Hà Nội

Cô giáo bắt cả lớp tát học sinh 231 cái, sẽ đối diện với những hình thức xử lý nào?

26-11-2018 11:50 | Pháp luật
google news

SKĐS - Liên quan tới sự việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2 Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình chỉ đạo học sinh trong lớp tát học sinh Hoàng Long N 231 cái khiến học sinh này phải nhập viện điều trị, luật sư Hà Trọng Đại – Công ty Luật Hợp danh The Light Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng: Nếu điều tra làm rõ, có thể khởi tố Cô giáo về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác" theo Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Hoặc có thể khởi tố về hành vi " làm nhục Người khác" - Điều 155 Bộ luật hình sự 2015.

Theo LS. Đại, nếu gia đình các học sinh có đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, qua giám định sức khỏe và thương tật đối với em học simh, xác định tính nghiêm trọng của hành vi mà có đủ căn cứ khởi tố hình sự thì có thể khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can với hành vi "cố ý gây thương tích" theo Điều 135- Bộ luật hình sự năm 2015. Trong trường hợp thương tích( hậu quả) không thỏa mãn thì cơ quan tố tụng cũng xem xét và có thể điều tra, khởi tố cô giáo về hành vi "Làm nhục người khác" theo Điều 155 - Bộ luật hình sự năm 2015 thì hình thức kỷ luật, xử phạt xi phạm hành chính. đình chỉ, cảnh cáo. buộc thôi việc...sẽ không được áp dụng.

Cũng theo LS. Đại nếu không đủ căn cứ để xử lý hình sự, thì cô giáo cũng có thể bị xử phạt hành chính cho hành vi của mình đã gây ra. Và, hành vi của cô giáo sẽ bị phạt hành chính theo quy định tại khoản 3 điều 5 Nghị định 167/2013 NĐ-CP của Chính Phủ: Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi: “xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;”.

LS. Đại cũng cho biết thêm, ngoài ra tại Điều 16 Luật Viên chức quy định về nghĩa vụ chung của viên chức, cụ thể với hành vi tự ý thường xuyên bỏ tiết dạy không báo trước, đánh học sinh đến bầm tím như vừa qua thì hành vi của cô Thủy đã vi phạm một số nghĩa vụ của viên chức quy định tại: điểm 3 điều 16 luật Viên chức:  Có ý thức tổ chức kỷ luật và trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp; thực hiện đúng các quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập. Và điểm 5 điều 16 luật này cũng ghi: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp, thực hiện quy tắc ứng xử của viên chức.”.

Ngoài ra, hành vi tát học sinh và yêu cầu các học sinh khác tát bạn cũng vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo. Tại Quyết định 16/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo về Đạo đức nhà giáo cũng đã ghi rất cụ thể: “Điều 4. Đạo đức nghề nghiệp 1: Tâm huyết với nghề nghiệp, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng. ”

Luật sư Hà Trọng Đại

Tại khoản 4 điều 6 Quy định này cũng nêu rõ: “Không xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người học, đồng nghiệp, người khác. Không làm ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của đồng nghiệp và người khác.

Bên cạnh đó, nếu áp dụng Luật Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em thì cô giáo cũng đã vi phạm những quy định về trách nhiệm của mình với học sinh.

Trước đó, vào chiều ngày 19/11, học sinh Hoàng Long N. (11 tuổi) hiện đang học lớp 6.2 trường THCS xã Duy Ninh nói tục và bị các bạn báo cáo với cô Nguyễn Thị Phương Thủy (SN 1977), là giáo viên chủ nhiệm của lớp.

Lời kể của học sinh Hoàng Long N. cho thấy, cô giáo Thủy đã đưa ra hình thức bắt các bạn trong lớp tát liên tiếp vào má của em N., mỗi bạn 10 cái. Nếu học sinh nào tát nhẹ thì cô giáo bắt tát lại. Vì thế các em đều dồn sức tát N. Khi đau quá, N. cựa quậy thì cô quát bắt đứng im. Lúc đau quá, N. có nói "Em ghét cô" thì bị cô tát thêm một cái nữa.

Sau khi kết thúc giờ học về nhà, mẹ của N. là chị Trần Thị Chước thấy con mình mặt mũi thâm tím sưng vù và không nói lên lời, nên đã đưa con đến bệnh viện khám và điều trị.


H.N (ghi)
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn