Chu Vĩnh Khang đã bị bắt cùng vợ kế là Giả Hiểu Diệp vào cuối năm ngoái. Sau khi chính quyền Trung Quốc quyết định mở điều tra nhân vật từng nằm trong Bộ chính trị Trung Quốc và từng giữ chức Bộ trưởng Công an thì con trai Chu Bân cũng bị bắt để điều tra. Và Chu Bân giờ đang "tích cực hợp tác" với cơ quan điều tra để chống lại cha mình.
Hổ con cắn hổ cha
Ngày 30.7, báo New York Times cho biết trong chiến dịch đánh Chu Vĩnh Khang, chính quyền coi Chu Bân là quân cờ quan trọng phải khai thác trước. Báo Trung Quốc cho biết Chu Bân tỏ ra tích cực hợp tác với cơ quan điều tra và đã cung cấp nhiều bằng chứng chống lại cha ruột Chu Vĩnh Khang.
Chính những bằng chứng đó đã củng cố việc chính quyền Trung Quốc quyết định công khai việc điều tra "hổ lớn" Chu Vĩnh Khang.
Lưu Ngân Toàn, giáo sư nghiên cứu sử ở Bắc Kinh nói: "Thời gian qua, mọi việc làm phi pháp của Chu Bân đều nhờ lợi dụng ô dù của Chu Vĩnh Khang. Bản thân Chu Vĩnh Khang quá bận rộn với việc rượu chè và phụ nữ thì khó có thời gian xem xét hoạt động kinh doanh của con trai. Có nhiều điều sai trái mà Chu Bân làm thì Chu Vĩnh Khang cũng không hay biết".
Nhưng giờ khi Chu Bân thấy nguy hiểm thì không cách nào gỡ tội tốt hơn là "hợp tác với cơ quan điều tra" để chống lại cha.
Chu Vĩnh Khang và Chu Bân
Tiểu hổ Chu Bân
Khi Chu Vĩnh Khang bị đánh thì báo chí Trung Quốc vốn có truyền thống đặt biệt danh cho các nhân vật ngã ngựa (từ thời Cách mạng văn hóa) đã gọi Chu Vĩnh Khang là "Đại hổ". Con trai Chu Bân nhờ thế được ăn theo với biệt danh "tiểu hổ".
Trang tài chính của Sina cho biết Chu Bân bị viện kiểm sát Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc phát lệnh bắt giữ liên quan đến việc hoạt động kinh doanh phi pháp. Báo chí Trung Quốc cho biết Chu Bân sinh năm 1972 từng được đi du học Mỹ và vê nước năm 2002.
Sau khi về nước, Chu Bân lao vào làm ăn kinh doanh và dựa thế cha để trở thành một doanh nhân thành đạt. Báo Trung Quốc nói tiểu hổ Chu Bân xây dựng cả một đế chế kinh doanh câu kết với chính trị ở thành phố Vô Tích, Giang Tô, mở rộng địa bàn ra cả Bắc Kinh, Thượng Hải và nước ngoài.
Lĩnh vực kinh doanh của Chu Bân gồm cả bất động sản, dầu khí và đầu tư. Báo chí Trung Quốc cho biết đế chế kinh doanh của Chu Bân có tổng tải sản cả tỷ USD. Giáo sư luật tại Bắc Kinh Triệu Viên Minh cho biết: "Chu Bân rất năng động trong môi trường tài chính và làm nhiều điều phi pháp dưới ô dù của cha mình. Khi Chu Vĩnh Khang ngã ngựa thì các hoạt động phi pháp bị phơi bày ngay".
Khi Bạc Hy Lai và Chu Vĩnh Khang bị đánh, báo chí Trung Quốc cho rằng hai nhân vật này câu kết với nhau. Chu Bân cũng biết cách tận dụng mối quan hệ giữa cha với ông Bạc để kiếm 3,2 tỷ USD trong các khoản đầu tư vào Trùng Khánh, địa bàn của Bạc.
Chẳng hạn trong một dự án đầu tư xây dựng 6,5 tỷ USD ở Trùng Khánh, Chu Bân bỏ túi riêng 1,6 tỷ USD. Ngoài ra, Chu Bân còn bị cáo buộc nhận nhiều tiền hối lộ để mua quan bán chức, bắt thả người...