Qua khảo sát tại chợ gia súc mổ sẵn trên địa bàn huyện Hoài Đức (Hà Nội) có thể dễ dàng nhận thấy những chiếc xe máy chở lợn đã giết mổ ra vào chợ "đầu mối" gia súc (chợ Sấu) không che chắn, để mặc bụi bặm, ruồi nhặng bu bám, rất mất vệ sinh... Cá biệt, một số người hám lợi sẵn sàng mang lợn bệnh đi bán khiến nguy cơ người tiêu dùng mất tiền nhưng lại mua phải lợn không đảm bảo chất lượng là điều khó tránh. Trong khi đó lực lượng thú y viên tại các thôn, xã dường như "ngủ quên" khiến thị trường này càng trở lên mất kiểm soát.
Công tác kiểm dịch thú y còn bị buông lỏng, liệu những chế phẩm từ gia súc, gia cầm có bảo đảm an toàn? |
Mục sở thị chợ gia súc
Nửa đêm, chúng tôi lên đường tìm về chợ Sấu - nơi được gắn danh chợ đầu mối về gia súc mổ sẵn lớn nhất nhì của thành phố Hà Nội đóng trên địa bàn xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức. Càng gần tới chợ, không khí nhộn nhịp của chợ bắt đầu từ nửa đêm đến sáng sớm càng hiện hữu. Vừa vào tới chợ, chúng tôi đã được các chủ hộ kinh doanh chuyên mặt hàng thịt lợn sống trong chợ chào mời mua hàng. Chị H., một chủ hộ kinh doanh với hơn chục năm kinh nghiệm cho biết, ở đây chuyên bán buôn, bán lẻ thịt lợn sau khi giết mổ, giá bán lẻ mặt hàng tùy loại thịt sẽ có các mức giá khác nhau, nếu mua cả con giá cũng sẽ khác và đặc biệt giá cả luôn có sự biến động theo ngày. Với lý do tìm đầu mối nhập hàng đổ buôn cho một số tiểu thương khu vực chợ nội thành chúng tôi đã được chị H. gợi ý: nhà chị luôn có nguồn hàng "sạch", ổn định, nếu em lấy nhiều sẽ có hợp đồng đàng hoàng, mọi loại giấy tờ chị lo được hết, em cứ yên tâm. Cách cửa hàng chị H không xa, qua quan sát của chúng tôi, một số hộ kinh doanh đã để cả thịt thương phẩm xuống đất, chỉ cách nền chợ ẩm thấp đúng tấm gỗ hoặc mảnh nilông được lót tạm thời. Cùng đó, hệ thống thoát nước bị tắc nghẽn đã khiến từng dòng nước đen kịt đọng thành từng vũng nhỏ, ruồi nhặng bu bám ngay xung quanh. Đặc biệt, một số hộ kinh doanh có bàn, chỉ dùng dao cạo sạch lớp bẩn sau đó lau chùi qua loa rồi lại tiếp tục băm chặt thịt lợn bán cho khách. Liệu rằng với các công đoạn được lặp đi lặp lại ngày qua ngày như vậy, thử hỏi chất lượng sản phẩm có thật sự đảm bảo về mặt vệ sinh thực phẩm?
Xe chở lợn trên đường vào chợ Sấu. |
Quản lý bị buông lỏng?
Qua quan sát của phóng viên, BQL chợ Sấu luôn có hai cán bộ túc trực trong giờ cao điểm, tuy nhiên hầu như các xe chở thịt lợn ra vào chợ đều không được kiểm soát. Sau vài câu chào hỏi xã giao, chúng tôi bắt đầu câu chuyện bằng cách đặt vấn đề tìm đầu mối nhập hàng làm ăn buôn bán lâu dài với cán bộ của BQL chợ, đồng thời nhờ vả những cán bộ này "bảo lãnh" tìm nguồn giúp. Một cán bộ cho biết: "giá cả ở đây em cứ yên tâm, điện thoại trước khi đến, trao đổi giá cả, số lượng rồi về lấy. Ban đầu phải trả 100% giá trị lô hàng, nếu hợp tác lâu dài, sau một thời gian có thể được ưu tiên theo kiểu trả trước 70 - 80%, số còn lại thanh toán sau khi bán hết hàng”. Đề cập tới vấn đề kiểm soát thú y, cán bộ BQL chợ khẳng định chắc nịch: “Mọi giấy tờ liên quan thú y thì khỏi lo”, vừa nói vị này vừa lôi trong ví ra một tập giấy chứng nhận kiểm dịch thú y có đóng dấu đỏ của Trạm thú y Hoài Đức, trong đó có ghi rõ tháng và bỏ trống ngày để khi cần người kinh doanh có thể điền vào nhằm đối phó với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra đột xuất. Để chứng minh thêm cho lời nói, vị này cúi xuống gầm tủ lôi hộp dấu kiểm dịch thú y (loại dấu đóng trực tiếp trên mỗi con lợn khi kiểm tra, chứng nhận lợn không bị bệnh, đảm bảo an toàn) đưa lên trước mặt rồi nhấn mạnh, cứ yên tâm nhập hàng còn mọi thứ liên quan sẽ được bên bán lo đầy đủ thủ tục.
Đặc biệt, theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây một số cá thể trong đàn lợn mà những hộ dân chăn nuôi trên địa bàn huyện Hoài Đức thường mắc bệnh với các triệu chứng sốt, bỏ ăn, chủ yếu uống nước, khoảng 1-2 tháng sau nhiều con trong đàn bị chết, khiến người dân bị tổn thất về tiền và tài sản. Được biết, để có tiền chăn nuôi lợn những hộ dân đã phải làm các thủ tục để thế chấp, vay vốn của ngân hàng. Gặp phải cảnh dịch bệnh hiện nay, vốn đầu tư chẳng kịp thu hồi nay lãi mẹ đẻ lãi con khiến nhiều gia đình mất khả năng thanh toán nợ nần. Trong khi đó, có phản ánh tới lực lượng thú y huyện để lực lượng này xuống tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân nhưng khi xuống, mặc dù lực lượng thú y đã lấy mẫu bệnh phẩm mang đi xét nghiệm, tiến hành khử trùng tiêu độc môi trường, hướng dẫn vệ sinh chuồng trại, điều trị bệnh nhưng điều quan trọng là xác định dịch bệnh ra sao, có phải khoanh vùng dịch không thì lại không co câu trả lời thoả đáng?!
Tuấn Hoàng