Chưa ngăn được đà tăng dân số

27-06-2009 15:17 | Thời sự

Trưởng thôn 2, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), tỉnh Kon Tum, A Bek cho biết: "Cuộc sống của bà con trong thôn còn khó khăn lắm,

Trưởng thôn 2, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà), tỉnh Kon Tum, A Bek cho biết: "Cuộc sống của bà con trong thôn còn khó khăn lắm, phụ nữ suốt ngày đi làm quần quật nên không có thời gian để chăm sóc con cái của mình. Nhà có gì ăn nấy, con đau ốm thì đến xin thuốc ở trạm y tế thôi chứ chẳng biết chúng có bị suy dinh dưỡng gì không".

Lật cuốn sổ ghi chép rất cẩn thận của thôn trưởng thôn 2, xã Đăk Hring (huyện Đăk Hà) - ông A Bek, chúng tôi thấy thật sự lo lắng. Cả thôn 2, trừ một vài cặp vợ chồng mới cưới, còn lại gần như 90% gia đình đều sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, số gia đình ở độ tuổi từ 35-40 trung bình có từ 7-8 đứa con. Điển hình như hộ gia đình chị Y Ri (1979) và anh A Đun (1978) có 5 con, đứa lớn nhất 10 tuổi, đứa nhỏ nhất 2 tuổi, là hộ nghèo trong thôn. Hộ gia đình chị Y Điệu (1972) và anh A Lít (1972) có 7 đứa con, đứa lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 1 tuổi... Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2 - chị Y Hanh (1972), người đi tuyên truyền cho chị em phụ nữ trong thôn sinh đẻ có kế hoạch cũng có 4 con nheo nhóc. Thôn 2, hiện có tổng cộng 93 hộ gia đình với 491 khẩu, trong đó 100% là đồng bào Xê Đăng.

 Y Bình, làng Kon Rờ Bàng sinh nhiều con khiến kinh tế gia đình khó khăn. Ảnh: Nguyễn Phương

Thôn Kon Rờ Bàng 1 và 2 ở xã Vinh Quang (TP.Kon Tum), tình trạng sinh con thứ 3 trở lên ở các gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) cũng tăng cao. Chị Y Phiên (1974) ở thôn Kon Rờ Bàng 1 nêu lên lý do: vợ chồng chị đã sinh 2 đứa con rồi nhưng đều là con gái. Cả chị và chồng thống nhất phải kiếm cho được con trai. Rồi đứa con thứ 3, thứ 4 của anh chị ra đời liên tiếp lại là con gái. Điều đáng thương tâm nữa là hiện nay đứa con thứ 2 của chị Y Phiên - cháu Y Phôn đang mắc phải căn bệnh tim bẩm sinh rất nặng. Ngoài vẻ bề ngoài với nước da xanh xao, dáng người gầy còm, ngực của cháu bé còn hiện lên một khối u rất to. Mỗi lần lên cơn đau, Y Phôn lại bị ngất xỉu, cứ vài tuần bệnh tình của cháu lại tái diễn một lần.

Từ việc sinh đẻ không kế hoạch, sinh nhiều, sinh dày mà hiện nay không ít chị em phụ nữ tại các làng DTTS mắc phải nhiều chứng bệnh "phụ nữ". Theo ghi nhận của chúng tôi qua những chuyến đi thực tế xuống cơ sở, tâm lý chung của phụ nữ DTTS là rất "ngại" khi đến bác sĩ. Chị  Nhiu - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Kon Rờ Bàng 1 và 2 tỏ ra bất lực: "Tình trạng phụ nữ đông con ở thôn Kon Rờ Bàng bây giờ có thể nói là nhiều nhất ở xã Vinh Quang, trẻ em suy dinh dưỡng cũng không phải ít. Thế nhưng, không phải chi hội hay Hội phụ nữ xã không xuống tuyên truyền, vận động chị em nhưng vì nhận thức của nhiều chị em ở đây còn thấp. Khi cán bộ xuống tuyên truyền họ nghe đấy nhưng lúc về rồi đâu lại bỏ đấy".

Điều đặc biệt là khi chúng tôi đến các địa phương trên đều không gặp được cán bộ làm công tác dân số. Lãnh đạo xã ở đây cho biết, mỗi tháng, những cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở chỉ được hưởng mức hỗ trợ khoảng 200.000 đồng, không đủ sống nên cũng phải thông cảm đồng ý để họ một tuần lên cơ quan 2-3 buổi hoặc khi nào có việc gấp. Đấy là mức hỗ trợ cho cán bộ dân số ở xã, còn đối với các chi hội trưởng phụ nữ thôn hay những cộng tác viên tuyên truyền dân số, mức hỗ trợ hàng tháng còn thấp hơn rất nhiều.

Để góp phần nâng cao nhận thức của bà con vùng DTTS thì vai trò của người làm công tác tuyên truyền ở cơ sở là rất quan trọng, đòi hỏi họ phải dành nhiều thời gian hơn nữa để tiếp xúc với dân, để đồng cảm, chia sẻ và kịp thời hóa giải những suy nghĩ lệch lạc giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của kế hoạch hóa gia đình không chỉ loại bỏ được đói, nghèo mà còn góp phần đảm bảo sức khỏe cho người phụ nữ và cả trẻ em. Muốn thực hiện tốt vấn đề này, Kon Tum cần phải bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền và nâng mức hỗ trợ cho đội ngũ những người làm công tác dân số ở cơ sở để họ yên tâm công tác, làm tròn trách nhiệm của mình.

Đan Tâm - Mai Ly


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn