Hà Nội

Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận

03-07-2013 13:10 | Xã hội
google news

Hơn 100 mảnh đời éo le cùng chung sống, nương tựa nhau trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thuận tiện cho việc điều trị tại BV Bạch Mai. Nơi đây được nhiều người biết đến là "xóm chạy thận". Cũng vì bệnh tật, không ít đôi lứa phải chia lìa, gia đình ly tán… nhưng trên tất cả, tình người ấm áp nơi đây đã cổ vũ tinh thần họ vươn lên chống chọi với nỗi đau bệnh tật.

Hơn 100 mảnh đời éo le cùng chung sống, nương tựa nhau trong con ngõ 121 Lê Thanh Nghị (Hai Bà Trưng, Hà Nội) để thuận tiện cho việc điều trị tại BV Bạch Mai. Nơi đây được nhiều người biết đến là "xóm chạy thận". Cũng vì bệnh tật, không ít đôi lứa phải chia lìa, gia đình ly tán… nhưng trên tất cả, tình người ấm áp nơi đây đã cổ vũ tinh thần họ vươn lên chống chọi với nỗi đau bệnh tật.

Tự nguyện viết đơn ly hôn chồng…

Chị Hoàng Thị Hoa (Hà Nội) năm nay mới 24 tuổi nhưng dường như bệnh tật và gia cảnh éo le khiến chị già dặn hơn nhiều so với số tuổi của mình. Gắn bó với xóm chạy thận đã ba năm nay, chị cũng đành viết đơn ly hôn “giải thoát” cho chồng. Chị thủ thỉ: “Chạy thận như em coi như cả đời gắn với bệnh viện, vợ chồng xa nhau đằng đẵng rồi tình cảm cũng nhạt dần. Thôi thì để người phụ nữ khác khỏe mạnh chăm sóc cho anh ấy. Rồi còn đứa con gái nhỏ, mẹ thế này thì nuôi con sao nổi…”. Nghĩ đến đứa con gái 5 tuổi, đôi mắt buồn của người phụ nữ ấy lại ướt lệ. Chị bảo, cứ lọc máu được khoảng hơn một tháng, chị lại về thăm con một lần, mua cho cháu bộ quần áo mới – giá chỉ vài ba chục nghìn thôi, nhưng được nhìn thấy con vui.

“Cháu nó cũng hay thắc mắc sao tôi không ở nhà. Tôi bảo mẹ chữa khỏi bệnh sẽ về với con. Nhìn cánh tay tôi sưng nề, cháu lại đòi làm “bác sĩ” khám bệnh cho mẹ…” – chị nói tiếp. Có lẽ đó là những giây phút hạnh phúc hiếm hoi mà chị Hoa có được kể từ sau khi chị biết mình mắc bệnh. Nhà chị Hoa có ba chị em gái, các chị gái cũng đã lấy chồng, bận rộn với việc chăm lo cho cuộc sống gia đình. Chị Hoa bị bệnh, vợ chồng ly tán, người mẹ già đáng lẽ đến tuổi nghỉ ngơi lại phải bươn chải làm thuê tại một quán chè trên Phố Huế, dành dụm đồng ra đồng vào cho con chữa bệnh. Bản thân chị Hoa trước đây cũng bán nước kiếm sống nhưng do sức khỏe yếu nay đã chẳng thể làm gì. Chị bảo, bệnh tật đã vậy cố gắng mà đứng vững thôi, khóc thì cũng khóc mãi rồi nhưng chẳng giải quyết được gì. Thế nhưng trong sâu thẳm người phụ nữ ấy dường như vẫn chẳng thế nguôi ngoai nỗi đau “Buồn nhất là khi bệnh nặng, nằm một chỗ mà không có người thân bên cạnh, nhiều lúc nghĩ tủi thân ứa nước mắt”.
Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 1

Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 2
Cuộc sống chật chội, nghèo khó của bệnh nhân ở xóm chạy thận.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Nguyễn Thị Thuật (quê ở Lâm Thao, Phú Thọ) bị suy thận độ 4. Năm 2006, các bác sĩ chẩn đoán chị bị suy thận nhưng do không có tiền điều trị, lại không có BHYT nên chị giấu bệnh về nhà. Sau đó sức khỏe yếu dần, nhiều lần ngất lịm nên người nhà đã đưa vào BV Bạch Mai khám. Đó cũng là lúc thận của chị đã suy độ 4 và phải gắn bó với hành trình lọc máu cho đến bây giờ. Chiều tối trong căn phòng trọ nhỏ hẹp, người phụ nữ ấy đang bận rộn chuẩn bị “đồ nghề” để đi bán nước chè đêm. Nói là đồ nghề nhưng cũng chẳng có gì to tát, đáng giá. “Đồ nghề” chỉ gồm một chiếc làn, siêu nước chè, và vài chiếc ly nhỏ. Ngày nào cũng vậy, buổi sáng chị đi chạy thận trong BV Bạch Mai, chiều về lại tất tả cơm nước cho qua bữa rồi đi bán nước. Những ngày hè nóng thế này, chị kể, cố gắng bán đến 1h đêm cũng được 80.000 – 100.000 đồng.

Tâm sự về cuộc sống riêng tư, chị bảo, hai vợ chồng cũng có với nhau được một mặt con. Nhưng vì bệnh tật, chị đi chạy thận được một năm thì tự nguyện viết đơn ly hôn để anh ấy đi bước nữa. Duyên phận vợ chồng có lẽ cũng chỉ đến thế. Bây giờ niềm an ủi động viên duy nhất của chị là đứa con gái. Cháu ở với bố, thôi thì cũng cám cảnh “dì ghẻ con chồng” nhưng chẳng biết làm sao. Mới hôm rồi cháu báo tin thi đỗ vào cấp 3, chị Thuật phấn khởi lắm….

Cám cảnh bệnh tật, bỏ điều trị

Bác Đinh Thị Bắc (quê ở Quảng Ninh) mổ cầu tay để chạy thận đã 11 lần. Mỗi lần đau đớn như vậy, bác lại khóc òa như một đứa trẻ con. “Gia nhập” xóm chạy thận đã 5 năm, cuộc sống nơi đây dù khốn khó nhưng bác xem như ngôi nhà thứ hai của mình. Trong căn phòng rộng chừng 20m2, có đến 5 người sinh sống, nương tựa nhau vượt qua nỗi đau bệnh tật. Nhiều khi bệnh tật không có người thân, mọi người trong xóm lại phải xúm vào giúp đỡ, người bị bệnh giúp người bệnh nặng.
Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 3

Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 4

Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 5

Bác Bùi Thị Luyện, 70 tuổi (quê ở Bắc Ninh) cho biết: “Tôi ở đây 11 năm rồi, chữa bệnh mãi nhiều lúc nghĩ cũng nản. Không ít lần chết đi sống lại, nghĩ bụng hay là về quê cho gần con gần cháu, sống được ngày nào hay ngày ấy chứ cứ tha hương thế này buồn lắm”. Cũng như bác Luyện, có nhiều trường hợp bệnh nhân không thể trụ lại được nơi đây đã lặng lẽ ra về. Bác Luyện nhớ như in chuyện của anh H. – bệnh nhân chạy thận lâu năm, một ngày nọ anh ăn mặc chỉnh tề đến chào mọi người nói là về quê thăm con cháu. Rồi anh đi biệt tăm từ đó không thấy quay lại. Một thời gian sau, họ hay tin anh mất, vì không muốn người thân phải tốn kém tiền của cho anh chữa bệnh.

Trên cơ thể chị Nguyễn Thị Ngọc (quê ở Phú Thọ) – người có “thâm niên” chạy thận 11 năm nổi lên chi chít những vết tích của những lần mổ cầu tay, cầu chân. Năm 1991, khi ấy chị Ngọc mới 26 tuổi, làm công nhân nông trường chè và có một tổ ấm hạnh phúc với chồng và con trai. Công việc khá nặng nhọc khiến chị mệt mỏi, sức khỏe yếu dần. Chị đi khám và phát hiện hội chứng thận hư. Ban đầu chị điều trị thuốc nam nhưng không đỡ, sau đó vào BV Bạch Mai khám thì đã suy thận độ 4 và phải liên tục chạy thận đến bây giờ. “Mỗi sáng mở mắt ra chỉ ước sức khỏe của mình ngày hôm nay không đến nỗi quá mệt mỏi để có thể tiếp tục chống chọi với bệnh tật…”- chị Ngọc nói.
Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 6
Bệnh nhân chuẩn bị "đồ nghề" để bán nước đêm kiếm sống.

“Nếu không có BHYT chi trả, chúng tôi không sống được đến giờ…”

Đó là lời tâm sự của bác Nguyễn Văn Tấn, người được biết đến với vai trò là “trưởng xóm” chạy thận và cũng là bệnh nhân chạy thận trường kỳ ở đây. Bác Tấn cho biết: Cả xóm này có hơn 120 bệnh nhân chạy thận, tội nghiệp nhất là những bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ (bệnh nhân trẻ nhất sinh năm 1990) - coi như cả đời phải gắn liền với việc chạy thận; người già nhất năm nay đã 76 tuổi. Thông thường, các bệnh nhân chạy thận 3 lần/tuần. Đa số họ là người nghèo nên chỉ phải chi trả 5% viện phí. Trung bình mỗi tháng chi phí khoảng 450.000- 500.000 đồng cho việc chạy thận. Dù đã được hỗ trợ, tuy nhiên số tiền này đối với họ cũng không hề nhỏ.
Côi cút những mảnh đời ở xóm chạy thận 7
Phút giải trí hiếm hoi của bệnh nhân xóm chạy thận.

Bệnh nhân ở đây ngoài điều trị bệnh cũng phải bươn chải kiếm sống như bất kỳ ai khác. Họ làm đủ các nghề từ làm thuê, mướn, bán nước, bán xôi dạo. Rất ít bệnh nhân có người nhà đi cùng chăm sóc, bệnh nhân chạy thận thường chi một thân một mình, sống chung với những bệnh nhân khác trong những căn phòng trọ chật chội. Theo bác Tấn và nhiều người bệnh nơi đây, tình cảm đoàn kết sẻ chia giữa những con người khốn khó là liều thuốc tinh thần vô cùng quá giá, động viên họ vượt qua những khốn khó của cuộc đời. Xuất phát từ tấm chân tình tốt đẹp đó mà xóm chạy thận đã xây dựng một Quỹ nghĩa tình, là nơi ghi nhận những tấm lòng hảo tâm để giúp đỡ những người ở xóm trong trường hợp ốm đau, ma chay… Dịp Lễ, Tết, họ cũng nhận được sự quan tâm của cộng đồng, tâm trạng mừng mừng tủi tủi.

Càng về chiều, xóm chạy thận càng thêm phần hiu hắt. Nhịp sống nơi đây cứ âm thầm diễn ra, âm thầm như nỗi đau bệnh tật của họ. Dù vậy, đôi khi họ vẫn tìm cho mình niềm vui nho nhỏ quanh những ván cờ, những câu chuyện về con cháu, gia đình…

Dương Hải

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn