Chuyện nông dân 'thuê ruộng' bỏ hoang để khởi nghiệp và hướng đi mới cho nông nghiệp Ninh Giang

28-06-2025 10:22 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong lúc nhiều nông dân không mặn mà với đồng ruộng, bỏ ruộng để chuyển sang các ngành nghề khác, thì đã có những người mạnh dạn thuê lại ruộng bỏ hoang, tích tụ ruộng đất để "khởi nghiệp" và làm giầu tử đồng đất.

"Thấy đi thuê ruộng bỏ hoang để cấy, nhiều người bảo tôi có vấn đề…"

Những năm gần đây, cùng với sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh Hải Dương, ngành nông nghiệp huyện Ninh Giang cũng có sự bứt phá theo hướng sản xuất chất lượng cao, quy vùng sản xuất Từ đó, tạo hướng phát triển mới của nông nghiệp của địa phương.

Tuy nhiên, trong lúc nhiều nông dân không mặn mà với đồng ruộng, bỏ ruộng để chuyển sang các ngành nghề khác, thì đã có những người mạnh dạn thuê lại ruộng bỏ hoang, tích tụ ruộng để "khởi nghiệp" làm giầu tử đồng đất.

Tìm về gia đình ông Vũ Duy Gấm (SN 1973, trú tại thôn Hội Xá, xã Tân Quang, huyện Ninh Giang) khi ông và vợ cùng gần 20 lao động đang thu hoạch lúa thuê cho người dân giữa cái nắng oi nồng của tháng 6. Khi biết chúng tôi hỏi về việc tích tụ ruộng đất để cấy lúa, ông Gấm cười nói: "Dân bỏ ruộng thì tôi thuê lại cấy thôi, mỗi người có cách làm giầu khác nhau, còn gia đình tôi thì sinh ra từ đồng đất này, nên sẽ tìm cách thoát nghèo từ đây…".

Theo lời kể của ông, gia đình vốn xuất thân từ đồng ruộng và từ trước đến nay, nghề nông luôn được ông Gầm duy trì. Vào khoảng năm 2015, thời điểm đó, có nhiều người dân trong thôn đi làm công ty, xí nghiệp và việc người nông dân bỏ ruộng không cấy cũng bắt đầu xuất hiện.

Chuyện nông dân 'thuê ruộng' bỏ hoang để khởi nghiệp và hướng đi mới cho nông nghiệp Ninh Giang- Ảnh 1.

Mỗi khi vào mùa vụ, gia đình ông Gấm thuê từ 15-10 lao động. Ảnh: Đ.Tùy.

Nhận thấy người dân bỏ ruộng đi làm công ty, xí nghiệp ngày một nhiều, lúc này ông Gấm có ý tưởng sẽ thuê lại diện tích ruộng bỏ hoang đó, tích tụ lại thành lập những cánh đồng mẫu lớn để cấy. Nhưng không phải cấy theo truyền thống mà ông sẽ đưa máy móc vào để làm nông nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm đó, suy nghĩ của ông được xem là "khác người", bởi trong khi dân đang bỏ ruộng, thì ông lại có ý định gom lại làm.

Sau nhiều đêm trăn trở, ông Gấm chia sẻ ý tưởng của mình và được đồng ý. Tuy nhiên, làm như thế nào, bắt đầu từ đâu thì vợ chồng ông vẫn vừa làm vừa tính toán. Những mảnh ruộng được ông thuê lại để cấy phải nằm liền nhau, cùng một xứ đồng – đây là việc khó vì có người đồng ý, có những hộ lại không. Bằng cách thuyết phục và biết được ý tưởng của ông nên nhiều hộ dân đều đồng ý cho thuê ruộng. Tiếp đó, gia điình ông trả sản lượng hàng năm cho những hộ dân mà mình thuê ruộng. Sau 10 năm, gia đình ông đã thuê lại 140 mẫu ruộng bỏ hoang, quy thành 3 vùng sản xuất và chuyên cấy giống lúa thuần.

Cũng theo chia sẻ của ông Gấm, khi thuê được ruộng của các hộ dân để làm cánh đồng mẫu lớn, gia đình tiến hành mua sắm máy móc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp vừa giải phóng sức người, vừa tạo nên chất lượng.

"Đầu tiên tôi mua 1 máy gặt lúa, 1 máy cày và khi ruộng tích tụ tăng thì việc mua sắm máy móc nhiều lên. Hiện tại, gia đình tôi mua 3 máy gặt, 6 máy cày, 2 máy cấy, 2 ô tô phục vụ vận chuyển với tổng số tiền đầu tư trên 5 tỉ. Số tiền này, gia đình vay ngân hàng, từ tiền lãi của những vụ thu hoạch trước. Ngoài làm 140 mẫu ruộng gia đình, tôi còn nhận làm trọn gói khoảng 260 mẫu (từ lúc gặt lúa, cày bừa đến khi cấy) cho các hộ dân trong thôn, ngoài xã. Qua 10 năm, thu nhập của gia đình ông đã có "của ăn của để", ông Gấm kể.

Trong quá trình thuê lại ruộng của các hộ nông dân, bản thân ông Gấm cũng gặp nhiều khó khăn, chắc trở, thậm chí bản thân chấp nhận thiệt để dồn được vào cánh đồng mẫu lớn của mình; còn nếu để tự nhiên là rất khó. Hiện cánh đồng mẫu lớn của gia đình ông tập trụng ở xứ đồng Màu, xứ đồng Hóa (xã Tân quang).

Đến nay, trên địa bàn huyện Ninh Giang có nhiều người thuê ruộng bỏ hoang, không cấy của những hộ dân để tích tụ ruộng đất, nhưng mỗi người lại có cách làm khác nhau. Có người làm nhà màng, trồng cây hoa màu, nhưng đối với ông tích tụ ruộng đất chỉ cấy lúa, bởi bản thân ông thấy sức của mình phù hợp với công việc này.

Hướng đi mới cho nông nghiệp Ninh Giang

Chuyện nông dân 'thuê ruộng' bỏ hoang để khởi nghiệp và hướng đi mới cho nông nghiệp Ninh Giang- Ảnh 2.

Nhiều giống lúa thuần năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào gieo trồng trên đồng đất Ninh Giang. Ảnh: Đ.Tùy.

Những năm qua thực hiện Nghị quyết của Huyện ủy trong việc thực hiện đề án "Phát triển trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, gắn với tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững huyện Ninh Giang giai đoạn 2021- 2026"; kế hoạch " Tái cơ cấu ngành nông nghiệp" đã tạo đà cho ngành nông nghiệp tahy đổi. Các chỉ tiêu về quy vùng sản xuất tập trung, đưa các giống mới tiến bộ vào sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong các khâu gieo trồng có sự đổi thay và đạt được kết quả cao. Đây cũng là hướng đi mới cho ngành nông nghiệp huyện Ninh Giang.

Đến nay, huyện Ninh Giang đã thực hiện được 78 vùng sản xuất tập trung 30 ha trở lên tại 19 xã trong huyện (cả 2 vụ chiêm xuân và mùa). Cơ giới hoá trong nông nghiệp phát triển mạnh, diện tích làm đất bằng máy cày lớn và trung chiếm 100%, thu hoạch bằng máy chiếm trên 85% diện tích.

Bên cạnh đó, một số các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, có giá trị kinh tế cao được hình thành, như: mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (nhà màng), mô hình nuôi cá sông trong ao, mô hình trồng cây ăn quả và cây rau màu áp dụng công nghẹ tưới nhỏ giọt...

.

Hiện tại trên địa bàn huyện Ninh Giang có 72 hộ tích tụ thuê mượn ruộng quy mô từ 5ha trở lên, với tổng diện tích 629,39 ha. Trong dó, một số hộ tích tụ lớn như: ông Vũ Duy Gấm (xã Tân Quang 35ha), Nguyễn Văn Khiên (xã Tân Phong, 30ha), ông Nguyễn Văn Ái (xã Ứng Hòe, 20ha)...

Đến nay trên địa bàn huyện có trên 100 ha diện tích cây ăn qủa và rau màu được cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó 90 ha diện tích trồng ổi và vải sớm thuộc các xã Hiệp Lực, Vĩnh Hòa, Đồng Tâm và 10 ha rau màu thuộc các xã Văn Hội, Hồng Phong; 88 ha diện tích trồng vải sớm thuộc các xã Đồng Tâm, Vĩnh Hòa được cấp mã số vùng trồng và đủ điều kiện xuất sang thị trường các nước Trung Quốc, Úc và Nhật Bản.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục có chuyển biến tích cực ở tất cả các khâu sản xuất, cụ thể: Cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100%; khâu gặt đạt 99,8%; khâu cấy đạt 17,76%; trong đó cấy bằng mạ khay cấy máy đến năm 2024 đạt 14,04%, tăng 10,72% so với năm 2020.

Việc quy vùng sản xuất tập trung giúp nông dân thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất nhỏ lẻ chuyển sang sản xuất mô hình tập trung, tạo thuận lợi cho tổ chức sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hoá trong khâu làm đất và thu hoạch, mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao trong thâm canh lúa…

Đức Tùy


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn