Có thể “Phát triển bền vững” khi môi trường bị “đen hóa”?

13-11-2008 10:08 | Thời sự
google news

Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí xác định "Xã hội bền vững chính là một cộng đồng đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không đánh mất khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai"(Hội đồng thế giới về môi trường 1987).

Bảo vệ môi trường là một trong những tiêu chí xác định "Xã hội bền vững chính là một cộng đồng đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không đánh mất khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ trong tương lai"(Hội đồng thế giới về môi trường 1987). Một vấn đề vô cùng bức xúc hiện nay khi Việt Nam đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiêp hóa-hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng bình quân GDP trên dưới 7%/năm và khuynh hướng đầu tư FDI vượt mức 55 tỷ đô-la trong đó tỷ trọng các dự án công nghiệp nặng như sắt thép, đóng tàu, hóa chất... là những cơ sở gây ô nhiễm nặng nề chiếm tỷ trọng không nhỏ, chiếm 55,7% (tính cả cả phần đầu tư vào xây dựng) tổng kim ngạch FDI đăng ký trong 10 tháng đầu năm 2008.

 Một loạt khu công nghiệp mọc bên sông Thị Vải gây nên “cái chết” cho dòng sông này. Ảnh: BRVT
Theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài nguyên - Môi trường thì hầu hết các khu chế xuất, công nghiệp đều chưa có hệ thống nước thải hoàn chỉnh, xả thẳng ra sông, là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nặng nề cho sông lạch, kênh nước khắp nơi, tác hại lâu dài và nghiêm trọng đến nguồn nước uống và sinh hoạt cho hàng chục triệu người như đại biểu Danh Út (Kiên Giang) trong phiên chất vấn ngày 11/11/2008, đã đặt vấn đề "Vì sao 70% KCN, 90% cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải mà vẫn hoạt động? Vedan thoát tội, không bị đình chỉ hoạt động. Vì sao? Đã có công chức nào của bộ, địa phương bị xử lý chưa? Bộ trưởng có đồng tình để nhân dân khởi kiện Vedan"... Tuy rằng cho tới nay, lãnh đạo của Bộ cũng như quan chức ở Đồng Nai đã nhiều lần bày tỏ thái độ không nhân nhượng trong quá trình điều tra phát hiện hành động man trá của Vedan trong suốt một thời gian dài. Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết "Bộ TN-MT không có trách nhiệm dừng sản xuất của Vedan mà đó là trách nhiệm của địa phương" và rằng "hoạt động của Vedan rất tinh vi, là cố ý. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm". Thử hỏi nếu tình trạng 90% nước thải công nghiệp không được xử lý, tuồn ra sông ngòi, bờ biển, kênh lạch tiếp tục như hiện nay "vì vấn đề ô nhiễm là do lịch sử để lại"(lời Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên) thì khả năng một nền kinh tế phát triển song hành cùng các chứng bệnh tật tăng cao, môi trường môi sinh bị "đen" hóa sẽ là một gánh nặng cho các thế hệ tương lai. Nói khác đi "di sản" của Vedan, Miwon, Hào Dương và hàng trăm, nghìn cơ sở sản xuất trên đất nước này để lại cho con cháu nước Việt là những bãi sình lầy tích lũy đầy độc tố và hóa chất hủy diệt... thì làm sao xã hội bền vững cho được?!

Qua thực tế hai mươi năm qua, tốc độ phát triển càng nhanh thì mức tàn phá môi sinh, môi trường và gây hại lên sức khỏe của con người càng tăng vọt theo cấp số nhân, mục đích mưu cầu lợi nhuận trước mắt cũng như con số tăng trưởng của doanh nghiệp trong nước cũng như theo FDI đã làm mờ mắt xã hội chúng ta? Cái giá cho việc hủy hoại này người dân phải trả trong nhiều năm tới, mọi người đều phải gánh chịu trong khi đó lợi nhuận của nhà đầu tư thì... vào túi riêng họ. Vào tháng 8 năm nay, nhà sản xuất bột ngọt Vedan mới thông báo rằng lãi ròng trong nửa năm 2008 của họ đã tăng 13% lên thành 8,5 triệu USD. Doanh số nửa năm đầu là 182,7 triệu USD tăng 24,5% so với nửa năm đầu 2007. Sở dĩ Vedan tăng nhanh như vậy là vì họ tiết giảm tối đa chi phí bảo vệ môi trường, chỉ đầu tư một hệ thông lọc nước thải "làm màu" hòng che giấu những đường ống chằng chịt dài trên 1.000 mét chôn giấu tuồn nước thải độc hại ra sông. Tại cuộc Hội thảo " Bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam" vào tháng 10/2003, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (là Phó Thủ tướng thường trực lúc bấy giờ) đã nhận định "Nhiều mâu thuẫn nảy sinh giữa các nhu cầu phát triển trước mắt về kinh tế với lợi ích lâu dài về môi trường và phát triển bền vững. Hội nhập kinh tế quốc tế cũng đang đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về môi trường. Tác động của các vấn đề về môi trường toàn cầu, khu vực ngày càng lớn và phức tạp. Tất cả những thách thức đó đặt ra cho chúng ta trách nhiệm nặng nề trong việc bảo đảm phát triển bền vững đất nước... đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành liên quan và địa phương tiếp tục rà soát, xác định các cơ sở gây ô nghiễm nghiêm trọng để bổ sung vào danh sách các cơ sở cần xử lý triệt để" thế nhưng những thông tin về môi trường trong suốt hai tháng qua kể từ vụ Vedan bùng nổ cho thấy trên thực tế chiều hướng ô nhiễm không những không giảm sút mà còn lan tỏa trầm trọng và sâu rộng hơn. Phải khẳng định một lần nữa rằng đây là những dấu hiệu hoàn toàn bất ổn, đe dọa cuộc sống hiện nay mà còn kéo dài hàng chục thập kỷ nếu không có biện pháp khắc phục kiên quyết và chặt chẽ.

Liệu dòng sông Thị Vải, Vàm Cỏ Đông hay sông Sài Gòn, sông Hồng... và nhiều con sông, kênh rạch trên đất nước Việt Nam sẽ trở lại trong xanh hay là những dòng sông đen kịt vì chất thải trong những năm tới? Nỗi lo đó chắc chắn không chỉ riêng một ai. Mong rằng "Phát triển bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc trong quá trình phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới" (phát biểu của Thủ tướng tại phiên họp đã nêu) sẽ được những người có trách nhiệm quản lý cũng như các cơ sở, doanh nghiệp quán triệt hơn nữa. Phần trách nhiệm cụ thể trước hàng chục sự kiện Vedan nhỏ lớn đang hiện hữu này không lẽ không có địa chỉ, vẫn còn chung chung, mơ hồ như bao lần trong quá khứ , "huề" cả làng được sao, chỉ "rút kinh nghiệm" để quán triệt là xong?

12/11/2008

Hồng Lê Thọ (Tokyo, Nhật Bản)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn