Con trâu dưới góc nhìn y học

28-01-2009 06:10 | Y học cổ truyền

Cứ mỗi độ xuân về thì những người cầm bút lại có dịp "mổ" một con vật nào đó trong 12 con giáp: Chuột (tý), trâu (sửu), cọp (dần), mèo (mẹo), rồng (thìn), rắn (tỵ), ngựa (ngọ),

Cứ mỗi độ xuân về thì những người cầm bút lại có dịp "mổ" một con vật nào đó trong 12 con giáp: Chuột (tý), trâu (sửu), cọp (dần), mèo (mẹo), rồng (thìn), rắn (tỵ), ngựa (ngọ), dê (mùi), khỉ (thân), gà (dậu ), chó (tuất), lợn (hợi). Năm nay lại sắp đến lượt "người bạn cần cù" của các nhà nông được giới cầm bút quan tâm "xẻ" dưới nhiều góc độ khác nhau. Là người làm công tác y tế, tôi xin được "săm soi" con trâu dưới góc nhìn y học.

Từ dinh dưỡng

 
Về mặt dinh dưỡng thì thịt trâu nhiều đạm, có tính hàn và bổ dương. Lục phủ ngũ tạng của trâu là "nguyên liệu" được các vua đầu bếp chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau lên hàng đặc sản. Các nghiên cứu khoa học cho thấy thành phần dinh dưỡng của thịt trâu tương đương với thịt bò. Bộ nông nghiệp Mỹ đã đưa ra kết quả nghiên cứu mẫu thức ăn có cùng trọng lượng 85g của thịt trâu và thịt bò cho thấy: Lượng calori thịt trâu là 160, thịt bò là 166, chất béo thịt trâu là 5g, thịt bò là 6g, chất đạm thịt trâu bằng thịt bò đều là 26g, lượng cholesterol thịt trâu là 49mg, thịt bò là 76mg. Về mặt khẩu vị, ở một số địa phương thịt trâu đã qua mặt được thịt bò. Một số trắc nghiệm khẩu vị tại các nước Malaysia, Australia, Venezuela... đã khẳng định điều này.

Đến nghiên cứu vaccin

Ngày nay, nhân loại đã thoát khỏi một loại bệnh dịch ghê gớm - đó là bệnh đậu mùa. Không phải ai cũng biết rằng con trâu hiền lành kia đã góp một phần công sức đáng kể trong việc thanh toán căn bệnh đã từng làm kinh hoàng nhiều quốc gia dân tộc trải dài trong nhiều thập niên. Vào những năm cuối thế kỷ thứ 17, một nhà khoa học Anh phát hiện ra rằng bệnh đậu trâu (ngưu đậu), cũng tương tự như bệnh đậu mùa ở người, nhưng quá trình bệnh lý diễn ra nhẹ hơn và độc lực của vi khuẩn gây bệnh cho trâu cũng "hiền" hơn gây bệnh cho người. Trên cơ sở đó người ta đã chế tạo ra vaccin từ bệnh đậu trâu để chủng ngừa bệnh đậu mùa của người và đã thu được kết quả vượt cả sự mong đợi. Kể từ năm 1979, Tổ chức y tế Thế giới công bố bệnh đậu mùa đã được thanh toán trên phạm vi toàn thế giới. Đây là căn bệnh duy nhất đến nay con người đã xóa sổ được.

Và vị thuốc

Theo y học cố truyền phương Đông thì khi trâu bị bệnh sỏi mật sẽ sinh ra một chất gọi là "ngưu hoàng" tức là sỏi mật của trâu. Ngưu hoàng được các danh y xem như là một loại biệt dược có tác dụng vào hai kinh "tâm" và "can" có tác dụng thanh tâm, khai đờm, giải độc và chữa hồi hộp. Đây là loại thuốc mà thời xưa chuyên trị các chứng trúng phong bất tỉnh, nhiệt quá hóa cuồng, thần trí hôn mê. Ngưu hoàng có tác dụng làm tăng huyết sắc tố, tăng lượng hồng cầu và tăng mạch đập của tim. Ngoài ra còn trị các chứng cổ họng sưng đau, nhọt và thậm chí là ung thư. Tuy nhiên, ngưu hoàng có vị đắng và hơi độc "khắc" với phụ nữ mang thai nên có khả năng làm trụy thai.

Một bộ phận khác của trâu cũng được dùng làm thuốc. Đó là răng trâu (ngưu xỉ). Người ta chế tạo ngưu xỉ bằng cách tán bột sau khi đốt cho cháy và nhúng dấm. Bột ngưu xỉ có tác dụng điều trị chốc đầu trẻ con, răng long ở người già và chống động kinh.

Và chiếc áo choàng bên ngoài của anh bạn hiền lành này không chỉ có tác dụng đem thuộc da bịt trống mà còn được các thầy thuốc cổ truyền xa xưa nấu thành một món tương tự như cao hổ cốt, cao khỉ gọi là a dao. Khi chỉ định chữa bệnh, a dao có tên là "ngưu dao ẩm". Người ta dùng "ngưu dao ẩm" sắc với rượu để trị các chứng bệnh như ghẻ ngứa, nhọt độc... Da trâu còn được chế biến theo những cách đặc biệt riêng để thành thuốc chuyên trị các chứng như phù thủng, bí tiểu...

Con trâu quả thật xứng đáng để ghi công trong lịch sử phòng chống bệnh tật của nhân loại và phục vụ cho đời sống của con người.

ThS.BSCKI. Mai Hữu Phước


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn