PGS. TS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ tại Hội nghị khoa học chỉ đạo tuyến chuyên ngành sản phụ khoa Hà Nội tổ chức ngày 11/12 tại Hà Nội.
Cũng theo Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, truyền ối là một trong những kỹ thuật can thiệp vào bào thai trong tử cung của người mẹ. Đây cũng là một kỹ thuật tiên tiến trong chuyên ngành sản phụ khoa trên thế giới hiện nay và là kỹ thuật hoàn toàn mới tại Việt Nam. Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là một trong số ít cơ sở thực hiện kỹ thuật truyền ối cho bào thai.
Được biết, hiện nay tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã báo cáo 25 ca truyền ối thành công. Cả 25 ca này có 2 trường hợp thai 18 tuần. Có trường hợp 1 thai, có trường hợp song thai. 17 trường hợp thai từ 18 đến 28 tuần.
Đáng lưu ý có trường hợp mang thai 26 tuần, vỡ tử cung, bung màng ối, vết vỡ tử cung trên hình thái tử cung dị dạng, tử cung đôi… Nếu như trước đây với phương pháp thông thường thì thai phụ sẽ phải bỏ thai và còn là mối lo lắng cho thai phụ khi cơ hội có thai lần sau cũng rất kó. Vì vậy bác sĩ quyết định truyền ối và giữ được thai nhi tới 31,5 tuần, bé sinh ra được 1.7 kg và đã thành công.
Nếu phát hiện thai phụ bị thiểu ối ngay từ tuyến cơ sở và được thực hiện tư vấn lên tuyến trên truyền ối giúp tăng nhiều lần cơ hội sống cho thai nhi
Hoặc có thai phụ phải truyền ối 3 lần ở tuần 17, 23 và 31 để giữ cho thai nhi đến 39 tuần. Lúc đầu thai phụ tới bệnh viện ai cũng nghĩ đã hết cách nhưng cuối cùng đã thành công thai nhi sinh ra 2,7 kg. Khi thai nhi ở tuần 33, nặng 2 kg nhưng bác sĩ đã không mổ đẻ mà quyết truyền ối để giữ tới 39 tuần. Bởi vì với cháu sinh non dù 2 kg nuôi sơ sinh cũng được nhưng chăm sóc trẻ non tháng rất khó khăn, phát sinh nhiều nguy cơ nên giữ đến 39 tuần. Thay vì mổ đẻ non thì truyền ối là cách mang lại hiệu quả nhất.
“Hội nghị khoa học sản phụ khoa với mong muốn chia sẻ những cập nhật mới với tuyến y tế cơ sở, để khi gặp ca tương tự, các đồng nghiệp ở tuyến cơ sở sẽ có chẩn đoán chính xác hơn, có thể trao đổi với các thầy thuốc tuyến trên có thể qua trực tuyến hoặc có thể chúng tôi xuống tận nơi để hỗ trợ tuyến cơ sở. Thông qua đó, gặp những ca khó thì cơ sở đưa người bệnh lên tuyến trên để can thiệp luôn, như trường hợp thai phụ bị thiểu ối hay vỡ tử cung nói trên. Nhiều người quan niệm rằng chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới thì họ sẽ lấy hết bệnh nhân. Nhưng tôi quan niệm tuyến trên chỉ cần làm những kỹ thuật chuyên sâu còn lại để các bệnh viện tuyến dưới thực hiện. Vì vậy, với những kỹ thuật kể cả khó nhưng cơ sở làm được chúng tôi sẽ chuyển giao hết”, PGS Ánh khẳng định.
Tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Duy Ánh chia sẻ, người Việt có thói quen khi mang thai sẽ cố gắng uống thật nhiều nước dừa để giúp nước ối tốt, trong. Đặc biệt, những mẹ bầu đi siêu âm bị thiểu ối, ối đục là về uống thật nhiều nước dừa,Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là quan niệm sai lầm nó không có tác dụng gì
Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong bụng mẹ. Khi nước ối trong là dấu hiệu thai nhi phát triển ổn định và tử cung người mẹ khỏe mạnh.
Thực chất nước dừa có màu trong giống nước ối nên mọi người nghĩ uống nước dừa sẽ bù ối, ối trong. Nếu những sản phụ nước ối bình thường và coi như một cách uống nước thay cho nước lọc, nước trà thì hoàn toàn bình thường.