Kỳ 3: Thương hiệu "Bộ đội Lê Thoa"
Chiến khu Đ thời "chín năm" có những đơn vị lừng danh, có tên tuổi, phiên hiệu rõ ràng nhưng cả ta và địch lại gọi theo tên người chỉ huy như một "thương hiệu" tự phát trong lòng họ bắt đầu từ phạm vi nhỏ loang ra như khu rừng nhiều người đi thành đường, đường nhỏ lắm người đi thành đường lớn.
"Bộ đội Tám Nghệ", "Bộ đội Sáu Ngọc", "Bộ đội Lê Thoa"... là những tên gọi như thế và trong đó chứa tất cả những cảm phục, kính trọng.
Ông Lê Thoa. |
Tháng 12/1948, Lê Thoa là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quang Trung gắn liền với chiến thắng ngày 11/12/1948 tiêu biểu của lối đánh lấy ít địch nhiều. Hôm đó, hơn 1 ngàn quân Pháp cùng 37 xe cơ giới tấn công chiến khu Bình Đa thành 2 cánh theo thế gọng kìm. Trước thế giặc mạnh, tiểu đoàn của ông chia thành từng mũi nhỏ chia địch ra mà đánh từ 8 giờ sáng, tập kích và bắn tỉa vào các cụm quân địch khiến đội hình giặc tan vỡ, chiến khu được bảo toàn.
Danh tiếng của Lê Thoa lúc này khiến giặc khiếp sợ. Lý lịch ông bị bọn tình báo Pháp nắm rõ, biết ông vốn học ở trường dòng, viên quan hai chỉ huy đồn nhờ một cố đạo Pháp gặp ông mời về đồn ăn nhậu tính chiêu dụ ông. Anh em sợ giặc thủ tiêu nên khuyên ông không đi hoặc nếu đi thì cho một tiểu đội trang bị vũ khí hộ tống. Ông gạt phắt, một mình đội mũ phớt chống gậy chỉ huy lên đồn. Sau vài ba lần ăn nhậu, ông tập hợp anh em chiến sĩ "tao đã nắm kỹ rồi, đêm nay nhổ bót", sau một đêm bót bị san phẳng. Bọn giặc khiếp sợ gọi ông là "Hùm xám miền Đông" và treo giải thưởng mấy ngàn đồng Đông Dương nếu bắt hoặc lấy được đầu Lê Thoa.
Tên gọi "Bộ đội Lê Thoa" bắt đầu từ tên tuổi người chỉ huy cùng những phẩm chất được lưu truyền trong dân... Rất nhiều gia đình đã "chọn mặt gửi vàng", "tìm đơn vị gửi con" cho "Bộ đội Lê Thoa" và chuyện ông Năm Ký (thân sinh thiếu tướng Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Huệ) là một ví dụ. Ông Năm Ký sống ở làng Bình Đa (nay thuộc làng An Bình) thuộc thành phần trốn sưu lậu thuế vì nghèo song ban hội tề không dám thúc ép tận thu vì họ ngán ông võ nghệ cao cường, dân anh chị trong vùng từng tôn vinh là quận Ký. Ngang tàng, võ giỏi, lại hơn cả chục tuổi nhưng ông luôn mời Lê Thoa vào nhà chơi và gọi bằng "ông" đầy tôn trọng và khâm phục bởi khí phách anh hùng của vị chỉ huy này. Khi giặc càn bố liên miên, ông Năm Ký dắt con trai đầu - anh Ba Li đến gặp Lê Thoa, nói thật giản dị:
- Bây giờ tôi già rồi, cho thằng con đi thay cha! Tôi xin giao nó cho ông, chừng nào độc lập hết giặc thì ông cho nó về!
Đêm hai tháng bảy âm lịch Đinh Hợi (17/8/1947) anh Ba Li đưa một đoàn công tác đông người băng qua Quốc lộ l ở khu vực quán Chín Nếp (gần cầu Săng Máu) thì lọt ổ phục kích của lính bót Nhà thương điên. Ba Li và hai đồng chí hy sinh. Ông Năm Ký và du kích xã lặn lội ba đêm liền kiếm thi hài con, đem về an táng. Rồi ông dắt tiếp anh con trai Năm Hoa giao cho Lê Thoa:
- Cho nó đi để nó trả thù cho anh nó!
Tấm lòng bà con phải chăng là sức mạnh tiếp thêm cho Lê Thoa, cho đồng đội của ông và suốt đời chẳng bao giờ ông có thể quên. Theo ông Huỳnh Văn Hòa - nguyên Bí thư Đảng ủy phường An Bình và ông Đào Tiến Thưởng - nguyên Trung đội trưởng Trung đội trinh sát kể thì "khi đất nước thống nhất, Lê Thoa cứ mỗi lần về thăm Bình Đa, khi xuống xe, ông đều ghé thắp nhang những ngôi mộ gia đình ông Năm Ký trước khi vào nhà những người quen. Địa phương chúng tôi rất cảm kích". Lê Thoa là thế và phải chăng cái dũng, cái tình trong ông làm nên thương hiệu. Ông có được thương hiệu là bởi ngoài sự dũng cảm còn là trái tim sâu đậm nặng ân tình bên trong. Đận bị thương lần thứ 3, một người lính Nhật trong đơn vị thấy ông bị đạn xuyên mắt trái đã đỡ ông liền bị đạn bắn trúng trán hy sinh cũng làm ông không thể quên. Sau này khi tập kết, nỗi nhớ chẳng nguôi ngoai và ông đã viết truyện trong đó có những cảm xúc khó quên về anh.
Lật giở những trang sử suốt 9 năm kháng chiến, càng thêm khâm phục ý chí tiến công, tiến công sáng tạo của "Bộ đội Lê Thoa": tháng 9/1946 dùng lựu đạn tập kích diệt bót Bà Cô (xã Thiện Tân) rồi lập tức quay về đường 8 phục kích diệt gọn tiểu đội lê dương Pháp gồm 12 tên, thu 4 tiểu liên, 1 trung liên. Hai tháng sau lại chặn đánh một tiểu đội lính Cao đài thu 10 súng. Tháng 3/1947, diệt bót Vĩnh Cửu, rồi phục kích diệt gọn một tiểu đội lính Âu Phi đang ruồng bố, tuần tiễu trên lộ 15 ở Truông Nước. Sau trận đánh này, lính các bót Bến Gỗ, bót máy cưa BIF hãi không dám càn quét ruồng bố. Và rất nhiều chiến thắng khác của "Bộ đội Lê Thoa" đã củng cố các căn cứ lõm liên hoàn, vây ép và uy hiếp địch trong quận lị Châu Thành, áp sát sân bay, góp phần bảo vệ phía Nam chiến khu Tân Uyên và đường 15. Những chiến thắng này đã tạo điều kiện thuận lợi nối liền các căn cứ du kích Bình Đa, Bà Bao, Hố Cạn, Đại An... để các cơ quan quân dân chính đảng của Châu Thành tề tựu về đây (LS đại đội Lam Sơn - Nxb Đồng Nai, 2002).
Địa bàn hoạt động của đại đội lam sơn (vùng màu trắng trên bản đồ) |
Chính điều này làm lính ta không chỉ phục tài cầm quân, sự gan dạ mưu trí của ông mà còn như được tiếp thêm sức mạnh xốc tới. Đến cả lính tráng phía bên kia nghe danh Lê Thoa cũng phát hãi. Không những sợ Lê Thoa mà sợ cả... vợ Lê Thoa. Ngày ấy vùng tạm chiếm và chiến khu cài nhau như răng lược. Cô "hoa hậu Bến Thành" Quách Thị Tỳ vẫn hay ra chiến khu thăm và tiếp tế cho chồng. Lúc gần đến nơi thì lính tráng quây gom tất cả bà con trên đường cho vào bót để xét giấy. Lạ là trong căn buồng chật chội và hôi hám của bót, bà con cứ hay nhường nước, dành chỗ gần cửa cho cô Tỳ, viên cai nọ mới tò mò hỏi sao, bà con chỉ cô Tỳ và bảo thẳng "vợ Ba Thoa đấy!". Viên cai nọ vốn sợ tiếng Lê Thoa, đổ mồ hôi hột sụp xuống trước cô Tỳ mà rằng: "Bà thương lấy chúng tôi. Chẳng qua vì bát cơm manh áo... bà kêu ông nhè nhẹ tay...". Thế rồi tất cả được thả, muốn đi đâu thì đi.
Thương hiệu "Bộ đội Lê Thoa" không chỉ có từ những chiến công đánh giặc mà từ cả tình nghĩa với đồng bào. Năm 1952, khi Lê Thoa là Huyện đội trưởng Vĩnh Cửu kiêm Tiểu đoàn trưởng, Ngô Bá Cao là Chính trị viên huyện đội kiêm Chính trị viên Đại đội Lam Sơn (năm 1959 là Bí thư Tỉnh ủy Biên Hòa) gặp phải cơn bão lũ lịch sử trong chiến khu. Kỳ ấy, mưa bão liên miên từ 18/10 đến tận 21/10 mới dứt. Mưa dứt thì nước sông Đồng Nai tràn ngập, tất cả ruộng đồng, đường đi chìm cả, cứ mênh mông như biển. "Bộ đội Lê Thoa" lao đi trong dòng nước xoáy vớt dân đưa lên các nổng cao gần rừng. Anh em mệt lử vẫn chèo ghe tìm chuối chặt lấy buồng và lặn cả xuống nước nhổ những bụi khoai mì có ngọn vươn lên trên mặt nước để phân phát ăn tạm. Cứ thế, "Bộ đội Lê Thoa" lênh đênh trên nước tìm thấy thứ gì ăn được cũng lượm lấy rồi mang chia cho bà con. Bản thân Lê Thoa sau khi cứu lụt cũng tất tả về tỉnh đội báo cáo tình hình và xin tiếp tế cho bộ đội, cứu trợ nhân dân vùng lụt ven sông.
"Bộ đội Lê Thoa" không chỉ cứu dân mà còn cứu cả... lính địch! Chuyện kể rằng: Khi nước lũ lên rất nhanh, đám lính bót Rạch Đông và bót Ông Hường sợ quá chẳng biết kêu ai bèn hét toáng lên:
- Huyện đội Vĩnh Cửu ơi!... ới huyện đội Vĩnh Cửu!... Cứu chúng em với!... Chúng em sẽ đền ơn trả nghĩa.
Lúc vô sự thì ở hai chiến tuyến, là kẻ thù của nhau. Lúc thiên tai thì ông trời chẳng biết ai là bên này bên kia mà "phân biệt đối xử" và lính địch mới cảm thấy cái nghĩa đồng bào, tình máu mủ chăng? Thế là "Bộ đội Lê Thoa" nhận lệnh ông, lấy chiếc ghe to của quân lương tỉnh "cứu chúng nó".
Tình yêu trong bà con đối với những đơn vị do Lê Thoa chỉ huy đã thành một "thương hiệu" được gọi đầy trìu mến là "Bộ đội Lê Thoa". Thương hiệu ấy là niềm tự hào truyền thống để mỗi con người trong đơn vị ấy bước vào những ngày hòa bình sau 9 năm kháng chiến gian lao mà anh dũng, dù còn trong quân ngũ hay phục viên vẫn giữ được phẩm chất, nghĩa tình như ngày đầu tụ họp. Thương hiệu ấy cũng là cái lý để mỗi người tui rèn mình hơn bởi "có làm sao, mặt mũi nào còn gặp anh Ba và đồng đội". Thương hiệu ấy cũng có thể là một trong những lý do khiến Lê Thoa quyết trở thành dân, một người dân bình thường trên đất Bắc vào cuối năm 1957.
(Xem tiếp kỳ sau: Khí khái một nhân cách; trên SK&ĐS số thứ 5 ra ngày 22/5/2008)