Có một đội cắt tóc của... y tế Hải Phòng

07-06-2009 09:18 | Thời sự
google news

Y tế ở một thành phố hay bất kỳ ở đâu thì cũng chỉ thấy bệnh viện, phòng khám, trạm y tế xã phường... Tóm lại, công việc của ngành này là khám, chữa và phòng bệnh chứ sao lại có "Đội cắt tóc"? Ấy vậy mà ở TP. Hải Phòng lại có một đội cắt tóc chuyên nghiệp dính đến y tế mới lạ.

Y tế ở một thành phố hay bất kỳ ở đâu thì cũng chỉ thấy bệnh viện, phòng khám, trạm y tế xã phường... Tóm lại, công việc của ngành này là khám, chữa và phòng bệnh chứ sao lại có "Đội cắt tóc"? Ấy vậy mà ở TP. Hải Phòng lại có một đội cắt tóc chuyên nghiệp dính đến y tế mới lạ.

Đội cắt tóc có 60 người không biên chế ngành y, nghiệp vụ là "vít đầu thiên hạ" với phương tiện hành nghề gồm tông đơ, kéo, dao cạo, gương, lược, chuyên làm việc tại vỉa hè, vậy mà ai cũng tự hào là "người y tế thành phố". Họ tự hào cũng đúng thôi vì sáng kiến thành lập đội là do Sở Y tế và Trung tâm Tuyên truyền giáo dục thành phố nghĩ ra và tập hợp từ gần chục năm nay.

 Đội cắt tóc của y tế Hải Phòng.           Ảnh PV
Đấy là chuyện thợ cắt tóc. Bên y tế, ngoài việc khám chữa bệnh còn có việc tuyên truyền, giáo dục sức khoẻ cộng đồng, nhất là lĩnh vực HIV/AIDS. Không biết bệnh khác thế nào chứ chuyện HIV thì không phải ai cũng tìm đến thầy thuốc để tư vấn. Đang lúc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe bấn lên vì người trong cái thành phố cảng đầy phức tạp với người từ khắp nơi đến rồi thủy thủ nước ngoài từ tận đẩu tận đâu ghé đến đây, lên bờ, ông Thịnh Giám đốc Trung tâm gặp ông Vy Giám đốc Sở giãi bày tâm sự. Ông Giám đốc Sở chỉ "an ủi" một câu rằng: Có đến núi người cũng khó làm được vì cái "món" HIV này cứ phải là kề cà tâm sự theo kiểu tin cậy tâm tình. Sao không xã hội hóa? Được lời như cởi tấm lòng, ông Thịnh nghĩ chuyện xã hội hóa! Hợp tác với cánh đánh giầy thì lực lượng này toàn trẻ con với lại họ ở quê lên thành phố, làm theo mùa vụ. Nghĩ đến mấy ông xe ôm thì xe máy vù vù tuyên truyền chả khéo tai nạn giao thông! Lĩnh vực xích lô nhẩn nha đi chỉ có khách nước ngoài. Thế là chỉ có dân cắt tóc. Khách ngồi cả nửa tiếng cũng buồn, được ông thợ vui tính, tay khua kéo tanh tách, miệng nói về HIV thì còn gì bằng.

Trung tâm vận động tập hợp người thành đội cắt tóc có giấy phép kinh doanh đàng hoàng. Thợ cắt tóc mặc đồng phục, có mái che tập trung thành từng nhóm ở một nơi cố định trông vừa gọn, đẹp lại tiện cả cho khách tìm đến. Anh em thợ cắt tóc tất nhiên là mừng vì ít ra cũng có nơi bảo trợ, có giấy phép, khỏi lo chạy cảnh sát mỗi lúc dẹp vỉa hè. Giám đốc Sở Nguyễn Văn Vy thân chinh đi xin thành phố cấp giấy phép, nơi hành nghề cho cánh "thợ cạo". Trung tâm lo tập huấn cho anh em để nội dung "buôn dưa lê" cho khách là những chuyện đại loại như lây nhiễm HIV qua đường nào, hôn nhau, muỗi đốt có bị lây nhiễm không. Tóm lại là những vấn đề tuyên truyền không phải là tập họp, rao giảng mà là những câu chuyện tâm tình. Khách cần tư vấn, xét nghiệm ở đâu, nhân viên đội chỉ vanh vách. Cần nữa thì tờ rơi, tài liệu, đội phát luôn, miễn phí!

Cách giáo dục, tuyên truyền kiểu này quá hiệu quả. Đội có 60 người, mỗi người sơ sơ cũng khua kéo trên hơn chục cái đầu mỗi ngày, vị chi 1 ngày có gần 800 người được tuyên truyền. Trong 1 năm tính ra cũng có đến hơn 200.000 lượt người "nghe chuyện HIV"! Khách mới được nghe hiểu đã đành mà khách quen hàng tháng nghe riết cũng "mưa dầm thấm lâu" thành tuyên truyền viên vô tình khi nói với người khác về vấn đề này. 5 năm gần đây, cứ đến ngày 1/12 là cả đội lại tập trung ở khu vực Nhà hát lớn thành phố để cắt tóc miễn phí trong không khí đầy lễ hội khiến sự tồn tại của đội trở thành quen thuộc với cộng đồng!

Xã hội hóa là đây chăng khi y tế đứng ra lo cho thành phần ngoài y tế để họ cùng mình làm công việc của y tế bởi không có "biên chế" nào có thể đông như lực lượng cắt tóc lại tuyên truyền trong lúc... cực kỳ thích hợp. Anh em thợ cắt tóc cũng mừng vì có công việc, chỗ hành nghề và thu nhập ổn định lại có chuyện mà nói, mà giao lưu với khách trong lúc làm việc. Thật vẹn cả đôi đường.

Giá thành phố nào cũng có đội cắt tóc như y tế Hải Phòng đã làm...

Lê Quý


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn