Sinh năm 1924, mất năm 2002, cứ theo "lý lịch trích ngang" thì ngày 12/11/1957 ông là dân thường, nghĩa là 45 năm không chức tước, quyền thế ngoài chức tổ trưởng dân phố là to nhất nhưng tên ông đã được đặt cho một con đường tại thành phố Biên Hòa. Ông là ai không quan trọng bằng ông là người như thế nào khi cả cuộc đời ông với bao thăng trầm luôn sáng lên một nhân cách và phẩm chất "anh bộ đội Cụ Hồ". 11 năm trong quân ngũ thời trai trẻ gắn với mảnh đất "miền Đông gian lao và anh dũng" ngay từ ngày đầu kháng chiến chống Pháp đã khiến kẻ thù khiếp sợ, coi ông là một trong những "Hùm xám miền Đông" còn đồng chí đồng bào tin yêu cảm phục tới mức gắn tên ông với đơn vị do ông chỉ huy gọi chung là "Bộ đội Lê Thoa". Khi hậu thế hôm nay uống nước nhớ nguồn vẫn đi trên con đường, theo lý tưởng của những người đi trước từng hy sinh xương máu cho độc lập - tự do của dân tộc, ấy là hồng phúc của đất nước vậy...
Một người bình dị
Ông Lê Thoa sau ngày tập kết. |
Hơn chục năm làm tổ trưởng dân phố, vẫn biết , vẫn kêu ông là "ông Ba", "Ba Thoa" nhưng mấy ai biết được ông tổ trưởng dân phố hồi nào vẫn cần mẫn nhắc bà con khai tạm trú tạm vắng, vệ sinh xóm ngõ lại là Lê Thoa, là chỉ huy "Bộ đội Lê Thoa"! Ông Ba, bác Ba chân tình bình dị thường ngày đã đi vào cõi nhớ bà con chòm xóm và trong cõi nhớ ấy lại lung linh thêm một "Lê Thoa" huyền thoại. Tình yêu thương kính trọng ông Ba, bác Ba hàng xóm cộng thêm sự "phát hiện" ông hàng xóm bình dị với Lê Thoa ngời sáng lẫy lừng ngày nào khiến sự bình dị thành ngọc, cõi nhớ trong lòng người tiễn biệt thêm hun hút, lung linh...
Trai thời loạn
Nam Bộ độc lập trước khi bước vào kháng chiến (23/9/1945). Ảnh: TL |
Năm 1942, Thế chiến II đang hồi ác liệt, thực dân Pháp càng tăng cường vơ vét, bóp nặn thuộc địa để đổ vào guồng máy chi phí chiến tranh. Người dân Việt như nghẹt thở. Xã hội Việt Nam âm ỉ ngọn lửa chờ bùng lên cơn bão. Chàng trai 18 tuổi Lê Thoa lúc ấy cám cảnh nghèo khó xin phép cha mẹ vào Nam những mong chuyện mưu sinh kiếm sống. Vốn đẹp trai, nhanh nhẹn, lại có học, buổi đầu anh làm thuê cho một cửa hàng được ông chủ người Việt rất tin tưởng, giao hết chuyện tay hòm chìa khóa. Làm thuê, được tin tưởng nhưng Lê Thoa vẫn cứ đau đáu tái tê một nỗi buồn, nỗi nhục. Mỗi lần đi công chuyện cửa hàng, thấy tiếng xe zep phanh cháy đường phố hoặc tiếng cười ré lên từ mấy cái đầu mũ nồi lệch của lính Pháp là anh thấy khó chịu, khó chịu đến dị ứng. Chữa cái khó chịu ấy chỉ còn cách học, tự học qua đọc sách. Sau 2 năm anh làm công cho ông chủ người Việt, duyên số thế nào lại được cô Quách Thị Tỳ người nết na, chăm chỉ và... rất xinh, con gái bà chủ một sạp hàng trong chợ Bến Thành cũng "cùng quê Thường Tín mình" để ý. Cùng con nhà gia giáo, nền nếp, xa quê thế là quen, là thân và yêu. Cuộc sống anh chị lúc đó kể như tạm ổn. Vào đận Nhật đảo chính, Lê Thoa vui lắm nhưng rồi niềm vui chợt tắt khi anh thấy những người dân xung quanh anh vẫn cực khổ. Đường phố vẫn quặn dưới gót giày đinh, chỉ khác thay quân mũi lõ mắt xanh bằng những tốp lính Nhật lùn. Anh trăn trở! Và rồi Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, nước nhà độc lập thổi một luồng gió mới cho dân tộc suốt từ Mục Nam Quan tới đất mũi Cà Mau. Đó là những ngày hạnh phúc nhất của Lê Thoa.
Một góc đường Lê Thoa tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: PV |
Chính quyền cách mạng được thành lập khắp nơi. Lê Thoa như một con người khác. Anh hăm hở gặp gỡ, trao đổi với bất cứ ai cùng niềm vui với mình. Chính trong những ngày này, anh gặp Huỳnh Văn Nghệ lần đầu ở Phú Nhuận. Hai anh em mới quen đã trở nên thân thiết. Lê Thoa nhiệt tình, nóng tính nhưng được cái thẳng băng. Anh bị Huỳnh Văn Nghệ "hút hồn" bằng những vần thơ, bằng cách nói gãy gọn, lý luận sắc bén chặt chẽ và tầm hiểu biết thời thế uyên bác, thái độ lịch lãm chân tình.
Những tưởng đôi vợ chồng trẻ cưới trong những ngày độc lập sẽ có một tổ ấm mãi bên nhau trong một đất nước thanh bình nào ngờ quân Anh - Ấn mang danh nghĩa Đồng minh đi tước khí giới phát xít Nhật bại trận lại làm bình phong cho Pháp tính quay lại Sài Gòn. Đất nước mới độc lập, chính quyền cách mạng non trẻ ở vào cái thế "lưỡng đầu thọ địch". Ngoài Bắc, cánh Tàu Tưởng muốn "diệt cộng cầm Hồ". Trong Nam, Sài Gòn nóng ran lên những cảnh tù binh Pháp được thả đang trang bị súng ống núp bình phong lấn tới. Sài Gòn thành lò lửa trước họa Pháp gây hấn quay trở lại. Trai thời loạn thấy giặc sắp đến nhà, sắp cướp nhà là phải đuổi và như một chuyện tự nhiên, anh bàn với cô vợ trẻ quyết tòng quân đánh giặc. Những tưởng vợ chồng mới cưới lại con nhà buôn bán nhỏ chợ Bến Thành cốt mong mấy chữ bình yên, đủ ăn đủ mặc nào ngờ cô Tỳ nhìn chồng và bảo:
- Tùy mình! Có giữ mình cũng chẳng được!
Ngay trong đêm ấy, cô Tỳ chuẩn bị cho chồng mấy bộ quần áo, không quên nhét thêm bao côtap. Có người vợ nào muốn xa chồng nhưng đất nước loạn ly liệu cái tổ ấm có bề yên ổn? Hay cô yêu cái chí của chồng và tình yêu đích thực luôn xui khiến người phụ nữ giúp cho cái chí của chồng được sở nguyện như sau này, có nữ thi sĩ đã nói hộ:
Hay là cả hai lý do? Nhưng lý do nào thì thực tế, bất cứ những anh hùng của chúng ta bay lên thành những ngôi sao sáng vì những khát khao, lý tưởng và lẽ sống lại chả có những trái tim phụ nữ chắp thành những cánh bay.
Thế là Lê Thoa tòng quân. Chàng thanh niên 21 tuổi nghe tiếng gọi non sông từ trong trái tim mình đã ra đi "đầu không quay trở lại" với tất cả sự tự nguyện của một con dân nước Việt. Ngày nhập ngũ của anh cũng đúng ngày Nam Bộ kháng chiến. Tiếng súng đì đùng đầu tiên trên đường phố Sài Gòn ngày 23/9/1945 như thúc giục anh và đấy cũng là cột mốc làm nên "Lê Thoa", "Bộ đội Lê Thoa" sau này.
Đường vào bộ đội của Lê Thoa cũng giản dị như chính con người ông. Thấy việc nghĩa là phải làm như tính cách người Nam Bộ qua hình ảnh Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu "Giữa đường thấy cảnh bất bằng chẳng tha". Con đường ông và đồng đội ông đi đã đến đích và hậu thế hôm nay lại đi tiếp trên những con đường ấy, những con đường mang tên những người mở lối...
Xem tiếp kỳ sau: Đồng Nai - Địa linh tụ anh hùng trên SK&ĐS số thứ 7 ra ngày 17/5/2008