Chia sẻ tại Lễ Kỷ niệm Ngày Thế giới vì trẻ sinh non 17/11 được BV Phụ sản TW tổ chức ngày 17/11, chị Thảo- một người mẹ có con sinh con ở tuần 32 kể rằng, cho đến bây giờ khi con chị đã lớn, đã vào học tiểu học, chị vẫn không thể nào quên được cảm giác lo lắng đến nghẹt thở khi ở tuần thai thứ 32 chị chuyển dạ và phải vào bệnh viện để sinh con trong tình trạng cấp cứu. Sau sinh, như bao bà mẹ khác, chị mong muốn được ôm con vào lòng nhưng vì bé quá nhỏ, nên chị và gia đình phải ngắm nhìn con qua cửa kính của khu vực điều trị tích cực.
“Thế rồi may mắn nhờ các bác sĩ chăm sóc, điều trị, con tôi cũng đã lớn dần và phát triển bình thường như những đứa trẻ khác. Do đó các mẹ có con sinh non hãy yên tâm vững tin vào các y bác sĩ sẽ chăm sóc, nuôi dưỡng các con sinh non của chúng ta thời gian đầu đời trong điều kiện tốt”- chị Thảo nói
Giám đốc BV Phụ sản TW Trần Danh Cường tiếp nhận tài trợ quà tặng cho Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh
Theo PGS.TS Trần Danh Cường- Giám đốc BV Phụ sản TW, hàng năm, Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh (BV Phụ sản TW) tiếp nhận, điều trị khoảng 25.000-26.000 ca sơ sinh, trong đó, số ca sơ sinh non tháng, nhẹ cân khoảng 4.000 ca. Điều đặc biệt là 30% trong số này nặng chỉ dưới 1,5kg, tuổi thai dưới 30 tuần.
Tại Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh của BV Phụ sản TW thường xuyên có khoảng 400 trẻ, trong đó nhiều trẻ là sơ sinh non tháng, cân nặng chỉ 500-600gr.
"Sinh non là thảm hoạ của thế giới, là thách thức lớn của ngành sản khoa" – Giám đốc BV Phụ sản TW nhấn mạnh và cho rằng, chăm sóc trẻ sơ sinh rất tốn kém, vất vả không chỉ về tiền bạc mà còn con người... Tuy nhiên nếu được chăm sóc, nuôi dưỡng đúng cách, trẻ sinh non sẽ phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác.
Hiện theo các tài liệu báo cáo chung cả nước, tình trạng sinh non ngày càng tăng. Trung bình cả nước, tỷ lệ sinh non khoảng 7%, mỗi năm có khoảng 100.000-110.000 trẻ sinh non ra đời.
Giám đốc BV Phụ sản TW cho biết, tại BV Phụ sản TW đã và đang áp dụng nhiều biện pháp hạn chế đẻ non với nhiều phương tiện thăm dò, chẩn đoán phát hiện nguy cơ sinh non.
“Nhiều thai phụ từ khi có những dấu hiệu doạ đẻ non đã phải vào viện nằm từ tuần thai thứ 16 đến lúc sinh. BV cũng áp dụng phác đồ điều trị hiện đại nhất của thế giới, với các loại thuốc hàng đầu để chống đẻ non. Tuy nhiên, những loại thuốc này rất đắt nên tạo ra gánh nặng tài chính với gia đình, dù đã có BHYT chi trả một phần”- Giám đốc BV Phụ sản TW cho biết.
TS Lê Minh Trác, Giám đốc Trung tâm chăm sóc và điều trị sơ sinh cho hay: Một đứa trẻ sinh non chào đời sẽ đối mặt với nhiều nguy cơ: Suy hô hấp, viêm ruột hoại tử, thiếu máu, vàng da, mù loà, điếc, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động... Do đó, chăm sóc trẻ cần phải giải quyết toàn bộ yếu tố nguy cơ, chống suy hô hấp, chống nhiễm trùng, dinh dưỡng đầy đủ, phục hồi chức năng bằng massge, lời ru yêu thương, gần gũi của gia đình...
Chăm sóc trẻ sinh non tại BV Phụ sản TW
Các chuyên gia của BV Phụ sản TW cũng nêu rõ, với trẻ sinh non, dinh dưỡng là vấn đề lớn, vì trẻ không ăn được sau sinh, mà phải nuôi ăn bằng tĩnh mạch, tập ăn dần.
Nói về những sai lầm của các gia đình khi sinh con non tháng, TS Lê Minh Trác cho hay, nhiều bà mẹ khi bế con từ viện về đóng cửa phòng kín mít, không một khe thoáng nào, khiến môi trường trong phòng ô nhiễm. Thêm vào đó, TS Trác cảnh báo thực trạng thấy cháu sinh non tháng, nhiều người vào thăm nom, ôm hôn cháu... cũng dễ khiến môi trường ô nhiễm, bé dễ bị nhiễm bệnh.
“Không ít bà mẹ nghĩ, con sinh non tháng yếu ớt nên từ chối cho con tiêm chủng vắc xin. Đây là sai lầm lớn của các bà mẹ. Việc đưa trẻ đi tiêm phòng đúng hạn là quyền được bảo vệ sức khoẻ của trẻ, và chỉ có bác sĩ mới chỉ định được bé có đủ điều kiện sức khoẻ để tiêm hay không, không phụ thuộc vào ý chí cá nhân của bố mẹ”- TS Lê Minh Trác khẳng định.