Những “chiến binh” đầu trọc

Ở Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh – nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 và cách ly, theo dõi sức khỏe cho các F1 có nguy cơ cao, BS. Nguyễn Quốc Hùng – Giám đốc bệnh viện chia sẻ hóm hỉnh: “Xuống tóc ở  bệnh viện chống COVID-19 phải thế này, từ tháng 2/2020  ngoài chống dịch, chúng tôi còn có thêm “nghề cắt tóc”. Bệnh viện Dã chiến số 2 đã mua đến cái máy tông đơ thứ 4 và đang xây dựng “gói thầu” mua máy cắt tóc, kéo, lược. Đoàn thanh niên tổ chức thi cắt tóc kiểu COVID-19...”.

Không chỉ đơn giản là kiểu đầu trọc lóc hay húi cua thông thường, các bác sĩ trẻ còn biến hóa thành những mái đầu độc, lạ, tinh nghịch nhìn chẳng thua kém gì thợ cắt tóc chuyên nghiệp. Anh Nguyễn Thế Thiêm – cán bộ bệnh viện chia sẻ: “Mấy anh em cứ trêu đùa nhau là “quả đầu quốc dân” vì 100% y bác sĩ nam và nam nhân viên chống dịch đều cạo trọc như nhau.

Để đảm bảo chống dịch, bệnh viện đã mua 4 tông đơ cho mỗi khoa điều trị một cái. Các khoa sẽ cử ra một “thợ cắt tóc” để tự cắt tóc cho nhân viên khoa mình. Tuy nhiên anh em thống nhất cạo trọc là nhanh và tiện lợi hơn cả nên hơn 1 năm nay, họ đều có chung một “quả đầu quốc dân””.

Mới đầu cắt tóc cũng... run tay, sau rồi cứ như thợ lành nghề vậy!

Húi cua, cạo trọc là cách mà các "chiến binh" BV Dã chiến số 2 lựa chọn khi bước vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Chia sẻ thêm về kiểu đầu đặc trưng này, BS. Hoàng Văn Quỳnh - Khoa Ngoại và Chuyên khoa, BV Sản Nhi Quảng Ninh hiện đang tăng cường cho BV Dã chiến số 2 cho hay, do đặc thù công việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 thường kéo dài, mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, lại không được bật điều hòa vì phải đảm bảo thông khí, gió nên sau mỗi ca trực ai nấy mướt mải, mồ hôi đầm đìa. Cạo trọc đầu là giải pháp tốt nhất, vừa đỡ nóng, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm. Không những vậy, còn giúp tiết kiệm thời gian thay, mặc đồ bảo hộ trong bối cảnh số ca lây nhiễm tăng từng ngày.

Hiện tại, ở Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh có 23 nhân viên y tế nam. Theo chia sẻ của các bác sĩ, trong số nhân viên y tế tham gia chống dịch tại đây có nhiều người từng sở hữu mái tóc rất đẹp, thời chưa có dịch bệnh các anh thích tạo kiểu bồng bềnh, vuốt gel nhưng từ khi dịch xảy ra, chẳng mấy ai còn có thời gian chăm chút cho vẻ bề ngoài nữa.

"Lần đầu xuống tóc, gọi video về cho người thân ai nấy đều ngỡ ngàng vì khác lạ. Gia đình mừng mừng tủi tủi, nước mắt ngắn dài nhưng dần rồi cũng quen" - một bác sĩ chia sẻ.

Việc xuống tóc ở Bệnh viện Dã chiến số 2 Quảng Ninh giờ đây đã trở thành thường quy. Sau thời gian điều trị cho bệnh nhân, các bác sĩ chỉ nhanh chóng tắm gội rồi nghỉ ngơi lấy sức chiến đấu tiếp.

Nụ cười thanh xuân vào “tuyến lửa”

Ai đó đã ví von rằng, giữa tiết trời nắng nóng khắc nghiệt này của miền Bắc, không có nghề nào, kể cả thợ rèn, cực nhọc bằng nhân viên y tế trong những bộ đồ kín mít từ sáng đến tối. Và chắc hẳn mọi người chưa quên tấm lưng trần rát bỏng của nam sinh viên trường y sau nhiều tiếng đồng hồ trùm mình trong bộ đồ bảo hộ chẳng khác gì cái lò hơi dưới nắng chang chang, đi lấy mẫu xét nghiệm cho người dân vùng tâm dịch Bắc Giang.

Đối diện với bao vất vả, khó khăn, nguy cơ lây nhiễm cao là thế nhưng các chiến sĩ áo trắng trên khắp đất nước Việt Nam vẫn liên tục đăng ký sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến. Đó là minh chứng rõ nét cho tinh thần dân tộc, trong gian khó, hi sinh vẫn chung ý chí đồng lòng quyết tâm chiến đấu và chiến thắng giặc COVID-19.

Đến nay theo thông tin từ 63 tỉnh, thành phố về Bộ Y tế cho biết, tất cả nhân viên y tế trên địa bàn đều sẵn sàng đến Bắc Giang tham gia công tác phòng chống dịch. Ngoài hơn 2.300 lực lượng y tế và sinh viên các trường Đại học, cao đẳng y dược trên cả nước đang có mặt tại điểm nóng Bắc Giang, Bắc Ninh hỗ trợ chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã có khoảng 26.000 cán bộ y tế, sinh viên các trường y, dược đăng ký sẵn sàng đến 2 “điểm nóng” này.

Tấm lưng rát bỏng của nam sinh viên trường y gây bão cộng đồng mạng...

Và bức ảnh truyền cảm hứng của BS. Đặng Minh Hiệu.

Là một trong hơn 200 y bác sĩ của BV Đại học Y Dược TP.HCM tình nguyện đăng ký tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19, BS. Đặng Minh Hiệu chia sẻ: “Ngày ngày theo dõi tin tức từ tâm dịch, thấu hiểu được sự phức tạp của đợt dịch lần này, niềm khao khát được góp sức cùng các đồng nghiệp nơi tuyến đầu trong tôi ngày một lớn. Chỉ mong đến ngày có lệnh điều động để bản thân có thể thực hiện được lý tưởng của tuổi trẻ, được cống hiến hết mình cho cuộc chiến chống đại dịch, sớm trả lại cuộc sống bình yên cho dân mình”.

Nhận lệnh lên đường, BS. Hiệu cho đó là may mắn, là cơ hội được góp sức mình để đẩy lùi dịch bệnh. Hình ảnh bác sĩ trẻ Đặng Minh Hiệu với mái đầu trọc và nụ cười tỏa nắng mà người ta gọi đó là “nụ cười thanh xuân vào “tuyến lửa” trước giờ đi chi viện cho tâm dịch Bắc Giang khiến nhiều người không khỏi xúc động, tự hào. Nụ cười ấy, ánh mắt ấy, tâm thế hiến dâng ấy đã vượt lên trên tất cả những mỹ từ đẹp đẽ nhất.

Hành trang cá nhân nhỏ gọn, tối 29/5, BS. Hiệu cùng 2 bác sĩ khác của BV Đại học Y Dược TP.HCM là ThS.BS. Huỳnh Phương Nguyệt Anh và ThS. Trương Văn Đạt đã lên đường đến Bắc Giang. Nhưng kèm theo đó, họ mang theo 6.000 khẩu trang N95, 2.000 bộ kit test nhanh SARS-CoV-2 đến hỗ trợ tuyến đầu chống dịch.

Theo kế hoạch, họ di chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội và đến BVĐK tỉnh Bắc Giang vào ngày 30/5. Tại đây, họ đã nhanh chóng tham gia cùng với các y bác sĩ của địa phương vào khu điều trị bệnh nhân nghi nhiễm với 80 bệnh nhân đang theo dõi và trung bình có 1 F0 được chẩn đoán xác định.

Khi Tổ Quốc gọi, chúng tôi lên đường. Gác lại những trăn trở cho chuyến công tác dài và còn nhiều thách thức ở phía trước, sự vui vẻ, lạc quan trước khi xung trận của BS. Hiệu và nhiều bác sĩ khác có lẽ là minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần “Y đức – Khát vọng – Xung kích – Bản lĩnh” của đội ngũ thầy thuốc trẻ sẵn sàng dấn thân, cống hiến vì sức khỏe nhân dân.

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn