Hà Nội

Chuyên gia... săn bắt muỗi

12-02-2009 16:17 | Thời sự
google news

"Khi mới vào nghề, tôi không thể nào hình dung được một công việc có phần độc đáo, lạ kỳ và gian nan đến thế! Nhưng càng gần... muỗi, tôi

"Khi mới vào nghề, tôi không thể nào hình dung được một công việc có phần độc đáo, lạ kỳ và gian nan đến thế! Nhưng càng gần... muỗi, tôi càng yêu nghề hơn, nhất là khi nó giúp cho ngành y tế chủ động khống chế dịch bệnh sốt rét - vốn một thời làm mưa làm gió ở Đồng Nai" - Đó là lời bộc bạch của anh Võ Văn Dũng, Phó khoa côn trùng thuộc Trung tâm phòng chống sốt rét Đồng Nai.

 Bắt muỗi ngay tại chuồng nuôi bò của một hộ dân ở Sông Ray đêm 21/10/2008.
Một đêm làm mồi... cho muỗi

Khác với những đoàn giám sát thông thường, đoàn giám sát muỗi của khoa côn trùng chỉ có... 2 thành viên: anh Võ Văn Dũng, Phó khoa côn trùng làm trưởng đoàn giám sát và anh Đàm Đức Dư, thành viên. Hai anh cùng nhau rong ruổi trên chiếc xe gắn máy, mang theo lỉnh kỉnh nào là balô đựng dụng cụ cá nhân, vài gói mì, thức ăn nhanh, cùng các dụng cụ tác nghiệp như: ống nghiệm, kính lúp, đèn pin... để tiến hành cuộc giám sát tại ấp 10, một ấp thuộc vùng xa của xã Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ). Thế là tôi cùng nhập cuộc với các anh, cũng bằng cách đi xe máy, vượt qua chặng đường 96 cây số.

"Ngày tháng mười chưa cười đã tối" nên mới 17 giờ 30, trời đã chập choạng. Tôi theo hai anh bắt đầu đi tìm khu vực giám sát. Đường đất mấp mô, lại thêm trời tối, lạ đường nên cực kỳ khó đi. Chúng tôi càng đi, các ngôi nhà dọc hai bên đường càng thưa dần... Các xe chạy đến một vùng đất sâu, tối, cây cối um tùm thì dừng lại. Trưởng đoàn giám sát nhìn tôi và các cán bộ y tế xã Sông Ray đi cùng, ra quyết định:"Tối nay mình sẽ bắt muỗi ở đây!".

Không giống với hình thức bề ngoài chỉn chu thường thấy, anh Võ Văn Dũng bắt đầu... bỏ đôi giày, cởi vớ, xắn quần cao tới đầu gối rồi ngồi bất động để bắt đầu công việc của một chuyên gia... săn bắt muỗi. Tương tự như anh Dũng, tại một lùm cây rậm rạp ở trong sâu, anh Đàm Đức Dư cũng trong tư thế "bất di bất dịch" để làm mồi cho muỗi.

Không đợi lâu, muỗi đã bắt đầu tấn công vào bắp chân của các anh. Với mọi người, vết đốt của muỗi thường gây ngứa, khó chịu, buộc phải cựa quậy liên hồi. Phản xạ đầu tiên của mọi người thường là phải đưa tay đập cho bằng được con muỗi. Còn đối với các chuyên gia này, "chỗ nào ngứa, chỗ đó phải đơ ra... để bắt đầu thao tác bắt muỗi" - anh Dũng giải thích. Một tay cầm đèn pin rọi vào vị trí muỗi chích, một tay khác anh Dư dùng tuýp để bắt muỗi. "Không bắt thì thôi, đã bắt thì phải trúng và dĩ nhiên con muỗi đó phải còn sống mới đạt yêu cầu" - anh Dư cho biết.

Gần muỗi hơn chục năm, các chuyên gia này dường như hiểu rõ hết đặc tính, thói quen của muỗi. Anh Dũng cho hay: "Anh em chúng tôi quen muỗi đến độ con nào chích thì biết ngay con đó là loại thường hay loại mang mầm bệnh". Làm mồi cho cả muỗi thường lẫn muỗi mang mầm bệnh, nếu may mắn thì các anh chỉ bị muỗi tấn công làm đỏ cả chân, còn nguy hiểm hơn thì bị muỗi mang mầm bệnh đốt, nguy cơ mắc bệnh sốt rét là rất cao. Bởi thế, hầu hết thành viên của đoàn giám sát muỗi đều phải uống thuốc ngừa trước khi đi.

Càng về khuya, muỗi càng dày đặc hơn. Dường như các anh bắt không xuể vì đang bắt ở chân thì con khác lại đốt ở vai... Anh Dư cho biết: "Bữa nào có nhiều muỗi chích như hôm nay là chúng tôi rất vui! Bởi vì thỉnh thoảng do gió nhiều hay trời hanh khô, ngồi quá 12 giờ đêm có khi chúng tôi cũng không bắt được con nào!". Ngồi chừng hơn một tiếng đồng hồ, hai anh tụ lại ngồi nghỉ giải lao. Các anh tranh thủ gọi điện thoại về gia đình (trong trường hợp ở những khu vực không có sóng di động thì đành chịu). Anh Dũng bắt đầu hút thuốc và phà vào từng tuýp đựng muỗi vừa bắt được. Thấy tôi có vẻ thắc mắc, anh liền giải thích: "Để cho muỗi say, nó sẽ xòe cánh, giang chân ra dễ nghiên cứu!".

Nghỉ ngơi một lát, không ai bảo ai, hai anh lại tách ra, tìm những vị trí rậm rạp khác trong khu vực để tiếp tục làm mồi cho muỗi. Lúc ấy hơn 21 giờ, sương xuống nhiều, trời lạnh, nhưng công việc của các anh còn kéo dài đến hơn nửa đêm. "Trong một đợt giám sát từ 7 đến 10 ngày như thế, anh em chúng tôi phải lấy đêm làm ngày. Chúng tôi nghiền cà phê, thuốc lá là vì vậy!" - anh Dũng tâm sự.

 Chuyên gia côn trùng thực hiện các thao tác bắt muỗi.
Đôi khi cũng sợ!

Theo ông Trần Văn Thuận, Trưởng khoa côn trùng của Trung tâm phòng chống sốt rét Đồng Nai, thì: "Muỗi anophen mang mầm bệnh sốt rét có đặc điểm là lưu trú chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng núi rừng có cây cối rậm rạp". Vì thế, đa số những điểm điều tra vùng muỗi lưu hành thường nằm ở vùng hẻo lánh như: Vườn quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú), khu vực Suối Đá Dựng (xã Hiếu Liêm, huyện Vĩnh Cửu)... Trưởng khoa côn trùng cho biết thêm: "Ở những nơi này, đường rất khó đi, nên anh em thường phải đi giám sát bằng xe gắn máy cho chủ động. Có đoạn, cả xe máy cũng không đi được, anh em phải đi phà, hoặc lội bộ 2, 3 cây số đường rừng mới tới địa điểm cần giám sát".

Trong đêm giám sát muỗi ở Sông Ray, vừa ngồi chờ muỗi chích, anh Dũng vừa tâm sự với tôi: "Chúng tôi đi giám sát trong rừng hiếm thấy nhà dân lắm, thỉnh thoảng mới gặp trạm kiểm lâm. Nói thật với cô, ngồi trong rừng ban đêm một mình, là đàn ông, đi giám sát cũng nhiều, mà đôi khi tôi cũng có cảm giác sợ. Gian nan nhất là những lúc trời mưa. Trong rừng sâu heo hút, chỗ đâu mà trú. Chúng tôi ngồi ướt sũng hàng giờ liền, đã vậy, vắt rừng thì nhiều vô kể...". Với các chuyên gia săn bắt muỗi, đôi khi cũng tủi thân khi nghĩ mình phải xa thành phố nhộn nhịp, xa ánh sáng đèn màu và tạm xa mái ấm gia đình có vợ, có con để lặn lội trong những nơi xa xôi, hẻo lánh làm công việc thầm lặng, biết mấy ai hay.

Bên cạnh phương pháp bắt muỗi ngoài nhà phổ biến và mang lại hiệu quả như trên, trong 7 ngày của một đợt công tác, đoàn giám sát của Khoa côn trùng còn áp dụng nhiều phương pháp khác cũng không kém phần gian nan. Đơn cử như phương pháp mồi gia súc: lấy gia súc làm mồi nhử muỗi, thay thế cho người. Hôm ở Sông Ray, trước khi triển khai phương pháp bắt muỗi ngoài nhà, các anh đã tiến hành công việc ngay tại các chuồng heo, chuồng bò của người dân địa phương. Theo chân các anh, tôi đành chịu trận: mùi chuồng nuôi heo, bò bốc lên nồng nặc đến khó chịu vô cùng.Việc đầu tiên, không kém phần quan trọng là các anh vỗ về cho gia súc nằm bất động. Những câu chuyện cười ra nước mắt cũng xuất phát từ đây. Anh Đàm Đức Dư kể: "Gặp con vật hiền thì nó hợp tác cho mình bắt muỗi. Còn không, chuyện chúng tôi bị bò đá, bò quất vào mặt là bình thường. Có khi, đang loay hoay bắt muỗi, bị bò tè ra ướt cả người...". Anh Dũng còn chia sẻ: "Có khi đến vùng hẻo lánh, ngồi im bắt muỗi, lâu lâu lại bật đèn pin, người dân địa phương lại tưởng nhầm mình là... dân ăn trộm. Có anh em đã từng bị đánh gây thương tích chỉ vì bị hiểu lầm như thế. Cho nên, rút kinh nghiệm, sau này chúng tôi thường nhờ người dân địa phương dẫn đi giới thiệu...".

Tìm đâu thế hệ kế thừa?

      Anh VÕ VĂN DŨNG, Phó khoa côn trùng, cho biết: "Phải dùng ánh sáng vàng, bởi muỗi thích ánh sáng dịu nhẹ... Hơn nữa, ánh sáng vàng ấm, gần với dòng máu người nên muỗi không bay đi. Song, muỗi cũng khó chiều lắm! Lâu lâu mới được mở đèn vì nó cũng thích bóng tối. Muỗi cũng không thích... mùi thuốc lá, nên có buồn ngủ mấy, anh em phải hạn chế hút thuốc. Nói chung, chúng tôi phải hiểu và tìm mọi cách để muỗi bu lại... chích mình!".

Từ năm 2000 trở về trước, dịch sốt rét hoành hành không chỉ ở vùng sâu, vùng xa mà ngay cả ở Biên Hòa và các khu vực thị trấn, thị tứ. Những năm đó, toàn tỉnh hàng năm có rất nhiều người mắc và chết vì bệnh sốt rét. Trưởng khoa côn trùng, Trần Văn Thuận nhớ lại: "Lúc đó, công việc bắt muỗi được anh em tiến hành hàng tuần... Từ đó mới có thể theo dõi, tìm hiểu, đánh giá kỹ tình hình, mật độ, chủng loại muỗi mang mầm bệnh sốt rét. Trên cơ sở đó, chúng tôi mới đề ra những biện pháp phù hợp... Cũng nhờ vậy mà tình hình đã ổn định".

Đến bây giờ, tình hình muỗi lây truyền bệnh sốt rét trong tỉnh đã được khống chế. Khoa côn trùng hiện chỉ có 5 thành viên. Cả trưởng khoa, phó khoa đều kiêm thêm công việc đi săn bắt muỗi. Anh Dũng cho biết: "Toàn tỉnh chỉ có 5 người nên công việc của chúng tôi đôi khi làm không xuể". Khi tôi hỏi về thế hệ nối tiếp, anh trầm ngâm: "Ít ai thích nghề này lắm, nhất là những người trẻ. Phần vì khổ, phần vì nó thầm lặng, không ai biết đến...".

Giữa đêm khuya tĩnh mịch ở Sông Ray, tôi nghe tiếng anh thở dài và tiếng muỗi vo ve bên tai. Tôi bật đồng hồ xem giờ, các cây kim đã chạy gần tới số 12...

Bài và ảnh: Thùy Trang


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn