, đây là giai đoạn vật lý trị liệu, phục hồi chức nặng, săn sóc vết thương loét và tăng cường dinh dưỡng. Bệnh nhân cần ít nhất 2-3 tuần để phục hồi thể trạng để đảo có thể đi lại an toàn khi  di chuyển.

Tại cuộc hội chẩn quốc gia lần thứ 5 về tình hình sức khỏe bệnh nhân 91- nam phi công đã diễn ra chiều hôm qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: Việc đưa bệnh nhân nam phi công về nước chỉ thực hiện khi đảm bảo đủ các yêu cầu an toàn người bệnh.

Đánh giá về tình trạng bệnh nhân nam phi công, theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn hiện giờ bệnh nhân có đủ điều kiện ra khỏi khoa hồi sức tích sực, bệnh nhân có thể hít thở khí trời, tình trạng cơ lực chân tay đã cải thiện đáng kể.

Bệnh nhan nam phi công được các cán bộ y tế thay nhau đưa ra sưởi nắng mỗi ngày

Tuy nhiên để đảm bảo điều kiện an toàn tốt nhất cho người bệnh, Tiểu ban điều trị đề nghị Bệnh viện Chợ Rẫy tiếp tục sử dụng các biện pháp hồi sức để nâng cao hơn nữa thể trạng trạng đảm bảo để bệnh nhân có điều luyện tập hít thở tốt hơn, đảm bảo dinh dưỡng và tăng cường điều trị vết loét tại khoa Hồi sức tích cực.

Từng là người bệnh COVID-19 nặng nhất, thời gian điều trị dài nhất và để neo sự sống cho ông, cả ngành y tế Việt Nam phải dồn một lực lượng chuyên gia đông đảo nhất. Chỉ với những "cái nhất" này, chắc chắn nam phi công là một bệnh nhân đặc biệt. Sự đặc biệt còn thể hiện ở cái cách mà bệnh nhân này vượt qua "vòng tử sinh".

Quả thật phải nói đây là ca bệnh vô cùng đặc biệt, sự phục hồi vô cùng ngoạn mục. Hành trình điều trị cho bệnh nhân này là câu chuyện dài chưa kể. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, diễn biến bệnh của bệnh nhân ngày một xấu đi, có lúc phổi đã đông đặc đến gần 90%...

"Nhưng rồi điều kỳ diệu đã đến, để đạt được kết quả đáng khích lệ như ngày hôm nay, đơn vị còn lập nhóm hội chẩn online 24/24 giờ. Khi bệnh nhân có bất kỳ dấu hiệu nào, nhóm lập tức được "kích hoạt" bất kể ngày đêm, giờ giấc để đưa ra các phương án tối ưu. "Duy trì sự sống cho bệnh nhân 91 như là mệnh lệnh trái tim của tất cả các nhân viên y tế" – BSCK II Nguyễn Tri Thức – Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định.

Nam phi công người Anh, 43 tuổi, cao 1,83m, nặng 100kg (chỉ số khối cơ thể là 30.1 - có yếu tố béo phì). Bệnh nhân nhập viện điều trị ngày 18/3 tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, trong quá trình điều trị, bệnh nhân bị rối loạn đông máu, mắc hội chứng "cơn bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá giải phóng nhiều cytokine chống lại cơ thể thay vì bảo vệ. Bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này. Bệnh nhân cũng phải sử dụng ECMO từ ngày 6/4.

Bệnh nhân cũng sử dụng nhiều dịch vụ khác như lọc máu liên tục, thở máy... Đến nay, bệnh nhân đã trải qua 97 ngày điều trị tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy

 

Một trong những người trực tiếp chỉ đạo kíp thầy thuốc bao gồm các bác sĩ và điều dưỡng của Khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy góp phần tạo nên sự hồi phục kỳ diệu của bệnh nhân 91 là một phụ nữ. Đó là TTND. PGS.TS Phạm Thị Ngọc Thảo.

Trong cuộc chiến cam go giữ lấy sự sống cho bệnh nhân 91, kíp điều trị đã trải qua nhiều thời khắc quan trọng quyết định sự sinh tồn của bệnh nhân. Đưa ra một quyết định để giữ được sự sống cho bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử là lựa chọn đầy thách thức của toàn bộ ekip.

PGS TS BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Chủ nhiệm Bộ môn Hồi sức Cấp cứu Đại học Y Dược - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đã ví những thời khắc ấy "như thời khắc người diễn viên đang đi trên dây. Chỉ khác rằng, diễn viên bị rơi xuống khi đi trên dây thì sẽ bị đau còn với ekip điều trị, chỉ cần bác sĩ tuột tay thì bệnh nhân sẽ chết".

Vì vậy, áp lực giữ lấy sự sống cho bệnh nhân trong từng thời khắc ấy không chỉ đơn thuần là giữ thăng bằng, khéo léo như người diễn viên xiếc đi trên dây mà còn phải tỉnh táo để đưa ra những quyết định phù hợp ở từng thời điểm…

 

Tình hình điều trị: Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị - Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: đến thời điểm này đã có 328/349 bệnh nhân COVID-19 ở nước ta được công bố khỏi bệnh, chiếm 94% tổng số ca bệnh.

Trong đó 49/50 bệnh nhân mang quốc tịch nước ngoài đã được Việt Nam điều trị khỏi. Hiện chỉ còn bệnh nhân 91 là phi công người Anh đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.

21 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ ổn định. Tính đến sáng ngày 23/6, trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị, theo dõi sức khoẻ tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2;3 bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính 2 lần trở lên với virus SARS-CoV-2. Hiện còn 15 bệnh nhân dương tính với COVID-19.

 

 

Tổng số ca mắc:

- Tính từ 6h ngày 16/4 đến 6h ngày 23/6: đã 68 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

- Tính đến 6h ngày 23/6: Việt Nam có tổng cộng 209 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.

- Tính từ 18h ngày 22/6 đến 6h ngày 23/6: 0 ghi nhận ca mắc mới.



Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 7.157, trong đó:

- Cách ly tập trung tại bệnh viện: 124

- Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 6.159

- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 874




Thái Bình
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn