Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga hoàn toàn chính xác khi nói về đào tạo đại học cần phải có “đầu tàu” và quyết định tạm dừng tuyển sinh một số ngành học trong nhiều trường đại học được dư luận quan tâm và đồng tình khi trường đại học công, tư hiện nay đang mọc ra như nấm mà thiếu cả thầy, thiếu cả đầu tàu. Thế nhưng “đầu tàu” là ai và liệu chỉ có tiến sĩ (TS), thạc sĩ (ThS) xứng đáng là đầu tàu trong đào tạo, nhất là đào tạo người làm nghệ thuật?
Thầy dạy môn học năng khiếu phải có năng khiếu
Đại học là nơi đào tạo nhân lực lao động trình độ cao cho xã hội và đó là trường dạy nghề: có trang bị tri thức khoa học bậc đại học.
Thầy dạy trong trường đào tạo nghề tất nhiên phải là bậc thầy trong nghề và quy định trên của Bộ GD-ĐT là đúng khi tiến sĩ, thạc sĩ mới là bậc thầy trong nghề so với cử nhân. Nhưng ngành nghệ thuật thì nghệ sĩ biểu diễn, đạo diễn, quay phim... làm sao có thể thành tiến sĩ và đều có biên chế tại cơ sở đào tạo vì đây là hai nghề hoàn toàn khác nhau và nghệ thuật cần năng khiếu thì thầy dạy môn nghệ thuật cũng cần phải có năng khiếu... Khi thầy dạy trong trường nghệ thuật bắt buộc phải có 1 TS, 3 ThS ở mỗi ngành học và coi những TS, ThS này là “đầu tàu”, tức là đã biến nghệ thuật biểu diễn, sáng tác với tư duy hình tượng, cần kỹ thuật sáng tạo cá nhân rất riêng biệt thành nghề nghiên cứu khoa học về biểu diễn sáng tác với lý thuyết, tổng kết khoa học đông cứng mà quên mất yếu tố quan trọng là năng khiếu nghệ thuật...
PGS. TS. Trần Thanh Hiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cảm ơn các nghệ sỹ chuyên gia nghệ thuật từ Na Uy đến giảng dạy tại trường
Để bạn đọc dễ hiểu, xin lấy một ví dụ cụ thể, giả dụ nghệ sĩ Đặng Thái Sơn ai cũng biết chỉ có bằng cấp cử nhân nếu muốn về nước đào tạo nghệ sĩ piano chắc ông phải là bậc thầy cỡ “đầu tàu”. Nhưng theo quy định nói trên, nếu muốn đứng lớp giảng dạy chắc ông phải thôi gõ piano để gõ bàn phím trong 4 - 5 năm làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ? Sau 4 - 5 năm từ giã nghề biểu diễn để thêm nghề nghiên cứu lý luận âm nhạc với bằng tiến sĩ, liệu nghệ sĩ Đặng Thái Sơn có thể đào tạo ra nghệ sĩ piano khi ngón tay trở nên cứng sau 3 tháng thôi chứ chả phải sau vài năm không gõ đàn?
Tiến sĩ và nghệ sĩ giỏi có nhiều cống hiến cho xã hội đều đáng trân trọng như nhau nhưng để có được tiến sĩ giỏi và nghệ sĩ giỏi lại hoàn toàn khác nhau. Một sinh viên giỏi ra trường tiếp tục ở lại học thêm sau 4 - 5 năm có thể thành tiến sĩ và được Hội đồng chấm bảo vệ luận án công nhận, hiệu trưởng trường đại học ký cấp bằng. Nhưng nghệ sĩ muốn thành danh phải thể hiện sáng tạo ít nhất cả chục năm, được đông đảo khán giả, đồng nghiệp chấp nhận và được thành NSƯT thôi cũng phải trải qua 15 năm với đủ số huy chương vàng, bạc theo quy định và ký bằng “công nhận” là Chủ tịch nước, thậm chí Chủ tịch nước còn tận tay trao bằng như kỳ phong tặng danh hiệu vừa qua. Vậy thì trong đào tạo nghệ thuật, tiến sĩ đâu phải “đầu tàu” mà đào tạo trong lĩnh vực nghệ thuật phải là nghệ sĩ có tài, được xã hội công nhận.
70% giảng viên cơ hữu
Yêu cầu các các thầy đào tạo nghệ sĩ cần phải có biên chế trong trường ĐH là điều không thực tế trong đời sống VHNT hiện nay. Thực tế, những nhà hoạt động nghệ thuật phải gắn với hoạt động nghề nghiệp tại các đơn vị nghệ thuật chứ không thể ở trong phòng nghiên cứu với các loại tài liệu, sách vở.
Quy định 70% “giảng viên cơ hữu” phải có trong các trường đại học nói chung là đúng bởi không đủ lực lượng tại chỗ làm sao có thể bảo đảm chương trình cho số lớp, khoa, ngành học và sinh viên đang có. Trường đại học ngoài ý nghĩa đào tạo còn là cơ sở nghiên cứu khoa học nên không đủ số giảng viên, không có TS, ThS rất cần dẹp bỏ để đảm bảo chất lượng đào tạo lực lượng lao động trình độ cao cho xã hội. Thế nhưng trong nghệ thuật, nghệ sĩ tài năng có thành tựu kể cả chưa được phong tặng danh hiệu cao quý thường phải ở đơn vị nghệ thuật. Vì thế, các trường năng khiếu phải mời giảng viên thỉnh giảng là điều dễ hiểu, làm sao có đủ “giáo viên cơ hữu” ăn lương biên chế của trường ĐH để đào tạo lớp kế cận. Có một nhầm lẫn rằng thầy nghề trong trường ĐH nghệ thuật chỉ có kinh nghiệm mà không có hiểu biết khoa học. Xin đừng coi người được phong danh hiệu cao quý như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, NSND, NSƯT khi không phải là tiến sĩ, thạc sĩ là người chỉ có kinh nghiệm và không đủ tri thức, trình độ khoa học để dạy nghề. Thực tế , các giáo trình dạy nghề biểu diễn, sáng tác trên thế giới, tác giả đều là nghệ sĩ nổi tiếng không phải TS, ThS và không có biên chế tại các trường ĐH nghệ thuật.
Ngược với giảng viên cơ hữu là giảng viên thỉnh giảng nhưng “giảng viên thỉnh giảng” ở các trường ĐH nói chung thường đến giảng theo chuyên đề. Ở trường ĐH nghệ thuật, do tính chất dạy nghề đặc trưng, nhiều văn nghệ sĩ không có biên chế của trường ĐH, cũng không đến giảng chuyên đề như hợp đồng vụ việc mà hợp đồng cả 4 năm, làm chủ nhiệm cả một lớp theo ngành học thì không hiểu đấy là giảng viên cơ hữu hay giảng viên thỉnh giảng. Trong chương trình giảng dạy ĐH, nhiều ngành học nghệ thuật mà người tham gia viết do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận (ngày ấy là Thứ trưởng) ký quyết định có người không ở trường ĐH, không là TS chứ đâu cần biên chế hay bằng cấp. Không lẽ bây giờ Bộ GD-ĐT có chủ trương khác, phải tiến sĩ hóa, nghiên cứu lý luận hóa ngành nghề nghệ thuật.
Theo ông Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội Trần Thanh Hiệp thì các thầy “đầu tàu”dạy nghề ở mỗi ngành học trong trường dù không có biên chế của trường, họ ở cơ quan khác, thậm chí đã về hưu miễn là có tài năng, sức khỏe, năng lực sư phạm vẫn được mời như là “giảng viên cơ hữu” vì họ chịu trách nhiệm dạy SV ngành học từ đầu đến cuối, kể cả làm chủ nhiệm lớp (thì mới đôn đốc học nghề được và có uy tín trước SV). 70% giảng viên trong trường dạy về nghệ thuật chỉ dạy lý thuyết, chưa nói đến hiệu quả đào tạo, mỗi buổi đứng lớp “nói ai nghe” vì SV nghệ thuật không ít người đã trải qua thực tiễn hoạt động nghệ thuật.
Chuyện 70% giảng viên cơ hữu như ý ông Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh là có lý nếu theo nghĩa tìm thầy nghề còn theo nghĩa biên chế, hành chính sẽ trở thành máy móc chăng?
Chủ trương của Bộ GD-ĐT qua quy định trên là đúng đắn với các trường ĐH nói chung và rất kịp thời trong tình hình hiện nay nhưng sẽ thành máy móc, cản trở sự phát triển VHNT nước nhà nếu có cách nhìn thiếu thực tế trong đào tạo tại các trường nghệ thuật.
Lê Quý Hiền