Từ khi còn nhỏ, tôi đã theo bố tôi đi khắp nơi. Phẩm chất bác sĩ của ông bao hàm rất nhiều cái “sĩ”: bác sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, thi sĩ nhưng nổi nhất vẫn là tài viết báo. Ông có nhiều bạn thân bên báo Sức khỏe (tiền thân của báo Sức khỏe&Đời sống bây giờ) như bác Lã Vĩnh Quyên, bác Phùng Chúc Phong… Tôi còn bé, là con trai nên hay được ông cho đi chơi cùng. Nghe bố nói chuyện với các bác thì chẳng hiểu gì. Nhưng do tính ham chơi lại thỉnh thoảng được bố cho cốc nước mía hay cái kem nên tôi rất hăng theo ông đi đây đó.
Thời bao cấp, tôi vẫn chờ được các cụ nói chuyện hàng giờ trong cái cảnh mất điện - quạt tay, hai bố con đạp xe về nhà trong những đêm trăng, thật nhiều mơ ước và dự định. Bố tôi trả lời đều đặn tất cả các câu hỏi thường thức về mắt, nhiều người nói với tôi như vậy nhưng tôi không được đọc. Còn bé quá nên không quan tâm gì đến nhãn khoa thường thức. Thế nhưng tập thơ kèm hướng dẫn chăm sóc mắt Đôi mắt là ngọc của bố tôi thì tôi lại rất thuộc, tôi nhớ mãi câu thơ đầu:
“Nhìn em bé ngây thơ trong sáng
Cả tương lai sáng lạn đang chờ”
Tôi đọc say mê tập sách Từ trong nhà, ra ngoài sân của bác Lã Vĩnh Quyên. Vốn kiến thức rất sâu rộng nhưng chuyển tải bằng những mẩu chuyện hay hỏi đáp lại rất dễ hiểu, cuốn hút người đọc biết bao.
Các bác bạn của bố tôi đã cao tuổi, nay người còn, người mất. Bố tôi cũng yếu nhiều. Những cây viết cho báo Sức khỏe&Đời sống ngày nay đã xuất hiện rất nhiều gương mặt mới. Tôi mạnh dạn viết mảng nhãn khoa thường thức cho báo nhưng làm thế nào để có cách viết bay bướm, khoáng đạt, đưa người đọc lĩnh hội kiến thức một cách nhẹ nhàng và ấn tượng thì tôi vẫn phải gọi bố tôi là BỐ. Thiết nghĩ các anh em viết trẻ nên học hỏi các cây viết già nhiều điều. Những bài viết mang nặng tính chất giáo khoa quá, có đủ: đại cương, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh… không thích hợp với một báo dành cho công chúng, tuy vẫn là báo nghề nghiệp.
Được bố tôi hướng nghiệp cho học y rồi lại theo nghề bác sĩ mắt. Cái nghiệp viết lách ngấm vào tôi từ bao giờ chẳng rõ. Có lẽ cũng do năng khiếu văn chương từ hồi đi học, vì tôi luôn là học sinh giỏi văn của lớp, các bài văn của tôi hay được đọc mẫu cho cả lớp nghe; Sau nữa là chút tâm hồn trong trẻo, yêu âm nhạc và tôi đã từng chơi nhạc… Tất cả những cái đó làm nên “nhiệt” của những bài viết. Những bài viết của tôi đầu tiên lại không phải gửi cho báo Sức khỏe&Đời sống mà cho các báo Tri thức trẻ hay Thế giới mới. Họ trả nhuận bút khá cao, thích hợp với anh bác sĩ ra trường nhưng thất nghiệp như tôi. Sau khi làm việc tại Viện Mắt Trung ương tôi mới có điều kiện để viết sâu về nhãn khoa. Cũng không nghĩ là mình có duyên với báo như thế. Ngay từ bài đầu tiên gửi cho số báo tuần là bài Chăm sóc mắt trên bệnh nhân tiểu đường đã được in ngay. Tôi cảm động và sung sướng lắm. Sau cái buổi ban đầu ấy, nghiệp viết lách của tôi đến nay đã được 10 năm. Số lượng bài có lẽ cũng đạt tới con số hơn 100 rồi.
10 năm ấy cũng biết bao nhiêu tình giữa một nhà chuyên môn, viết báo nghiệp dư với các anh chị bên tòa soạn. Công việc bận rộn nên chỉ thăm hỏi nhau qua email hay những dịp lễ Tết. Thành thân nên khi có việc khám chữa về mắt lại được gặp các em “xinh tươi” bên quý báo. Đợt cộng tác với báo trong chương trình Cận thị học đường do Công ty Viễn Đông tài trợ là đáng nhớ nhất. Một năm trời, nhóm bác sĩ Viện Mắt và các em bên báo lang thang khắp các trường đại học và cao đẳng trong Hà Nội. Bất chấp thời tiết, di chuyển xa xôi song khi tôi có mặt là đã thấy các em sắp đặt đâu ra đó: bàn khám, nước uống, thuốc tặng. Do phải làm nhiệm vụ như trực nhật nên nhiều em phải để chồng con ở nhà trong ngày nghỉ, phải tự di chuyển bằng xe máy, thật ái ngại cho các em. Thế nhưng mọi người đều vui vẻ, làm việc hăng say. Cận thị học đường là một chương trình lớn, có ý nghĩa với cộng đồng và giới trẻ. Sau này được biết báo còn tổ chức được rất nhiều sự kiện, chương trình hợp tác… Thiết nghĩ đó là hướng đi tích cực trong công tác xã hội hóa y tế, lồng ghép y tế với truyền thông và các hoạt động xã hội.
Mỗi năm khi xuân về hay ngày báo chí Việt
Nhân dịp báo tròn 50 năm, xin tưởng nhớ về những người đã khuất, các bác tiền bối, những người đã tạo nền móng cho quý báo và cảm phục các anh chị em cán bộ, phóng viên, biên tập viên, công nhân viên đang hàng ngày bận rộn trong tòa soạn với những số báo ngày, báo tuần, chuyên san, đặc san. Còn duyên, còn Sức khỏe, còn Đời sống, ta còn gặp nhau!
BS. Hoàng Cương