"Hộ chiếu vắc xin" là khái niệm mới dành để chứng nhận các trường hợp đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19.
Trong số những trường hợp nhập cảnh về Việt Nam gần đây, có người có "hộ chiếu vắc xin"- tức là đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19. Theo quy định hiện hành, những trường hợp này vẫn phải cách ly 14 ngày và lấy 2 lần xét nghiệm như bình thường.
Nhiều người kỳ vọng "hộ chiếu vắc xin" là một giải pháp để thế giới sống chung với đại dịch, để mở cửa lại nền du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay vẫn còn rất nhiều tranh cãi.
Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi thận trọng, yêu cầu các nhà chức trách và các nhà điều hành du lịch không đưa ra bằng chứng về việc tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế. Lý do vì hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa lây truyền chưa rõ ràng và nguồn cung cấp vắc xin toàn cầu còn hạn chế.
PGS.TS Trần Đắc Phu cho hay: đến thời điểm này Việt Nam chưa có thay đổi trong các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 cũng như cách ly người nhập cảnh có "hộ chiếu vắc xin"
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu từ trước đến nay, với các bệnh truyền nhiễm, việc có vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống bệnh.
Trước đây, để phòng chống bệnh truyền nhiễm, các nước cũng đã áp dụng việc chứng nhận việc tiêm vắc xin khi đi lại như với dịch tả, dịch hạch, bệnh sốt vàng (chỉ lưu hành ở châu Phi, lây qua muỗi đốt lây cho người ở châu Phi và người khác đến châu Phi)…
“Tương tự với vắc xin phòng COVID-19, việc có hộ chiếu vắc xin cũng những điểm lợi. Một người được tiêm vắc xin, nếu thực sự có miễn dịch thì khi sang nước khác không bị lây bệnh và cũng không làm lây truyền bệnh. Như vậy sẽ giải tỏa được khó khăn cho ngành du lịch, hàng không, đi lại, phát triển kinh tế…”- PGS. TS Trần Đắc Phu cho biết.
Tuy nhiên chuyên gia cho rằng cũng cần phải lưu ý đến các rủi ro. Đầu tiên là, trước đây để nghiên cứu ra một vắc xin cần 4-5 năm, thậm chí 10 năm; trong khi đó vắc xin phòng COVID-19 được nghiên cứu, cấp phép trong điều kiện khẩn cấp.
Vì thế, có thể có một số vấn đề chúng ta chưa biết hết được như các vắc xin khác nhau, hiệu lực bảo vệ khác nhau; có vắc xin chưa biết được giảm lây nhiễm như thế nào mà chỉ giảm mức độ nặng của bệnh, giảm triệu chứng; cũng chưa biết kháng thể bảo vệ tồn tại trong cơ thể bao lâu…
Thứ hai, virus biến đổi liên tục nên vắc xin có thể không hiệu quả hoặc ít hiệu quả với các biến chủng mới.
Thứ ba, không loại trừ trường hợp có "hộ chiếu vắc xin" giả.
Vì thế, mỗi quốc gia căn cứ vào đánh giá rủi ro, lợi ích, hợp tác giữa các bên… để có thể có hình thức áp dụng phù hợp. Có thể kết hợp "hộ chiếu vắc xin" với xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính để giảm thời gian cách ly…
Cũng theo chuyên gia tại Việt Nam dù tỷ lệ tiêm vắc xin chưa được như nhiều nước nhưng đang áp dụng các biện pháp chống dịch hiệu quả.
Vì thế, dù tiêm vắc xin vẫn cần áp dụng tốt các biện pháp dự phòng dịch, cụ thể là áp dụng 5K theo khuyến cáo của ngành y tế.
Theo đó người tiêm ngừa vắc xin tại Việt Nam sẽ được cấp giấy chứng nhận đã tiêm chủng, đồng thời cập nhật thông tin trên hồ sơ sức khỏe cá nhân điện tử.
Để quản lý thông suốt và đồng bộ chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế sẽ quản lý dữ liệu từng người tiêm trên hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân. Việt Nam hiện đã hoàn tất hơn 97 triệu hồ sơ.