Vừa qua tôi có người nhà bị cúm, đi bệnh viện được chẩn đoán nhiễm H1N1, rất may là đã điều trị khỏi nhờ có thuốc kháng virut. Vì vậy, tôi muốn hỏi trên thị trường hiện nay có những loại thuốc nào có thể điều trị cúm và có thể mua về nhà để dự phòng được không?
Nguyễn Minh Ngân (Đồng Nai)
Bệnh cúm thường xuất hiện theo mùa, bệnh nhân mắc bệnh cúm thường có các dấu hiệu sốt, đau đầu, đau họng, đau nhức cơ khớp, ho, mệt mỏi. Hiện nay, chưa có bất kỳ một loại thuốc nào đặc trị hay tiêu diệt virut nói chung và virut cúm nói riêng. Các thuốc hiện có mới chỉ dừng lại ở mức độ ức chế sự sao chép và làm giảm chu trình phát triển hoặc nhân lên của virut. Có một số thuốc sau thường được chỉ định:
Đầu tiên là amantadine, thuốc tác dụng ở giai đoạn ức chế sự hòa nhập virut vào bên trong người bệnh. Thuốc có thể gây một số tác dụng phụ như bồn chồn lo lắng, chóng mặt, mất ngủ... Cùng là thuốc có cơ chế tác dụng như amantadine, nhưng rimantadine ưu việt do khả năng xâm nhập dịch đường hô hấp hiệu quả hơn đồng thời lại ít tác dụng phụ, đặc biệt là tác dụng trên hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, những tác dụng bất lợi của rimantadine có thể dễ chấp nhận hơn cho người già. Cả hai loại thuốc này thường được chỉ định để điều trị cúm A và có hiệu quả làm giảm khoảng 50% thời gian bị bệnh, giảm các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả hơn khi dùng các thuốc hạ sốt, giảm đau thông thường. Tuy nhiên, thuốc không có tác dụng trên virut cúm B và không có tác dụng trên cúm có biến chứng và thực tế điều trị cũng đã xác nhận khả năng kháng thuốc của virut cúm. Loại thuốc có tác dụng ở giai đoạn 2 của bệnh cúm có thể kể đến là ribavirin. Thuốc này có tác dụng ngăn cản virut cúm tổng hợp RNA, từ đó ức chế sự sao chép của virut bên trong tế bào. Một loại thuốc mà ta thường xuyên nghe tới trong đại dịch cúm vừa qua là oseltamivir (tamiflu). Thuốc có tác dụng ở giai đoạn cuối, tức là ngăn không cho virut cúm sao chép trưởng thành và phóng thích ra khỏi tế bào. Tuy nhiên, vì thuốc chỉ hạn chế sự phát triển của virut nên không có tác dụng trên các thương tổn đã xảy ra và chỉ có tác dụng trong vòng 2 ngày đầu sau khi có triệu chứng. Nếu sử dụng muộn, không những không có tác dụng điều trị mà còn tạo điều kiện thuận lợi để virut kháng thuốc.
Tuy có tác dụng với bệnh cúm, nhưng các thuốc trên cần có chỉ định sử dụng chặt chẽ của bác sĩ, người dân không tự ý mua về sử dụng, dễ dẫn tới các biến chứng đáng tiếc.
Hiện nay chưa có loại thuốc nào có tác dụng dự phòng cúm. Các loại thuốc kể trên chỉ được sử dụng khi đã mắc cúm và có chỉ định của bác sĩ, không được dùng để phòng bệnh. Để dự phòng bệnh cúm, bạn cần có lối sống lành mạnh, không hút thuốc lá, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, tập luyện để tăng cường thể lực, vệ sinh nơi ở nơi làm việc sạch sẽ, tránh tiếp xúc với nguồn bệnh... khi mắc bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm.
ThS. Nguyễn Thu Hiền