Hà Nội

Cột cờ Hà Nội xưa và nay

09-10-2012 10:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

Đã nhiều năm nay, hình tượng Cột cờ Hà Nội đã đi vào trang sách các em thơ, được in ấn trong các tác phẩm văn học, thơ ca, hơn thế nữa đã in đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

(SKDS) - Đã nhiều năm nay, hình tượng Cột cờ Hà Nội đã đi vào trang sách các em thơ, được in ấn trong các tác phẩm văn học, thơ ca, hơn thế nữa đã in đậm trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Vào những ngày lễ, ngày Tết cổ truyền của dân tộc, Cột cờ Hà Nội lại được trang hoàng lộng lẫy, trong ánh điện rực sáng lung linh, huyền ảo, tôn thêm vẻ thần bí, uy nghi, lấp lánh của lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc.

Cột cờ Hà Nội xưa

Cột cờ Hà Nội (Kỳ đài) được xây dựng năm 1805 trên phần đất phía Nam của Hoàng thành Thăng Long, thời nhà Nguyễn, nay nằm trên trục đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội. Theo trục đường này sẽ dẫn vào đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Công viên Lênin, các viện bảo tàng, Bộ Ngoại giao, Đài liệt sĩ.

Kỳ đài là một bộ phận trong cấu trúc phòng thủ của quân thành nhà Nguyễn, có thể nói Kỳ đài chính là tên gọi khai sinh của Cột cờ. Những yếu tố cơ bản kiến trúc của Cột cờ như chiều cao, vững chắc, lên và xuống rất thuận tiện, thực hiện được hai chức năng cơ bản của nó là treo cờ và vọng canh. Ở hai bên có hai cầu thang đối xứng, mỗi cầu thang đều có 54 bậc, bề ngang vừa đủ cho một người đi.
 
Trên cùng là vọng canh (đài quan sát) có mái che tương ứng với 8 mặt tường (hình bát giác) là 8 cửa sổ thông thoáng và những lan can bằng gỗ lim. Phần mái giống như một chiếc nón khổng lồ, được kết cấu bằng bê tông, cốt thép, bề mặt được phù lớp ngói dán, giữa đỉnh có một cột thép đường kính 15cm, dài 9m cùng với hệ thống ròng rọc để treo cờ. Từ vọng canh có một lối xuống phía Nam với 13 bậc nhưng rất ít người biết. Ở đây có một vòm cuốn nhỏ đủ chỗ cho một người ngồi.
 
Từ các hướng quan sát kỹ thấy cột cờ gồm những khối lăng trụ xếp chồng nhau, thót dần từ dưới lên trên. Cấu trúc cân đối ấy đã tạo nên những đường nét thẳng, khỏe khoắn, vững vàng. Đứng dưới chân Cột cờ, dù cảm thấy đỉnh cột rất cao, tuy nhiên không hề có cảm giác nặng nề mà ngược lại, dáng vẻ cột cờ hài hòa, thanh thoát giữa các tam cấp, thân cột và đài quan sát. Trên nền tường Cột cờ có trang trí nhiều hoa văn khác nhau, khá đơn giản nhưng đường nét mềm mại và toát lên nét đẹp độc đáo của từng cấp.
 
Riêng ở cấp thứ 3, kiến trúc 4 cửa theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc nối thông với nhau qua các cửa tò vò tạo ra nhiều phòng nhỏ, có trần vòm cuốn rất thanh thoát. Do tường khá dày (1m) nên vào mùa hè rất mát và ấm áp vào mùa đông. Ngoại trừ cửa hướng Bắc, các cửa khác đều có tên riêng: cửa hướng Đông tên là Nghênh Húc (đón ánh sáng ban mai), cửa hướng Tây tên là Hối Quang (nhìn về hoàng hôn), cửa hướng Nam tên là Hướng Ninh (trông theo hướng mặt trời). Việc đặt tên cho mỗi cửa có thâm ý để người ở trong lòng Cột cờ xác định được phương hướng và tận dụng được ánh sáng tự nhiên trong kiến trúc của ông cha ta.

Sau khi chiếm được Hà Nội lần thứ 2 năm 1883, thực dân Pháp tiến hành những cuộc đập phá quy mô lớn, đặc biệt là nhiều công trình văn hóa trong khu vực Hoàng thành bị phá hoại. Cho đến năm 1893-1897, nhiều phố mới ra đời, ngay cạnh Cột cờ về phía Nam hình thành đường Fuygnie (đường Điện Biên Phủ hiện nay), phía Tây Cột cờ là đường mới mang tên đại văn hào Victor Hugo (nay là đường Hoàng Diệu), hồ Tượng bị san lấp để làm vườn hoa Rê Panh (nay là công viên Lênin). Điều đó đã làm biến đổi cảnh quan đầu tiên lớn nhất của khu vực Cột cờ Hà Nội.

Cùng với việc xây dựng những con đường mới là những kiến trúc biệt thự, trại lính mọc lên theo tuyến đường. Ngay dưới chân Cột cờ về phía Đông hình thành một trại lính thông tin được xây dựng rất kiên cố.

Đã hơn hai thế kỷ kể từ khi nhà Nguyễn khởi công xây dựng Cột cờ Hà Nội (1805), nếu so với các công trình kiến trúc cùng thời còn sót lại thì Cột cờ Hà Nội có may mắn còn tương đối nguyên vẹn, không bị thực dân Pháp phá hủy. Vì sao vậy? Có thể lý giải cho điều này: đó là với chiều cao không quá 60m, tương đương với một tòa nhà cao 15 - 17 tầng, thời kỳ đó, ít có công trình kiến trúc nào đạt tới tầm cao của cột cờ, hơn nữa lại có vọng canh có tầm nhìn xa và bao quát xung quanh Hà Nội.
 
Lẽ tự nhiên, Cột cờ trở thành tâm điểm của một thành phố đông dân cư vào bậc nhất hồi bấy giờ. Trong khi đó, Pháp chiếm khu vực Hoàng thành, đập bỏ quân thành cũ, những kiến trúc thời Nguyễn để tiến hành xây dựng những công trình quân sự mới như nhà cửa, hầm ngầm, lô cốt kiên cố trở thành đại bản doanh của bộ máy quân sự xâm lược ở Đông Dương và khu Cột cờ nghiễm nhiên trở thành doanh trại của đơn vị thông tin của Pháp và là điểm thu phát thông tin vô tuyến điện.

Biểu tượng của Thủ đô Vì hòa bình

Chiều ngày 9/10/1954, tại khu vực ngoại ô phía Tây Hà Nội, Đại đoàn trưởng Đại đoàn quân tiên phong Vương Thừa Vũ trực tiếp giao nhiệm vụ cho Trung đội trưởng Trung đội công binh 52: “Bằng mọi giá, đơn vị phải thay được chiếc cột cờ đã gãy trên tháp và làm sao phải kéo được Quốc kỳ lên, chuẩn bị cho lễ chào cờ mừng Thủ đô Hà Nội giải phóng vào ngày 10/10/1954. Mọi việc phải hoàn tất trong đêm 9/10/1954”. Mệnh lệnh ngắn gọn, rõ ràng nhưng để thực hiện thì đó là điều không đơn giản.
 
Với vẻ lo lắng ưu tư hiện lên trên nét mặt Trung đội trưởng Phạm Gia Công, điều mà ai trong trung đội cũng thấy, sau khi hội ý với trung đội phó và 3 tiểu đội trưởng, Phạm Gia Công quán triệt nhiệm vụ cho toàn trung đội và phân công cụ thể cho từng người. Trung đội phó Nguyễn Văn Đại vốn là một học sinh Hà Nội tham gia quân đội từ ngày toàn quốc kháng chiến tháng 12/1946 nay trở về Thủ đô làm anh quá hưng phấn, anh được trung đội trưởng giao nhiệm vụ phụ trách một nhóm chiến sĩ của trung đội đi tìm cột cờ ở ga Hàng Cỏ.
 
Với nhiều phương án đưa ra, cuối cùng mọi người nhất trí chọn cột cờ bằng ống thép nhưng phải đủ sức chịu lực va đập của gió lớn trên cao. Khoảng 10 giờ đêm 9/10/1954, chiếc cột bằng ống thép dài khoảng 9m được gia công xong với hệ thống puly có luồn dây cáp nhỏ kéo cờ. Anh em ở ga Hàng Cỏ còn cho mượn 2 chiếc xe đẩy của đường sắt để bộ đội vận chuyển cột cờ được nhẹ nhàng.
 
Khi cột cờ về tới nơi, Trung đội trưởng Công đã lệnh cho anh em luồn dây cáp từ đỉnh tháp xuống rồi buộc chặt vào thân cột cờ, sau đó dùng khẩu lệnh chỉ huy bộ đội kéo cột cờ lên đỉnh tháp an toàn. Cột cờ được cố định trong trụ gạch ở giữa đỉnh tháp. Sau đó, anh em thận trọng buộc chặt lá cờ đỏ sao vàng cỡ lớn vào dây cáp, từ từ kéo lên.
 Kỳ đài - Hà Nội 1904.  Ảnh: Tư liệu Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Sự nỗ lực của cả trung đội đã được đền đáp, trung đội đã hoàn thành nhiệm vụ trên giao, đảm bảo cho lễ chào cờ của quân và dân Thủ đô vào 8 giờ sáng 10/10/1954 tại sân bóng cột cờ. Chắc chắn nhiều người dân Thủ đô quanh khu vực Cửa Nam khi thức dậy nhìn lên cột cờ sẽ không khỏi ngỡ ngàng, sung sướng trước cảnh: lá cờ đỏ sao vàng hồn thiêng sông núi phấp phới tung bay trong sáng tinh mơ trên đỉnh cột cờ cổ kính. Đây là lần thứ hai nhân dân Thủ đô chứng kiến lá cờ đỏ sao vàng ngạo nghễ trên đỉnh cột cờ, lần đầu cách đây đã 9 năm, đó là ngày 18/8/1945, một nhóm chiến sĩ tự vệ thành Hoàng Diệu đã dũng cảm treo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh trên đỉnh Cột cờ, chứng kiến thời khắc lịch sử có một không hai của dân tộc.

Suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và từ sau 1975 đến nay, Cột cờ Hà Nội như một chứng nhân lịch sử, sừng sững, uy nghiêm bên đường Điện Biên Phủ, trung tâm chính trị Ba Đình. Chính nơi đây, tiểu đội lính thông tin với những chiếc máy vô tuyến điện nặng gần 20kg ngày đêm trên đài quan sát cột cờ, nối thông mạch máu thông tin 24/24 giờ của Bộ Tư lệnh Thông tin. Đặc biệt trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, máy bay B52 của Mỹ ném bom Hà Nội.
 
Những người lính thông tin ngồi trong tháp đỉnh Cột cờ, nghe tiếng máy bay Mỹ gầm rú, tiếng pháo không quân, tiếng gầm vang của tên lửa của không quân tiêm kích Việt Nam, tiếng bom nổ rền vang, cả tiếng hò reo trong đêm của người dân Hà Nội, chứng kiến máy bay Mỹ bốc cháy ngùn ngụt. Có lẽ những người lính của tiểu đội thông tin ấy là những người sung sướng nhất ở Thủ đô khi từ trên cao nhất tận mắt thấy máy bay Mỹ tan xác, phi công Mỹ nhảy dù xuống hồ.

Sát cánh cùng với những người lính thông tin đảm bảo “con mắt thần” cho chỉ huy là những người lính cảnh vệ Bộ Quốc phòng, có những thời điểm liên tục trên đài quan sát làm nhiệm vụ cảnh giới, nắm tình hình và thường xuyên gần gũi bên cạnh họ là anh chị em Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam bám trụ suốt từ năm 1956 đến nay đã 56 năm gắn bó với Cột cờ biểu tượng của Thủ đô Hà Nội và cả nước. Hằng ngày chứng kiến những dòng người nối tiếp nhau vào bảo tàng và để được trải nghiệm cùng di tích cột cờ, ai cũng thấy tự hào.

Cột cờ mãi mãi là một di tích lịch sử, văn hóa, một công trình kiến trúc độc đáo của Thủ đô, cần được giữ gìn bảo quản, tôn tạo, là biểu tượng của Thủ đô Vì hòa bình.

 

  Thiếu tướng Lê Mã Lương


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn