Chưa cần 'hộ chiếu vaccine', hàng không chờ cất cánh từ đường bay ngoại

30-10-2021 19:01 | Doanh nghiệp
google news

SKĐS - Chính lộ trình cụ thể cho việc mở lại đường bay thương mại chở khách quốc tế thường lệ là điều mong đợi nhất của các hãng hàng không Việt Nam, đây là "liều thuốc" để hàng không cất cánh.

Đề xuất mở lại các chuyến bay quốc tế chở khách vào Việt Nam theo 4 giai đoạn

Chưa cần "hộ chiếu vaccine", hàng không chờ cất cánh từ đường bay ngoại   - Ảnh 1.

Hành khách trên chuyến bay thí điểm hộ chiếu vaccinie từ Pháp về VN cuối tháng 9/2021

Vào ngày 21/10, Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông vận tải kế hoạch chuẩn bị mở lại hoạt động bay quốc tế có chở khách vào Việt Nam theo 4 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1, thực hiện ngay quý 4 năm 2021: khôi phục các chuyến bay trọn gói với công dân Việt Nam và các chuyến bay thí điểm đón du khách quốc tế:

Các hãng hàng không Việt Nam cùng đối tác (doanh nghiệp lữ hành) tổ chức chuyến bay trên cơ sở đồng ý của địa phương cho tiếp nhận cách ly tập trung có thu phí.

Khách đi máy bay với chi phí trọn gói gồm: vé máy bay, xét nghiệm COVID-19, khách sạn cách ly, ăn trong 7 ngày (đối với chuyến bay chở toàn bộ khách đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc có chứng nhận khỏi bệnh COVID-19) hoặc 14 ngày (đối với chuyến bay khác).

Thị trường triển khai các chuyến bay trên gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường khác khi có nhu cầu luân chuyển lao động.

Các sân bay tiếp nhận chuyến bay gồm: Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh và các sân bay khác (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh, thành phố có sân bay).

Với chuyến bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến một số địa phương như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh, hành khách là người nước ngoài có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COIVD-19 không quá 6 tháng và phải đăng ký chương trình du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành.

Thị trường triển khai các chuyến bay này không hạn chế. Tần suất khai thác tới địa phương thí điểm đón du khách quốc tế: từ tháng thứ nhất trung bình 1 chuyến bay/ngày (tổng cộng 4.000 - 6.000 lượt khách đến); tháng thứ hai trở đi trung bình 2 chuyến bay/ngày trở lên.

Toàn bộ nhân viên tham gia dây chuyền phục vụ khách du lịch tại địa phương phải tiêm đủ liều vaccine COVID-19; tối thiểu 80% người dân trưởng thành tại địa phương đón khách đã được tiêm đủ liều vaccine COVID-19.

Giai đoạn 2, thực hiện từ tháng 1/2022: thí điểm các chuyến bay thường lệ chỉ chở khách có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19 vào Việt Nam.

Thị trường ban đầu là các đường bay giữa Việt Nam với Trung Quốc, Hong Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Pháp, Đức, Nga, Úc và các thị trường không nằm trong khuyến cáo hạn chế nhập cảnh theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19.

Các sân bay tiếp nhận chuyến bay gồm: Nội Bài, Vân Đồn, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc (trên cơ sở đồng ý của UBND các tỉnh, thành phố có sân bay); tần suất ban đầu 4 chuyến/tuần/chiều cho mỗi bên.

Hành khách làm thủ tục hàng không tại điểm xuất phát khi có xác nhận đã thanh toán chi phí cách ly 7 ngày tại cơ sở cách ly tập trung có thu phí (khách sạn) được chỉ định tại Việt Nam; có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc có giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19.

Giai đoạn 3, từ tháng 4/2022: tùy theo tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng: triển khai các chuyến bay thường lệ chở khách vào Việt Nam không yêu cầu cách ly khi áp dụng "hộ chiếu vaccine".

Hành khách là công dân Việt Nam và nước ngoài có giấy chứng nhận đã tiêm đủ liều vaccine COVID-19 hoặc có xác nhận khỏi bệnh COVID-19. Hành khách sau nhập cảnh phải khai báo điện tử theo ứng dụng kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam và tự cách ly tại nơi cư trú từ 3-7 ngày.

Giai đoạn 4, từ tháng 7/2022: tùy theo tiến trình tiêm vaccine tại Việt Nam và tình hình miễn dịch cộng đồng. Khai thác chuyến bay quốc tế thường lệ theo nhu cầu với công dân Việt Nam và nước ngoài đáp ứng các yêu cầu của cơ quan y tế Việt Nam tại thời điểm đó.

Không thể để lỡ cơ hội

Chưa cần "hộ chiếu vaccine", hàng không chờ cất cánh từ đường bay ngoại   - Ảnh 2.

Chuyến bay chở gần 300 công dân Việt Nam có hộ chiếu vaccine từ Nhật Bản đã hạ cánh an toàn tại sân bay Vân Đồn.

Theo ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông Vietnam Airlines, hãng hàng không này vẫn đang thực hiện các chuyến bay thương mại thường lệ chiều đi sang các nước như Úc, Nhật, Hàn Quốc, song chưa được thực hiện chiều về. Các chuyến bay chở khách nhập cảnh đều là chuyến bay công vụ hoặc chở công dân về nước. "Vietnam Airlines đã đề xuất lên Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho phép mở lại các đường bay thương mại thường lệ vào Việt Nam", ông Tuấn cho hay.

"Chúng tôi không mong gì hơn là các cơ quan quản lý nhà nước sớm thông qua lộ trình khôi phục các đường bay quốc tế. Việc mở lại thị trường hàng không quốc tế không chỉ giúp kết nối thông thương, mà còn tạo điều kiện cho các hãng bay có thêm doanh thu, phục hồi nhanh hơn", ông Đặng Anh Tuấn, Trưởng ban Truyền thông, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết sau khi Cục Hàng không Việt Nam đệ trình kế hoạch khôi phục hoạt động bay quốc tế có chở khách lên Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vào cuối tuần trước.

Cũng theo vị đại diện Vietnam Airlines, việc mở lại các đường bay quốc tế nếu không thực hiện sớm sẽ lỡ mất cơ hội cạnh tranh điểm đến. Nhiều nước kiểm soát dịch tốt đã mở hẳn, thậm chí không cần tiêm 2 mũi vaccine mà chỉ cần xét nghiệm PCR âm tính là được nhập cảnh. “Tại VN, chúng ta vẫn đang quy định tiêm 2 mũi vaccine, xét nghiệm PCR âm tính và quy định thêm thời gian cách ly tập trung, tức là về điều kiện đã chặt chẽ. Các nước xung quanh đã mở cửa nhiều, cả Singapore, Thái Lan. Nếu chúng ta vẫn loay hoay chậm mở cửa thì sẽ mất hết lợi thế cạnh tranh điểm đến, không chỉ trong lĩnh vực du lịch mà còn cả cơ hội đầu tư sau đại dịch. Mở lại đường bay quốc tế không chỉ tác động đến thị trường hàng không, mà còn là đòn bẩy tới du lịch và giao thương, đầu tư”, ông Tuấn nhìn nhận.

Đồng thuận với lộ trình nói trên, ông Đặng Anh Tuấn cho rằng, kế hoạch mở lại bay quốc tế của Việt Nam cũng nên theo hình thức xem xét từng thị trường, chưa nên mở cửa ồ ạt và cần thực hiện từ nay đến cuối năm, tránh đứt đoạn thị trường quá lâu, đánh mất nhiều cơ hội.

Khẳng định sự cần thiết phải mở lại đường bay quốc tế, tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Airlines cho rằng, quan trọng nhất là phải có một kế hoạch tổng thể để phát triển nền kinh tế do Chính phủ ban hành.

"Đang xuất hiện tình trạng 2 tỉnh sát nhau, có cùng một tình trạng dịch, nhưng lại áp dụng 2 chính sách phòng dịch khác nhau. Như thế, nếu có cho mở lại đường bay quốc tế đón khách du lịch cũng rất khó khả thi", ông Kỳ nói.

Hiện rất nhiều nước đang mong muốn mở lại các đường bay thương mại với Việt Nam như nước Nga hay Singapore hay Úc, Nhật....

Đây là các thị trường du lịch và đầu tư rất lớn với VN, cần ưu tiên mở lại đường bay đầu tiên. Ngoài ra, Úc có nhu cầu bay 2 chiều rất lớn vì cộng đồng người Việt lớn, và Úc cũng kiểm soát tốt dịch bệnh.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ


Nguyễn Ngân
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn