Phạt cao nhất là 1.000.000 đồng cho vi phạm nồng độ cồn mức thấp nhất
Bộ Công an đang lấy ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe ... Đáng chú ý, cơ quan soạn thảo đề xuất hạ mức xử phạt tiền đối với chủ phương tiện có nồng độ cồn thấp.
Cụ thể, Bộ Công an đề xuất hạ mức phạt tiền đối với những tài xế có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/lít khí thở.
Với ôtô, phạt tiền từ 800.000 đến 1.000.000 đồng, thấp hơn so với trước đây, bị phạt 6-8 triệu đồng. Với xe máy, hiện nay có mức vi phạm bị phạt 3.000 000 - 5.000 000 đồng, Bộ Công an đề xuất phạt từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy người điều khiển xe thô sơ khác trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở, Bộ Công an đề xuất mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Quy định cũ là phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, bày tỏ quan điểm ủng hộ đề xuất này của Bộ Công an. Bởi theo ông, ngưỡng nồng độ cồn nêu trên nguy cơ tác động đến người lái xe thấp. Bên cạnh đó, ông Quyền cho rằng khả năng hấp thụ và đào thải nồng độ cồn mỗi người khác nhau, có người uống một lon bia sau ba tiếng đã đào thải hết, nhưng có người sau ba tiếng chưa đào thải được.
Thêm vào đó, hiện một số loại trái cây, nước ngọt, thức ăn, một số sản phẩm y tế dùng cho người bệnh có thể chứa cồn khi vào cơ thể sinh ra một lượng cồn. Với số lượng người tham gia giao thông lớn, đa dạng phong phú và nhiều yếu tố tác động dẫn đến nhiều người có một lượng nồng độ cồn trong cơ thể thì việc giảm mức phạt nồng độ cồn ở ngưỡng thấp nhất là đúng.
TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, Nghị định 100/2019 đã góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu số vụ tại nạn giao thông do sử dụng rượu bia thời gian qua. Ý thức chấp hành luật giao thông, đặc biệt là văn hóa "đã uống rượu bia thì không lái xe" dần trở nên phổ biến, tạo chuyển biến tích cực trong người dân. Việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tỏ rõ hiệu quả, tính răn đe.
"Việc giảm mức phạt vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp nhất được nhiều người đồng tình, bởi nó vừa dung hòa được sự răn đe nhưng vẫn có sự linh hoạt trong các mức độ vi phạm. Điều này không có nghĩa là buông lỏng vi phạm về nồng độ cồn mà là một sự điều chỉnh để phù hợp với thực tế hơn. Chắc chắn dự thảo này sẽ được rất nhiều người đồng tình ủng hộ", TS Nguyễn Xuân Thủy nêu quan điểm.
Nên hạn chế tối đa tịch thu phương tiện
Theo đại diện của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Tức là trung bình mỗi ngày, cả nước có khoảng 700 người vi phạm nồng độ cồn khi lái xe với các mức độ khác nhau.
Thực tế cho thấy, chế tài xử phạt của chúng ta đã khá đầy đủ và nghiêm khắc nhưng vi phạm nồng độ cồn vẫn là một trong những hành vi vi phạm an toàn giao thông phổ biến nhất hiện nay. Lực lượng cảnh sát giao thông cũng thường xuyên tổ chức tuần tra, đo nồng độ cồn của người tham gia giao thông nhưng tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
TS Nguyễn Xuân Thủy đề xuất, ngoài phạt tiền, cần đa dạng hóa hình thức xử phạt khi lái xe vi phạm nồng độ cồn như trừ điểm bằng lái, phạt lũy tiến với hành vi tái phạm, buộc học và thi lại bằng lái xe, lao động công ích, treo tịch thu bằng, buộc lắp thiết bị kiểm soát nồng độ cồn trên xe… Với những hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức đặc biệt nghiêm trọng kể cả khi chưa gây hậu quả cũng cần được xem xét truy tố xử lý hình sự. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức của người dân nói chung và người điều khiển phương tiện giao thông nói riêng.
TS Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, hiện nay chúng ta một mức phạt chung với mức độ từ dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở đến mức 0 là chưa hợp lý. Có người chỉ cần ăn chén nếp cẩm có cồn, nồng độ cồn về lý thuyết cũng bị phạt 6-8 triệu, cũng như người uống 1 cốc bia, 1 chén rượu, hoặc người có thể uống hơn nhưng nồng độ cồn vẫn lân cận 0,25. Trong khi về bản chất giữa hai người này là khác nhau. Do vậy, đề xuất giảm mức phạt như dự thảo nêu trên vẫn đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và được sự đồng thuận của nhân dân.
Một trong những biện pháp xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông về vi phạm nồng độ cồn là thu giữ phương tiện. Theo TS Tạo, nên hạn chế giữ xe. Khi người điều khiển vi phạm nồng độ cồn thì yêu cầu người nhà của người đó ra lấy xe về chứ không nên thu giữ. Các bãi thu giữ xe tang vật vi phạm ngày càng đầy ắp, lượng xe hỏng do thời gian rất lớn, rất lãng phí.
"Nếu người đó nộp phạt ngay thì là tốt nhất. Còn nếu không nộp phạt ngay thì phải có giải pháp chịu trách nhiệm nộp phạt cho nhà nước. Còn cố tình không nộp phạt thì chúng ta sử dụng công an khu vực, vì tất cả có căn cước định danh rồi, ai ở đâu đều hiện cả. Chúng ta có thể phạt và yêu cầu người đó nộp vào kho bạc nhà nước. Nếu chây ì thì gửi cho tòa án xử lý. Tôi nghĩ, cái này hoàn toàn có thể làm được", TS Khương Kim Tạo đề xuất.
Do vậy, nên hạn chế tạm giữ xe, trừ trường hợp liên quan hình sự để giải quyết tang chứng, vật chứng. Còn liên quan chấp hành hình phạt kinh tế giao thông thì cho phép mang xe về. Đương nhiên, người mang xe về không phải là người uống rượu bia, phải là người tỉnh táo, có đầy đủ giấy phép lái xe thì đến nhận xe đấy mang về.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Toàn Cảnh Olympic ngày 6/8 | Thực hư việc người đẹp làng bơi bị đuổi khỏi Olympic vì quá gợi cảm