Cuộc 'cách mạng' của người Đan Lai

SKĐS - Cuộc "cách mạng" ấy diễn ra tại bản làng Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An - vùng ẩn khuất nơi góc rừng âm u giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát. Cuộc "cách mạng" xuất hiện năm 2016 rồi tiếp nối những năm sau, tạo dư âm lan toả cho nhiều bản nơi thâm sơn cùng cốc.

Trăn trở cách đổi mới bản nghèo

Con đường độc đạo vòng vèo dưới mé rừng đến bản Cò Phạt đã khó nay càng vất vả hơn khi những cơn mưa rừng bất ngờ dội xuống giữa trưa nắng. Vừa tới Cò Phạt, ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt cũng vừa rời UBND xã Môn Sơn về. Cả chủ lẫn khách ướt sũng giữa trời nắng chang chang.

Cuộc

Ngôi nhà khang trang của ông Linh một phần do đồng lương của 2 con đi xuất khẩu lao động gửi về.

Trong ngôi nhà còn thơm mùi sơn mới của gia đình ông Linh, có sự góp sức đáng kể của cô con gái thứ ba là La Thị Sài sau hai năm xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út. Câu chuyện của ông Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt chốc lát pha lẫn tiếng cười vui. "Tháng 6/2016, con gái tôi đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út khi 25 tuổi. Hai năm sau nó về lại bản, mang theo bao chuyện đời, chuyện nghề, xen lẫn niềm vui", ông Linh vui vẻ kể.

Nhưng ngày con gái ông rời bản Cò Phạt, đến sân bay Nội Bài thì dân bản xôn xao tin đồn đến nỗi gia đình ông không ngờ được. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, ông Linh nhắc lại tiếng đồn ấy: "Ông Linh Bí thư bản bán con gái rồi. Bản ta đừng ai tin ông Linh nữa".

Con đường bản Cò Phạt cheo leo với bao đèo dốc dựng đứng.

Ngừng một lát, ông Linh nói như muốn dốc hết tâm can: "Nghe vậy, buồn và xót lắm nhưng tôi vẫn điềm tĩnh, bởi việc làm của mình đúng hướng, được xã và huyện giúp đỡ. Vả lại, tôi từng là công an thôn, trưởng bản rồi Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt. Tổng cộng hơn 20 năm làm cán bộ trong bản của mình nên tôi hiểu tâm lý của bà con. Hơn nữa, việc người bản Cò Phạt đi lao động ở nước ngoài là chuyện xưa nay chưa từng có".

Cuộc

Ông La Văn Linh tâm sự về chuyện bị đồn "bán con".

Một lí do nữa khiến ông Linh điềm tĩnh là bởi ông hiểu, người Đan Lai có bản chất chân thực của đồng bào miền núi. Hơn nữa, họ vốn sống biệt lập bao nhiêu năm trời trong rừng sâu, núi thẳm với nhiều hủ tục lạc hậu như tập quán nằm ngủ trên cành cây, ngủ ngồi bên bếp lửa do sợ hổ vồ, phụ nữ thì đẻ… ngồi trong nhà chứ không đến trạm Y tế của Bộ đội biên phòng ngay cổng bản. Khi sinh con xong thì đưa con ra suối nhúng xuống nước sáu, bảy lần để đứa trẻ sơ sinh sớm thích nghi với môi trường sống trong rừng núi. Vì vậy, chuyện con gái ông Linh đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được dân bản xem là chuyện động trời.

Cuộc

Tục ngủ ngồi bên bếp lửa do sợ hổ vồ của người Đan Lai.

Ông lại trầm ngâm: "Dân bản Cò Phạt đã quen lối sống dựa vào rừng để mưu sinh. Họ xem rừng như cái "nôi" che chở cuộc sống của họ. Còn tôi là cán bộ chủ chốt của bản nên biết "thoát" khỏi cái "nôi" ấy để ra ngoài xã, ngoài huyện đi họp, tiếp xúc với nhiều người, nhiều công việc cần thiết khác".

Mỗi lần ra khỏi bản, ông Linh như thức tỉnh trước cái mới trong lao động, sản xuất, trong dịch vụ thương mại đang diễn ra sôi động mỗi ngày. Những cái mới tác động mạnh mẽ vào nhận thức người đàn ông núi rừng. Sau những chuyến đi, những va đập trong ý nghĩ, tâm tư, tình cảm, đã cô đúc, hình thành nên tư duy khiến ông phải hành động kể cả những việc khó.

"Phải tìm cách thức tỉnh tộc người nhỏ bé của mình để họ đổi mới, vượt lên mặc cảm một dân tộc đang suy giảm dân số đến mức báo động dưới 3.000 người. Rời bản đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài là bước tiến sẽ làm nên sự đổi mới đó cho Cò Phạt", ông Linh quả quyết nói.

Từ bản làng đi ra thế giới

Thức trắng hằng đêm với bao suy nghĩ, trăn trở phải làm sao thay đổi được tư duy ăn sâu "bám rễ" của dân bản với lối sống giữa chốn thâm sơn cùng cốc của núi rừng quả không dễ dàng. Thế rồi, một ngày người đàn ông này may mắn được ra khỏi bản làng. "Tôi thường hay nói đây là ngày định mệnh cho tôi và người dân bản Cò Phạt. Nếu không gặp một cơ hội hiếm có này chưa chắc Cò Phạt thay đổi tươi mới như bây giờ", ông Linh vui nói.

Cuộc

Một hội nghị triển khai công tác xuất khẩu lao động tại huyện Con Cuông.

Câu chuyện của ông Linh lại khiến chúng tôi tò mò về "cơ hội hiếm có" này. Ông giãi bày ngay: "Đầu năm 2016, tôi được UBND xã Môn Sơn mời ra thị trấn huyện dự một số hội nghị về triển khai công tác xuất khẩu lao động do huyện tổ chức".

Tại đây, ông Linh mắt thấy, tai nghe giám đốc Công ty Hợp tác Quốc tế New Horizon (Công ty được huyện Con Cuông giới thiệu vào các xã để tuyển lao động làm việc ở nước ngoài) bàn thảo về nhu cầu thị trường lao động nước ngoài, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, tiền lương và một số quyền lợi khác của người lao động.

Ông Linh thốt lên: "Phải làm sao cho dân bản Cò Phạt được đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Đây chính là cái mới, cái khó, cái khác biệt. Nó có thể làm thay đổi bản nghèo Cò Phạt". Sau cuộc hội thảo cuối cùng, ông Linh hào hứng về bản, nghĩ cách vận động bà con tiếp thu thông tin để thực hiện.

Cuộc

Người Đan Lai vốn sống biệt lập nhiều năm trời trong rừng sâu, núi thẳm với nhiều hủ tục lạc hậu.

Đầu tiên, ông đi gõ cửa từng nhà để nói chuyện cùng bà con về hướng làm kinh tế bằng việc xuất khẩu lao động. Thấy dân bản "chưa nghe" lắm, ông nghĩ cách đưa bà con rời những ngôi nhà khép kín của mình, ra hội trường bản họp. Tại hội trường, dân bản nghe ông Linh phân tích hướng làm ăn mới, có lợi cho bản là đi xuất khẩu lao động nhưng nghe rồi, họ bỏ ngoài tai. "Tôi chợt nghĩ, người Đan Lai rất ngại tiếp xúc với người lạ bên ngoài nên nói chuyện đưa con em ra nước ngoài làm kinh tế họ đều gạt phăng", ông Linh nhớ lại.

Ông lại nghĩ mình nói mãi nhưng dân bản không nghe thì phải chuyển cách khác, quyết không bó tay. Ông về nhà nói chuyện với con gái. Con gái nghe xong có vẻ lo sợ vì lần đầu tiên phải rời bản đi thật xa, sợ người ta bắt.

Cuộc

Chị La Thị Sài - một trong những thanh niên người Đan Lai đầu tiên đi xuất khẩu lao động.

Ông Linh đoán biết tâm trạng con gái nên bình tĩnh giảng giải, thuyết phục như cán bộ bản làm công tác dân vận với dân. Ông dẫn chuyện cô giáo La Thị Hằng ở bản Cò Phạt làm giáo viên tiểu học ngoài xã, lấy chồng là anh Vi Văn Thảo, Bí thư đoàn xã Môn Sơn. Cuộc sống của họ đã bừng sáng. Nghe xong, con gái ông gật đầu, ủng hộ. Người con gái đó chính là La Thị Sài. Thấy con ủng hộ, tâm trí ông Linh được giải toả, nhất là khi Sài nói chững chạc: "Con đã hiểu hướng đi rồi. Con sẽ cố gắng, chăm chỉ làm việc để không phụ lòng bố mẹ và để dân bản Cò Phạt thấy rằng, có xuất khẩu lao động mới có đồng tiền trang trải hàng ngày. Cuộc sống nhờ thế sẽ khá hơn nhiều so với việc săn bắt giữa rừng sâu. Với lại mình lao động chính đáng thì chẳng sợ gì".

Cuộc

Ông La Văn Linh kể về chuyện thuyết phục 2 con đi xuất khẩu lao động.

Nhưng một nỗi lo khác liền vây bủa ông khi tháng 6/2016 con gái bắt đầu "bay" mà đồng vốn dành cho con gái vẫn quá eo hẹp. Ông Linh đang định đề xuất lên xã thì có một "nguồn riêng" đã kịp đến. 

Tâm sự của ông Linh dẫn chúng tôi đi tìm hiểu về "nguồn riêng" quý hóa này từ ông Nguyễn Khắc Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Con Cuông.

Ông Sỹ cho hay, lúc tôi đang làm Trưởng phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện, trong quá trình huyện kết hợp xã Môn Sơn làm công tác dân vận, gợi mở hướng xuất khẩu lao động đối với thanh niên bản Cò Phạt thông qua Chi bộ bản thì "nguồn riêng" cũng được hình thành. "Nguồn riêng này là những đồng tiền của cán bộ, nhân viên Phòng Lao động thương binh và Xã hội huyện tự nguyện quyên góp cho người Đan Lai vay với lãi suất 0% để ưu tiên, tạo điều kiện tối đa cho người lao động xuất khẩu thực hiện được chuyến đi quan trọng của đời mình", ông Sỹ nói.

Thế là sau khi con gái La Thị Sài làm việc tại Ả Rập Xê Út thì em trai của Sài cũng đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Sau chị em Sài, bản Cò Phạt có thêm bốn thanh niên con của các ông La Văn Kiệm, La Văn Đoàn và ông La Văn Phú đi lao động ở Ả Rập Xê Út.

Cuộc

Những học sinh Đan Lai tại điểm trường Cò Phạt.

Nhân chuyện vui này, ông Linh cho hay: "Hiện bản Cò Phạt đã có nhiều thanh niên đi làm công nhân ở miền Nam. Có người lấy vợ người Kinh, người lấy chồng thuộc các dân tộc khác ở các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh. Thay đổi lớn nữa là chính lớp trẻ này đã phá vỡ hủ tục hôn nhân cận huyết do trước đây quanh năm sống co cụm trong rừng nên anh em lớn lên chỉ biết lấy nhau. Lớp trẻ này sẽ thay đổi bản làng".

"Điểm tựa của bản làng Cò Phạt"

"Ông La Văn Linh là người có uy tín cao trong cộng đồng tộc người Đan Lai, đã là người uy tín cao thì ông càng gương mẫu. Ông trải qua nhiều vị trí khác nhau trước khi trở thành Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt trong 4 nhiệm kỳ liên tục vừa qua. Ông là người tiên phong đổi mới, đưa người trẻ Đan Lai hội nhập với thế giới sôi động bên ngoài. Cách làm thuyết phục của ông Linh là không chỉ giải thích, vận động bằng lời nói mà còn kết hợp việc làm cụ thể của mình. Đây không chỉ là kinh nghiệm làm dân vận giỏi mà còn là dân vận khéo của một Bí thi Chi bộ một bản đặc thù của một tộc người nhỏ bé giữa đại ngàn.

Ngày 11/6 vừa rồi, ông Linh là một trong 200 đại biểu tiêu biểu toàn quốc về người có uy tín trong cộng đồng và người có thành tích xuất sắc trong thực hiện Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới", được tôn vinh trong Chương trình "Điểm tựa bản làng" lần II do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng kết hợp với Tạp chí Cộng sản tổ chức tại Thủ đô Hà Nội.

(Ông Lê Thanh Hải, Bí thư Đảng ủy xã Môn Sơn)

Người Việt Nam đi xuất khẩu lao động lập kỷ lục mớiNgười Việt Nam đi xuất khẩu lao động lập kỷ lục mới

SKĐS - Năm 2023, số người Việt Nam đi xuất khẩu lao động đạt mức cao nhất từ trước tới nay.

Miền Bắc, Miền Trung duy trì mưa dông, cục bộ có mưa lớn _ SKĐS


Vũ Đồng

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn